Đặc điểm du lịch Huế và giải pháp phát triển

Nếu có một tiêu chí khoa học xác đáng, Huế trước hết là thành phố lịch sử, lịch sử đô thị gần 400 năm, đô thị Huế là đô thị quốc gia mang tầm vóc quốc tế tồn tại trong nhiều thế kỷ. Từ đô thị lịch sử mang tính nổi bật của đất nước và có giá trị toàn cầu, nay để lại nhiều di sản của vùng đất kinh đô, trở thành trung tâm văn hoá hàng đầu của đất nước và được công nhận là thành phố Văn hoá ASIAN vào năm 2014.

            1. Đặc điểm du lịch di sản văn hoá Huế

            Huế là đô thị văn hoá đã được thử thách và khẳng định; nếu tổ chức tốt, đô thị văn hoá kết hợp với cảnh quan, Huế sẽ là trung tâm du lịch đặc sắc mang tầm quốc tế. Không những thế, Huế trong nhiều thế kỷ là trung tâm giáo dục và đào tạo nhân tài hàng đầu của đất nước thông qua các hoạt động của Quốc tử giám của triều Nguyễn, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn, nhất là Sử học, Y học. Kinh đô Huế cũng là nơi tập trung nhiều sử gia nổi tiếng, nhiều ngự y, thầy thuốc tài năng khắp cả nước. Hoạt động giáo dục, khoa học và y tế của Huế về sau vẫn giữ được truyền thống mang tầm quốc gia và giữ được niềm tin của xã hội nên Huế có đủ tố chất để xây dựng thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa cấp, chất lượng cao, trung tâm khoa học đa ngành có thế mạnh về khoa học xã hội – nhân văn và là trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu của đất nước.

            Trong vùng di sản và du lịch Miền Trung, Thừa Thiên Huế chiếm vị trí hàng đầu, là trọng điểm không chỉ là do lợi thế ở vị trí trung tâm mà bao gồm về sự tập trnng nhiều loại hình du lịch đặc sắc như du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch tắm biển- nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch làng nghề…

            Du lịch di sản văn hoá Việt Nam bao gồm di sản vật thể và phi vật thể với nhiều thể loại khác nhau. Trong di sản vật thể thì di sản Cố đô là tiêu biểu nhất: Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, Tây Đô (thành Nhà Hồ) và Huế; 4 trong 5 di sản này được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới[2]. Trong các Cố đô này thì duy nhất cho đến hiện nay, Nhã nhạc cung đình Huế là di sản phi vật thể được UNESCO tôn vinh là kiệt tác của nhân loại.

            Thừa Thiên Huế có đủ các yếu tố di sản văn hoá và di sản thiên nhiên mà tạo hoá và lịch sử ban tặng, người Huế cũng rất có ý thức về bảo tồn giá trị di sản, đó là tiền đề để xây dựng Huế thành thành phố di sản đặc trưng của Việt Nam, một đô thị văn hoá- du lịch hàng đầu Đông Nam Á; một địa chỉ hấp dẫn du khách của thế giới.

            2. Giải pháp phát triển du lịch và phát triển kinh tế – xã hội

            – Giải pháp liên kết

            Miền Trung trong quá khứ là ranh giới hai vương quốc Đại Việt- Champa lấy các cửa sông làm định mốc: Cửa Việt (sông Hiếu, 1069 thời Lý), cửa Đại Chiêm (sông Thu Bồn, 1306 thời Trần); của đất nước qua những lần chia cắt Trịnh- Nguyễn (sông Gianh thế kỷ XVII-XVIII), của thời chiến tranh chống Mỹ (sông Bến Hải, Thạch Hãn thế kỷ XX) mà nguyên nhân là do cách sông trở núi mà ra. Nay với sự phát triển giao thông: Thừa Thiên Huế đã có nhiều cầu vượt qua sông, qua đầm và nhiều đường hầm xuyên qua đèo, qua núi. Ngành du lịch thời nay xem sông núi là điểm nhấn để kết nối du lịch các vùng miền trong lợi ích của ngành, quốc gia và quốc tế. Phát triển du lịch không những nối con người với các vùng miền đất nước mà sẽ làm hạn chế tính cát cứ, địa phương hẹp hòi mà các tỉnh Miền Trung bấy lâu nhiều người xem đó là căn bệnh kinh niên khó hoá giải.

          Cần có một cơ chế quản lý, điều hành ngành Du lịch ở Miền Trung để tránh tình trạng tự phát, cục bộ vì lợi ích địa phương; hạn chế đến lợi ích chung dẫn đến tranh chấp, chụp giật. Đó là biểu hiện mặt trái của văn hoá du lịch.

          Tổng cục Du lịch cần cho thành lập Cục Du lịch đóng tại Huế. Vì Huế, không những giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong các hoạt động du lịch toàn diện mang tính tập trung của đất nước, mà nơi đây vốn có một thiết chế tầm quốc gia, hỗ trợ cho ngành Du lịch như: Khoa Du lịch thuộc Đại học Huế, Trường Cao đẳng nghề Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, ngành đào tạo Cử nhân Văn hoá Du lịch của Trường Đại học Khoa học- Đại học Huế; Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

           Tài nguyên khoáng sản, tài nguyên lúa gạo Miền Trung không thể so sánh với các vùng miền khác, nhưng tài nguyên du lịch thì có nhiều tiềm năng. Khi tiềm năng du lịch được phát triển đúng hướng, đầu tư đúng mức và có cơ chế thích hợp, Miền Trung sẽ nhanh chóng giàu lên và cộng đồng văn hoá dân cư mang tính đặc trưng ở đây sẽ là trở thành một cộng đồng văn hoá biết làm kinh tế du lịch, dần dần tham gia vào đời sống thị trường sẽ làm giàu cho mình và cho đất nước. Đó là bước đột phá của cuộc Cách mạng xanh thông qua hoạt động du lịch có ý thức và có tổ chức mà Huế phải ở vị vị trí trung tâm.

          – Về tổ chức

          Đề nghị thành lập Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội Thừa Thiên Huế nhằm thực hiện các nhiệm vụ khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng để phát triển kinh tế, xã hội như các thành phố lớn hiện nay. Thừa Thiên Huế cũng nên đặt các văn phòng du lịch ở một số nước có ngành du lịch phát triển vốn có quan hệ sâu sắc trong lịch sử và triển vọng có nhiều du khách đến Huế. Cơ sở học viện Hành chính Miền Trung cũng nên chú trọng về mã ngành đào tạo đại học và sau đại học về quản lý nhà nước đối với ngành Du lịch cũng như triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên môn này. Xây dựng Bảo tàng Khoa học, xây dựng Khu vườn Tượng Danh nhân mà Huế trong quá khứ có nhiều thành tựu và cống hiến xuất sắc. Tỉnh đã đến lúc cần xây dựng Trung tâm Quốc sử, mà Huế vào thế kỷ XIX có Quốc sử quán để lưu giữ các loại hình tư liệu quốc gia và địa phương,trong đó có di tích, di vật, châu bản, mộc bản, nhân chứng, tài liệu ghi âm, ghi hình cũng là đối tượng tham quan đặc sắc của Huế. Cần xây dựng Trung tâm Liên kết các dòng họ mà Thừa Thiên Huế có nhiều giá trị đặc trưng với nhiều dòng họ ít nơi có như hoàng tộc, quý tộc, vọng tộc, họ làm thầy, họ làm thợ, họ làm nông, họ làm quan, họ khoa bảng với nhiều từ đường và lễ hội đặc sắc. Xây dựng Trung tâm Phan Bội Châu để quy tụ các tư liệu, ấn phẩm về cụ Phan mà Huế có gần 15 năm lưu dấu của Cụ (1925-1940) và cũng là nơi thu hút nhiều du khách Nhạt Bản,Trung Quốc, Thái Lan đã từng gắn bó với sự nghiệp của cụ Phan mời năm (1905-1925) trước khi Pháp đưa Cụ về an trí tại Huế. Đó cũng là thiết chế cần thiết để phát triển du lịch Huế trong tương lai.

          – Về nghiên cứu khoa học

          Du lịch là lãnh vực kinh tế đa ngành, muốn phát triển cần phải biết tổ chức liên kết; di sản văn hoá muốn trở thành sản phẩm du lịch cần phải đầu tư nghiên cứu có chiều sâu để tìm ra bản sắc của mỗi loại hình, kết hợp với nhu cầu của thị trường mới tạo ra được sản phẩm độc đáo. Để trở thành một địa bàn chiến lược phát triển du lịch trên cơ sở có nền văn hoá đặc trưng, Thừa Thiên Huế nên chú ý mấy điểm sau đây:

          Ngoài du lịch di sản mà Trung tâm Bảo tồn di tich cố đô Huế có nhiều thành tựu nghiên cứu để phát huy giá trị nhằm phục vụ du khách. Trong tương lai cần nghiên cứu theo hướng đa dạng hoá du lịch: Du lịch di sản kết hợp với cảnh quan, du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch công vụ mà Thừa Thiên Huế có nhiều thế mạnh.

           Thừa Thiên Huế có nhiều bãi biển trong đó Lăng Cô là vịnh đẹp của thế giới, có nhiều khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng nổi tiếng như Bạch Mã, Thanh Tân, có nhiều đầm phá đa dạng thuỷ sinh và phong phú về hệ sinh thái đặc sắc của Đông Nam Á. Để đạt hiệu quả cao về kinh tế cần có kế hoạch nghiên cứu khoa học đa ngành về thiên nhiên cũng như xã hội và nhân văn, về thị hiếu cũng như nhu cầu dịch vụ du lịch cho mỗi loại khách trong nước và quốc tế. Tạo mọi thuận lợi tối đa cho khách lưu trú cũng như thời gian tham quan, khám phá về vùng đất và con người một cách kỳ thú, hấp dẫn.

           Thừa Thiên Huế có nhiều đặc sản hấp dẫn du khách nhưng hiếm có mặt hàng lưu niệm làm du khách vừa lòng, nên chăng đã đến lúc cần có cơ quan nghiên cứu về dịch vụ du lịch trong đó có sản phẩm lưu niệm với những cơ sở thực nghiệm khoa học hiện đại để kết nối di sản văn hoá với du lịch và thị trường trong thời đại phát triển kinh tế hàng hoá và toàn cầu hoá.

           Về vấn đề này, lãnh đạo tỉnh và các ngành cần chủ động làm với các trường, khoa chuyên môn của Đại học Huế để đặt hàng nhằm khai thác nguồn chất xám tại chỗ. Tôi tin rằng giải pháp này được thực thi không những các nhà khoa học của Đại học Huế và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn sẽ đem hết tài năng, tâm huyết của mình để cống hiến cho khoa học, cho quê hương mà Thừa Thiên Huế sẽ tìm ra được đáp số bài toán phát triển của vùng đất có thế mạnh về du lịch.

         – Giải pháp đồng bộ

         Phát triển du lịch di sản không chỉ có yếu tố tổ chức và chức năng nghiên cứu mà cần có chính sách, chủ trương phù hợp, cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông vận tải thích ứng; có hệ thống hội trường, khách sạn, nhà hàng đầy đủ, đảm bảo tiện nghi và mang tính chuyên nghiệp cao.

         Du lịch di sản, cảnh quan không những cần yếu tố đồng bộ mà cần tạo ra sự thân thiện giữa con người với con người, con người với di sản và môi trường tự nhiên; cần có những hảng lữ hành quốc tế và trong nước chuyên nghiệp, nhiệt thành để tạo ra môi trường thân thiện khi tiếp xúc với du khách.

         Mọi phát triển là do đầu tư. Đầu tư cho khoa học là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho du lịch là đầu tư cho gà ấp trứng vàng, muốn có phát triển bền vững là phải dựa vào nội lực là chính. Vấn đề này đặt ra hết sức cấp bách đối với tỉnh nhà không những là bài toán tránh khỏi nguy cơ tụt hậu mà còn là cách làm giàu chính đáng mà người hưởng lợi trực tiếp là nhân dân.  

PGS.TS. Đỗ Bang – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế

 

Người cập nhật: Nguyễn Doãn Quan

Các bài viết khác: