Đài Thiên văn cổ duy nhất còn lại tại Việt Nam

Việc các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phát hiện những dấu tích liên quan đến di tích Quan Tượng Đài – Đài thiên văn dưới triểu Nguyễn sẽ là cơ sở khoa học đầu tiên cho việc xây dựng thiết kế kỹ thuật phục hồi và tôn tạo di tích cổ và độc đáo này. Quan Tượng Đài nằm ngay góc tây nam kinh thành Huế được thành lập dưới thời Minh Mạng năm 1827 đã bị san bằng do tác động bởi thời gian và chiến tranh.

Đối chiếu bản đồ chỉ dẫn vị trí các di tích tại khu vực kinh thành Huế, Quan Tượng Đài hiện nay nằm cách Kỳ Đài Ngọ Môn Huế chừng 800m về hướng đông, cách cửa Chánh Tây còn gọi là cửa Hữu khoảng 700m về hướng tây, cách cầu Bạch Hổ khoảng 200m về hướng tây nam theo đường chim bay; điểm tiếp giáp đường Ông Ích Khiêm và Tôn Thất Thiệp (thành phố Huế). Thời kỳ đầu nhà Nguyễn, triều đình đã cho thiết lập cơ quan chuyên trách theo dõi thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch, xem ngày làng tháng tốt… để phục vụ hoạt động của triều đình và dân chúng gọi là Khâm Thiên Giám. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) nhà Nguyễn đã cho đắp Quan Tượng Đài trên nền đất của đài Nam Minh, trên đó dựng đài Bát Phong để tạo phương tiện cho Khâm Thiên Giám làm việc hiệu quả. Đúng như tên gọi, Quan Tượng Đài có nghĩa là đài dùng để quan sát, theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu, các hiện tượng thiên nhiên khác hay còn gọi là đài thiên văn của triều Nguyễn. Tuy nhiên, do tác động bởi thời gian, chiến tranh và các biến cố lịch sử đã khiến di tích này trở thành phế tích, tất cả các hạng mục kiến trúc trên di tích đã bị san phẳng hoàn toàn.

Với mục đích làm sống lại các giá trị văn hóa Việt Nam dưới triều Nguyễn gắn với các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành khai quật ngay tại vị trí nền móng di tích Quan Tượng Đài. Kết quả đã xuất lộ các mảng gạch Bát Tràng trong tình trạng bị đập vỡ không còn nguyên vẹn; nền móng đình Bát Phong cấu trúc hình bát giác về cơ bản còn lại khá nguyên vẹn; xung quanh ba mặt tường Quan Tượng Đài, ngay dưới hệ thống lan can người ta đều trổ các lỗ thoát nước mặt, hệ thống lan can tường bao quanh nền đài cũng như lan can bậc cấp, đường dẫn lên xuống đài bị tháo dỡ toàn bộ. Toàn bộ hệ thống bậc cấp được sử dụng đá gan gà và được xếp ngay ngắn, hoàn toàn không dùng vữa liên kết. Một điều khá lý thú trên rất nhiều viên đá bậc cấp có ghi những ký tự Hán Nôm. Có thể thấy phần móng của Quan Tượng Đài được xây dựng trên một nền đất được gia cố chắc chắn, các chân tường đài được xây dựng choãi ra tạo độ vững chãi cho công trình.

Các nhà khoa học thông báo về những dấu tích ban đầu liên quan đến di tích Quan Tượng đài tại vị trí khai quật khảo cổ học.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, những kết quả của cuộc khai quật khảo cổ di tích Quan Tượng Đài sẽ là bước khởi đầu thuận lợi, là cơ sở đầu tiên cho việc xây dựng thiết kế kỹ thuật phục hồi và tôn tạo di tích Quan Tượng Đài một cách chính xác, khoa học, có sức thuyết phục. Theo tiến sĩ Hải, Quan Tượng Đài là điểm ngắm trăng sao đẹp nhất ở Huế và ở những năm đầu thế kỷ XX, đã có một số người thích du lãm, khám phá cảnh quan Huế vẫn đến đây hàng đêm để ngắm sao trời. Có thể khẳng định Quan Tượng Đài là đài thiên văn cổ duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam; ngoài ý nghĩa giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học… Quan Tượng Đài còn có giá trị về mặt kiến trúc tổng thể Kinh thành Huế”.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng có kế hoạch bảo vệ tốt các kết quả khai quật khảo cổ học di tích Quan Tượng Đài. Đồng thời, triển khai ngay việc lập dự án phục hồi tu bổ để dự án sớm được thực hiện theo đúng tinh thần quyết định 818/QĐ- TTg ngày 06/7 của Thủ tướng về việc “ Phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 – 2020″.

 

Minh Phương

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: