Đề kháng kháng sinh – cần sự chung tay của cộng đồng

Đề kháng kháng sinh đang tăng lên mức nguy hiểm ở tất cả các quốc gia. Các bệnh truyền nhiễm phổ biến: viêm phổi, lao, bệnh lậu, và nhiễm trùng máu đang trở nên khó điều trị hơn vì kháng sinh ngày càng kém hiệu quả. Thậm chí cả một số kháng sinh thuộc nhóm “lựa chọn cuối cùng” cũng đang mất dần hiệu lực.

Đề kháng kháng sinh không phải là mới, hiện đã tiến triển đến mức độ rất nguy hiểm cho nhân loại, nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu về nó. Theo ước tính, đến 2050, số người tử vong vì đề kháng kháng sinh sẽ có thể lên đến con số 10 triệu người.

Khi con người đang bị chậm lại trong cuộc đua với vi khuẩn, vi khuẩn đang tiến hóa ngày càng tinh vi hơn các loại kháng sinh từng được dùng để tiêu diệt nó, việc ngăn chặn đề kháng kháng sinh trở thành vấn đề bức bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Cơ chế của đề kháng kháng sinh

Theo các chuyên gia lâm sàng học, đề kháng kháng sinh có thể được hiểu đơn giản là: khi người bệnh sử dụng kháng sinh, thuốc kháng sinh sẽ tác động trên một hay nhiều bộ phận của tế bào vi khuẩn và tiêu diệt gần như tất cả các loại vi khuẩn, trừ một số loại có khả năng kháng thuốc. Vi khuẩn đề kháng kháng sinh bằng cách thay đổi các đặc tính của các bộ phận của tế bào vi khuẩn làm cho kháng sinh không còn tác dụng giết chết vi khuẩn, sinh ra kháng thuốc. Những vi khuẩn kháng thuốc này tiếp tục phát triển, nhân lên, phát tán và lây nhiễm những người khác khiến thuốc kháng sinh dần mất tác dụng, gây ra tình trạng đề kháng thuốc.

Nguyên nhân gây ra đề kháng kháng sinh

– Sử dụng kháng sinh khi chưa cần thiết (cơ thể chưa nhiễm khuẩn).

– Bệnh nhân không tuân thủ điều trị đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

– Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

– Hệ thống vệ sinh của cơ thể yếu kém.

– Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám chưa tốt.

Độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh điều trị trong nhiễm khuẩn

Những kháng sinh đầu tay ưu tiên được lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng có 3 loại chính là nhóm penicilin, nhóm cephalosporin, và nhóm macrolid. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhiều công trình đã công bố tại Việt Nam và thế giới cho thấy độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với các kháng sinh này có xu hướng giảm dần, thậm chí mức độ đề kháng đang ở mức cao, đáng báo động. Như vậy, để các kháng sinh này có hiệu quả thì chế độ liều phải tăng hơn trước rất nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ kháng kháng sinh macrolid của phế cầu và vi khuẩn Hib tại Việt Nam lên đến 80%, cao nhất so với các nước châu Á.

Việc lựa chọn kháng sinh phù hợp cần phải dựa trên những yếu tố

Để kiểm soát và ngăn chặn đề kháng kháng sinh cần có sự thống nhất, hợp tác giữa bệnh nhân và nhân viên y tế trong việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh. Có 8 nguyên tắc kê toa dành cho bác sĩ, trong đó 3 nguyên tắc then chốt là chỉ kê toa kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn, tối ưu hóa dược lâm sàng khi kê toa, và cần khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị.

Cần dựa trên 3 căn cứ chính là vi khuẩn gây bệnh, kháng sinh và người bệnh. Thứ nhất, cần biết về vi khuẩn gây bệnh, vì sử dụng kháng sinh là để tấn công vi khuẩn. Cho dù không phải trường hợp nào cũng có được kết quả vi sinh để trên cơ sở đó lựa chọn kháng sinh phù hợp, nhưng bác sĩ có thể căn cứ vào vị trí nhiễm khuẩn, những vi khuẩn thường gặp tại vị trí đó, và đặc biệt là tình hình đề kháng kháng sinh của vi khuẩn đó đối với kháng sinh định lựa chọn.

Thứ hai là phải biết về kháng sinh, từ phổ tác dụng, dược động học, dược lực học, khả năng thấm tới vị trí nhiễm khuẩn, tác dụng không mong muốn, độc tính, và giá thành.

Yếu tố thứ ba là người bệnh. Cần nắm rõ có phải là đối tượng đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú, bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan thận, hay những người có cơ địa dị ứng. Căn cứ vào nhiễm khuẩn của người bệnh, tiên lượng để từ đó lựa chọn kháng sinh.

Nhà sản xuất dược phẩm kháng sinh

Song song với thúc đẩy nghiên cứu kháng sinh mới, các nhà dược học cần phải đầu tư nghiên cứu các vắc xin mới ngăn ngừa những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Và phối hợp cùng các Hội Y khoa trong các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng để nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của tiêm ngừa. Đây được xem như phương pháp hiệu quả trong việc giải quyến vấn đề đề kháng kháng sinh và hạn chế sự phụ thuộc vào kháng sinh mới.

Công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe dựa trên nghiên cứu và phát triển hàng đầu trên thế giới, cần nỗ lực tìm kiếm giải pháp chống lại đề kháng kháng sinh, sản xuất các loại kháng sinh mới. Các nhà lâm sàng học, cần đánh giá về hiệu quả của kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, từ đó phát triển các phác đồ điều trị mới, đồng thời nâng cao ý thức của giới y tế và khuyến khích sự tuân thủ tốt hơn với các nguyên tắc chỉ định – sử dụng kháng sinh hợp lý trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và cộng đồng.

TS.BS. Nguyễn ĐỨc Hoàng

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: