Dinh dưỡng cho người tiêm vaccine phòng COVID-19

  • TS.BS. Vũ Thị Bắc Hà
  • 28-07-2021
  • 107 lượt đọc
Phổ biến kiến thức KH&CN;

Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối 2019 đến nay (tháng 7 năm 2021) đã khiến hàng triệu người tử vong trên khắp thế giới. Tình hình dịch bệnh này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 nhằm ngăn chặn, hạn chế sự gia tăng của dịch bệnh và mau chóng chấm dứt dịch bệnh để thế giới trở lại trạng thái bình thường. Với nhiều nỗ lực không ngừng, đến thời điểm hiện tại Tổ chức Y tế thế giới đã cấp phép cho một số vaccine phòng Covid-19. Ở Việt Nam đã triển khai sử dụng một vài loại vaccine đã được cấp phép này.

Được tiêm vaccine phòng Covid-19 là sự mong mỏi chờ đợi của mọi người. Tuy vậy một số người cũng băn khoăn, lo lắng không biết nên làm gì, ăn uống như thế nào trước, trong và sau khi tiêm vaccine để đảm bảo sức khỏe và đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt hơn.

Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí PLOS đã kết luận rằng “Theo dõi dinh dưỡng có thể là một cách thực tế và chi phí thấp để tác động đến kết quả tiêm chủng”. Nghiên cứu phản ánh rằng chế độ dinh dưỡng tốt là chìa khóa để tăng cường phản ứng miễn dịch với tất cả các loại vaccine[1],[4],[5]. Với vaccine Covid-19 cũng vậy.

Dinh dưỡng tốt rất quan trọng để vaccine coronavirus hoạt động hiệu quả. Vaccin sẽ khó được chỉ định hơn và có khả năng kém hiệu quả hơn trong việc kích thích phản ứng miễn dịch ở những người bị suy dinh dưỡng, béo phì hoặc bị các bệnh mãn tính không lây[3],[5]. Vì vậy, dinh dưỡng rất quan trọng không chỉ đối với những người mắc bệnh Covid-19 mà nó đóng một vai trò rất quan trọng trong giai đoạn trước, trong và sau khi tiêm phòng vaccine Covid-19.

DINH DƯỠNG HỢP LÝ TRƯỚC, TRONG VÀ SAU KHI TIÊM VACCINE COVID-19

1. Uống đủ nước

Nước giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe con người. Thường xuyên uống nhiều nước giúp máu lưu thông tốt, cung cấp đầy đủ oxy đến các tế bào giúp hệ miễn dịch làm việc tốt hơn. Nước giúp các tế bào loại bỏ độc tố và các nguyên nhân gây bệnh một cách tự nhiên.

Nhu cầu nước hàng ngày:

Người trưởng thành cần 40ml/1kg thể trọng, tương đương 2lít-2,5lít/ngày, trong đó nước uống bổ sung khoảng 1,2 – 1,4 lít/ngày (tương đương 6 – 7 ly nước/ngày), còn lại nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống khác. Nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể còn tuỳ theo thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý,… Do vậy, nếu bị sốt sau khi tiêm vaccine Covid-19 thì nên tăng cường uống nước để bù lượng nước mất đi qua mồ hôi, qua hơi thở (do thở nhanh hơn bình thường) và do nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường.

Bổ sung nước cho cơ thể sau khi tiêm vaccine là điều cần thiết

Uống nước đúng cách:

Khi thời tiết nắng nóng cần thường xuyên bổ sung nước, tránh để thiếu nước đến khi có biểu hiện khô miệng, nước bọt quánh. Việc uống nước cũng cần uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, các loại nước uống như: nước hoa quả, nước rau, nước OSEROL, nước có pha thêm chút muối,..

Uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe; Khi bổ sung nước vào cơ thể quá nhiều trong một thời gian ngắn, cảm giác khát không giảm thậm chí còn cảm giác khát hơn. Uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. Khi uống nước càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn.

Sau khi tiêm vaccine, thường có các dấu hiệu đau, sốt. Vì thế bên cạnh việc bổ sung đủ nước cho cơ thể, thì bổ sung thêm các vitamin cho cơ thể bằng các loại nước trái cây như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép …cũng rất cần thiết.

2. Ăn đủ năng lượng, cân đối chất dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối và đa dạng rất cần thiết cho người tiêm vaccine Covid-19 để đảm bảo sức khỏe và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Về năng lượng: Chế độ ăn cần đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng. Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-65 % tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do chất béo cung cấp chiếm 20-25% và 15-20% là từ chất đạm.

Chất đạm: Khẩu phần ăn hàng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản,…) và đạm thực vật (đậu phụ, đậu xanh, đậu đỏ, …).

Chất béo:Tăng cường ăn các chất béo không no có nguồn gốc từ cá và từ thực vật (vừng, mè, đậu phụng, hạt điều…)

Carbonhydrat: Từ nguồn ngũ cốc và khoai củ (không nên ăn củ sắn, miền Nam hay gọi củ mì vì trong củ sắn có glucosid thủy phân thành acid cyanhydric gây ngộ độc)

Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Đồng thời để tăng sức đề kháng cho cơ thể, chế độ ăn hàng ngày cần bổ sung các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng từ nguồn động vật và thực vật.

3. Chế độ ăn giàu vi chất dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đa dạng cung cấp các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

Tăng cường rau xanh và quả chín trước và sau khi tiêm phòng Covid-19 vì đó là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể. Nên ăn rau xanh từ 200-300g/người/ngày, quả chín từ 100-200g/người/ngày. Vitamin và chất khoáng có vai trò rất quan trọng trong đề kháng và miễn dịch cơ thể, nếu thiếu sẽ  làm giảm sức đề kháng và miễn dịch chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và miễn dịch gồm:

Vitamin A: Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể. Vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch, tham gia vào biệt hóa tế bào miễn dịch. Đồng thời, vitamin A cũng có vai trò trong bảo vệ sự toàn vẹn của da, niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp là những hàng rào đầu tiên ngăn cản mầm bệnh.

Thực phẩm giàu vitamin A: Gấc, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, ớt chuông, rau bina, xoài, bông cải xanh, dầu gan cá…

Vitamin C, E:  Vitamin C là chìa khóa cho sự tăng trưởng và hoạt động hàng ngày của hầu hết các mô cơ thể. Cả vitamin C và vitamin E có vai trò chống oxy hóa, có tác dụng bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Vitamin C có nhiều trong hoa quả tươi và rau xanh, bao gồm: Bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, kiwi, đu đủ, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, rau ngót, rau cải,…

Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm.

Vitamin D:  Vitamin D có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến rối loạn điều hòa phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin D: Cá, trứng, sữa…

Vitamin nhóm B: có nhiều trong cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì, tim, gan

Kẽm: Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể. Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp làm vết thương mau lành và giúp duy trì vị giác và khứu giác. Các thức ăn giàu kẽm như thịt, cá, sữa, trứng và các loài nhuyễn thể

4. Lựa chọn và chế biến thực phẩm:

Thực phẩm phải tươi sống, không ăn những thực phẩm từ gia súc và gia cầm bị chết do nhiễm bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn khi thực phẩm chưa chín như: ăn tái, ăn gỏi, tiết canh, trứng chần (nhúng), trứng sống,…Thực hiện 10 lời khuyên vàng trong chế biến thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, sử dụng dao thớt sống riêng, chín riêng, rửa tay bằng xà phòng trước, trong, sau khi chế biến thực phẩm.

Các thức ăn cần nấu chín kỹ, chế biến dạng lỏng, hay mềm, dễ tiêu hóa và theo sở thích của từng người.

Sau khi tiêm, người mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau thì cần chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo đậu xanh nấu thịt, cháo hành nấu thịt, súp gà, súp cua…đồng thời chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.

5. Thực phẩm nên tránh

Rượu– bia: Tránh uống rượu, bia trước và sau khi tiêm vaccine.

Tốt nhất, nên kiêng uống rượu, bia trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn trước và sau khi tiêm vaccine Covid-19 vì rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, làm cơ thể mất nước. Uống rượu, bia làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn cho việc phân biệt giữa phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccine.

Các loại thực phẩm,đồ uống chứa chất kích thích

Không nên sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, nước tăng lực,..trước khi tiêm để tránh sự ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm vì những chất này có thể làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và gây hưng phấn.

Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, chất béo thể trans

Các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến bằng cách chiên, rán, nướng như: Gà rán, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên… chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo thể trans làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe.

Khi tiêm vaccine Covid-19, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, đau sưng tại chỗ tiêm,…các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày.

Phản ứng thường gặp nhất sau khi tiêm là sốt, vết tiêm nổi mẩn, mưng mủ. Tùy theo cơ địa từng người, từng loại vaccine Covid-19 mà sẽ có phản ứng khác nhau, vì vậy sau khi tiêm cần được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp ít nhất là 30 phút mới ra về và tiếp tục theo dõi tại nhà, nếu có biểu hiện bất thường cần thông báo hoặc đến ngay cơ sở y tế.

CÁCH XỬ TRÍ MỘT SỐ PHẢN ỨNG THÔNG THƯỜNG:

Sốt nhẹ: Sốt là phản ứng phổ biến nhất sau khi tiêm vaccine Covid-19. Đây là cách cơ thể phản ứng với thuốc và thường tự khỏi sau 1-2 ngày sau khi tiêm. Có một vài trường hợp có thể sốt cao hơn và đau nơi chỗ tiêm. Nếu trường hợp sốt cao, đau nhiều thì có thể uống thuốc hạ sốt giảm đau [2],[3][4],[7], nếu sốt không giảm (trên 390C), cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

Vết tiêm bị sưng, đỏ, đau: Triệu chứng này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để giảm đau.

Dị ứng: Sau khi tiêm, người có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân… Thông thường, các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trong người khó chịu thì phải dùng thuốc chống dị ứng với sự tư vấn của cán bộ y tế.

Sau khi tiêm vaccine Covid-19, để cơ thể nhanh phục hồi và khỏe mạnh, ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi và nghỉ ngơi hợp lý, cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh. Do vậy, cần cung cấp đủ năng lượng, bổ sung đa dạng các thực phẩm từ nguồn gốc động vật và thực vật với tỷ lệ cân đối để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể đáp ứng tốt nhất trong việc sản xuất kháng thể [1],[3],[6].

KẾT LUẬN

Dinh dưỡng rất quan trọng không chỉ đối với những người mắc bệnh Covid-19 mà nó đóng một vai trò rất quan trọng đối với những người tiêm phòng vaccine Covid-19. Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp hệ thống miễn dịch cơ thể đáp ứng tốt nhất trong việc sản xuất kháng thể khi tiêm vaccine. Cần có một giấc ngủ ngon vào đêm trước khi tiêm và không để bụng đói trước khi tiêm vaccine Covid-19. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng ăn đủ nhu cầu, ăn cân đối các chất dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm từ nguồn động vật và thực vật, cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tăng cường uống đủ nước và uống đúng cách trong giai đoạn trước sau tiêm vaccine. Không nên sử dụng các loại đồ uống có cồn, có chất kích thích và thức ăn nhanh chứa chất béo bão hoà, chất béo thể trans có hại cho sức khoẻ [3],[4],[7].

TS.BS. Phạm Hoàng Hưng*

TS.BS. Vũ Thị Bắc Hà**

*Hội Nhi Khoa Thừa Thiên Huế  ** Hội Dinh Dưỡng Thừa Thiên Huế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM