Doanh nhân, những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận kinh tế

  • Husta.org
  • 12-10-2016
  • 565 lượt đọc
Diễn đàn trí thức

Cách đây hơn 12 năm, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của Doanh nhân Việt Nam.

Bằng quyết đinh này, giới doanh nhân đã thực sự được công nhận như một chủ thể xã hội, có quyền tự hào về vị thế của mình như các giới khác trong xã hội. Không những thế, doanh nhân là giới có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bởi lẽ, xây dựng kinh tế đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của cả dân tộc. Hiện nay, cả nước ta đang thực hiện một nhiệm vụ, một ước mơ to lớn là công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Để hoàn thành sự nghiệp đó, phải phát triển mạnh về kinh tế, vật chất và xây dựng con người, xã hội, văn hóa. Hai mục tiêu này phải tiến hành song song, đồng thời, trong đó mục tiêu phát triển kinh tế là then chốt. Để chấn hưng và phát triển nền kinh tế dân tộc, doanh nghiệp, doanh nhân phải là đầu tàu, là đội quân chủ lực.

Trong 12 năm qua, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, doanh nhân còn tích cực tham gia các chương trình hoạt động xã hội như: đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện… góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Họ thực sự trở thành những chiến sĩ tiên phong trong quá trình hội nhập, vững tin trên thương trường quốc tế. Trước đây, tháp tùng các vị lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia đi nước ngoài chỉ có các nhà chính trị, ngoại giao. Thế nhưng, những năm vừa qua, tháp tùng các chính khách tại nước ngoài chủ yếu là lực lượng doanh nhân; Đảng ta xác định: Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới. Sự “kết bạn” đó phải thể hiện bằng việc hợp tác, liên kết, liên doanh làm ăn mà người thực hiện việc này chỉ có thể là các doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam; nhiều người cho rằng: Vị thế của doanh nhân trong xây dựng và phát triển kinh tế Đất nước là tiền đề cho vị thế của quốc gia trong hội nhập quốc tế. Điều này đã được kiểm chứng qua thực tế ở nước ta trong những năm qua. Trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hợp tác thành công với các đối tác quốc tế đạt hiệu quả kinh tế cao và bước đầu tạo nên các quan hệ kinh tế với các tập đoàn nước ngoài; đồng thời nâng cao uy tín của hàng hóa thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã xác định và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của doanh nhân. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X nêu rõ: “Đối với doanh nhân, tạo điều kiện phát huy tiềm năng vai trò tích cực trong phát triển sản xuất – kinh doanh; mở rộng đầu tư trong nước và nước ngoài, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo dựng và giữ gìn thương hiệu hàng hóa Việt Nam”.

Năm 2011, vị trí, vai trò của dội ngũ doanh nhân được khẳng định rõ trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Gần đây nhất, Hiến pháp sửa đổi cũng lần đầu tiên hiến định đội ngũ doanh nhân. Đây là những điểm rất mới, mang lại niềm tin, niềm hy vọng, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nhân.

Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra chủ trương, chính sách, tạo môi trường để phát triển hiệu quả các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Đó là xây dựng môi trường chính trị, kinh tế – xã hội, văn hóa tổng thể cho tầng lớp doanh nhân phát triển. Thể hiện rõ nhất là chủ trương phát triển nền kinh tế đất nước bằng nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Đó là những chính sách vĩ mô rất cần thiết cho các tầng lớp doanh nhân xuất hiện và làm giàu.

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế đất nước, nhất là qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng ai cũng thấy rõ các doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo ra một nguồn của cải khổng lồ đóng góp vào sự phồn thịnh của xã hội. Giới doanh nhân không chỉ đóng góp của cải vật chất vào tiềm lực kinh tế, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, tích cực xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện ổn định kinh tế – xã hội và đặc biệt họ là những người góp phần to lớn trong việc nâng cao vị thế của dân tộc trên trường quốc tế. Những nhân tố dân tộc và quốc tế trong thời đại hiện nay đã quy định và nâng tầm vị trí đặc biệt của tầng lớp doanh nhân. Đảng và Nhà nước ta nhận thức rằng, phát triển kinh tế đất nước có ý nghĩa sống còn. Kinh tế không phát triển thì sẽ khó tồn tại trong thời đại ngày nay. Và cao hơn, nếu không có nền kinh tế vững mạnh thì chúng ta sẽ không thực hiện được ước vọng thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu là: Nước độc lập, dân phải được hưởng tự do, hạnh phúc. Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

DQ







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM