Đọc sách "Địa chí Thừa Thiên Huế"

  • Khánh Phong
  • 30-03-2021
  • 87 lượt đọc
Xã hội

Như chúng ta đã biết, địa chí là loại sách quan trọng của nước ta, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, các triều đại phong kiến đã quan tâm chủ trương đốc thúc biên soạn sách địa chí như Dư địa chí (Nguyễn Trãi), Ô Châu cận lục (Dương Văn An), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Hoàng Việt địa dư, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Lê Quang Định), Việt sử địa dư (Phan Đình Phùng), Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí  (Quốc sử quán triều Nguyễn) những công trình này đã trở thành công cụ tra cứu hữu hiệu phục vụ cho các công việc điều hành đất nước và của giới nghiên cứu về địa lí học, lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị…Bên cạnh đó, địa chí còn chứa đựng thông tin nhiều mặt về một vùng đất, giúp người đọc hiểu biết về địa phương đó một cách cụ thể, cặn kẽ mà trong nhiều năm qua một số tỉnh, thành trong nước đã xuất bản địa chí cho địa phương mình như Địa chí Hải Dương, Địa chí Tây Ninh, Địa chí Bến Tre, Địa chí Lâm Đồng, Địa chí Bà Rịa – Vũng Tàu, Địa chí Vĩnh Phúc, Địa chí Cao Bằng, Địa chí Bình Định, Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng. Và cùng song hành với các địa phương có xuất bản địa chí nói trên thì từ năm 2005 đến 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã hoàn thành một bộ địa chí đồ sộ với 5 phần 6 quyển mà chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây.

     Thừa Thiên Huế tuy là vùng đất từng được nhiều sách địa chí xuất bản trước đây phản ánh, song qua mỗi thời đại, mỗi thời kỳ đều có những thành tựu mới, hiểu biết mới, có những yêu cầu mới. Với mong muốn xâu chuỗi, bổ sung để phục vụ tốt hơn cho mọi đối tượng, cho nên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế qua các nhiệm kỳ đã sớm có chủ trương biên soạn địa chí của địa phương mình. Và rồi kết quả mong muốn đó đã trở thành sự thật khi ngày 17.3.2021 phần cuối cùng của bộ Địa chí Thừa Thiên Huế là phần Văn hóa đã chính thức ra mắt độc giả trong đề án Tủ sách Huế.

    Địa chí Thừa Thiên Huế là một công trình khoa học, mục đích chính là cung cấp cho người đọc những nguồn tư liệu có độ tin cậy cao, trình bày có hệ thống để tham khảo, tra cứu, nhất là cung cấp cho người đọc những hiểu biết tổng quát, xác thực về các đặc điểm của vùng đất và con người Thừa Thiên Huế; hiểu rõ công lao, trí tuệ của cha ông, qua đó thêm yêu quý tự hào về vùng đất này và đóng góp xây dựng Thừa Thiên Huế một bộ phận máu thịt của Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Với quan niệm đó, Địa chí Thừa Thiên Huế được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp, phân thành nhiều phần: Tự nhiên, Lịch sử, Dân cư và Hành chính, Kinh tế, Văn hóa.

     Công trình được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức triển khai dưới dạng các đề tài khoa học cấp tỉnh trên cơ sở tuyển chọn các cơ quan khoa học để chủ trì, tập hợp các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh biên soạn.

     Nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của các nhà khoa học, các nhà quản lý, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và với công sức, trí tuệ của các tập thể tác giả, các hợp phần của công trình Địa chí Thừa Thiên Huế đã lần lượt hoàn thành. Năm 2005, hai phần đầu tiên của công trình là Địa chí Thừa Thiên Huế phần Tự nhiên và Địa chí Thừa Thiên Huế phần Lịch sử đã được xuất bản; năm 2013 phần tiếp theo của Địa chí Thừa Thiên Huế phần Dân cư và Hành chính cũng đã được xuất bản, năm 2014 Địa chí Thừa Thiên Huế phần Kinh tế được ra mắt bạn đọc. Và năm 2020 Địa chí Thừa Thiên Huế phần Văn hóa cũng được xuất bản và ra mắt bạn đọc trong dịp Ủy ban nhân dân tỉnh công bố Đề án Tủ sách Huế vào ngày 17.3.2021 tại Lầu Tàng Thơ.

     Dưới đây, chúng tôi xin điểm qua 5 phần của bộ Địa chí Thừa Thiên Huế để bạn đọc tiện theo dõi.

   1. Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần Tự nhiên

   Địa chí Thừa Thiên Huế, phần Tự nhiên do Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội ấn hành năm 2005, sách có độ dày 307 trang được trình bày trong 8 chương, lần lượt là: Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên; Địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước dưới đất, nước khoáng; Địa hình; Khí hậu; Thủy văn; Thổ nhưỡng; Thực vật; Động vật.

   Đây là công trình khoa học lớn của các nhà khoa học đã nhiều năm gắn bó và tâm huyết với tỉnh Thừa Thiên Huế. Tập thể tác giả dưới sự chủ trì của GS.TSKH Nguyễn Thanh đã được kế thừa được một khối lượng lớn các tài liệu, các công trình nghiên cứu từ trước đến nay, với cách tiếp cận khoa học và phương pháp nghiên cứu hợp lý làm cho người đọc hiểu biết sâu sắc hơn về mảnh đất giàu tài nguyên thiên nhiên.

   Công trình thực hiện rất công phu, nghiêm túc được trình bày và hệ thống hóa một cách súc tích đặc điểm các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường của một vùng đất giàu đẹp, thơ mộng, song cũng hứng chịu nhiều thiên tai nặng nề so với các địa phương khác. Việc ra mắt bạn đọc Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần Tự nhiên đã góp phần tích cực tuyên truyền, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

   2. Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần Lịch sử

   Với 557 trang sách và phụ lục ảnh do Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội ấn hành năm 2005, các tác giả công trình Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần Lịch sử dưới sự chủ trì của TS Nguyễn Văn Hoa đã đem đến cho bạn đọc cái nhìn có hệ thống, phong phú và sinh động về một vùng đất có bề dày lịch sử xây dựng và phát triển.

   Địa chí Thừa Thiên huế: Phần Lịch sử được trình bày trong 8 chương: Thừa Thiên Huế từ thời tiền sử đến đầu thế kỷ XIV; Thừa Thiên Huế thời Trần, Hồ, Lê, Mạc 1306 – 1558; Thừa Thiên Huế thời chúa Nguyễn và Lê – Trịnh 1558 – 1786; Thừa Thiên Huế thời Tây Sơn 1786 – 1801; Thừa Thiên Huế thời Nguyễn 1802 – 1885; Thừa Thiên Huế thời thực dân Pháp thống trị, tiếp tục đấy tranh và giành chính quyền 1885 – 1945; Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chế độ quân chủ nhân dân 1945 – 1954; Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975.

   Lịch sử Thừa Thiên Huế là lịch sử của một vùng đất khá đặc biệt trên đất nước Việt Nam. Đây là nơi cư trú của con người từ thời Tiền sử, sống cách ngày nay khoảng từ 3.500 đến 5.000 năm. Trong lịch sử, Thừa Thiên Huế là nơi giao thoa nhiều nền văn hóa, chủ yếu là văn hóa người Việt với văn hóa của người Chăm và văn hóa của các dân tộc ở phía Nam tổ quốc.

   Lịch sử Thừa Thiên Huế đã ghi lại vị trí xung yếu của mảnh đất ngày trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của dân tộc trong các thời kỳ từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa đến khi Nguyễn Huệ – Quang Trung và tiếp đó là triều Nguyễn lấy Phú Xuân làm nơi đóng đô, từ đó Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Lịch sử Thừa Thiên Huế cũng ghi lại những trang sử bi hùng chống Pháp của nhân dân và những người chủ chiến trong triều đình Huế giữa thế kỷ XIX, ghi lại phong trào chống Pháp của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các nhà yêu nước vào đầu thế kỷ XX, và tiếp đó là Đảng cộng sản Việt Nam.

   Thừa Thiên Huế còn trở nên nổi bật hơn trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, đánh dấu chấm hết cho chế độ phong kiến ở nước ta. Và tiếp đó là Thừa Thiên Huế trong thời kỳ chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, là những ngày oanh liệt Tết Mậu Thân năm 1968, rồi Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng Huế và góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

   3. Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần Dân cư và Hành chính

   Địa chí Thừa Thiên Huế phần Dân cư và hành chính Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế ấn hành năm 2013, sách có độ dày có độ dày 559 trang dưới sự chủ trì của PGS.TS Đỗ Bang được trình bày trong 2 phần, gồm 7 chương.

   Phần Dân cư có 2 chương:

– Chương 1: Dân cư Thừa Thiên Huế từ khởi thủy đến năm 1975;

– Chương 2: Dân cư Thừa Thiên Huế từ 1975 đến 2005.

   Phần Hành chính có 5 chương:

– Chương 3: Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính ở Thừa Thiên Huế từ 1307 đến 1885;

– Chương 4: Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính ở Thừa Thiên Huế từ 1885 đến 1945;

– Chuong 5: Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính ở Thừa Thiên Huế từ 1945 đến 1954;

– Chương 6: Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính ở Thừa Thiên Huế từ 1954 đến 1975;

– Chương 7: Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính ở Thừa Thiên Huế từ 1975 đến 2005.

   Dân cư và hành chính vốn có mối quan hệ mật thiết ngay từ lúc nhà nước đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Dân cư là điều kiện để nhà nước ra đời và nhà nước quản lý dân cư bằng cách thức tổ chức và điều hành các hoạt động của nền hành chính. Do vậy, tập Dân cư và Hành chính trong bộ Địa chí Thừa Thiên Huế tuy là hai phần độc lập, nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau, trở thành hợp phần nên đứng chung trong tập địa chí vẫn mang tính hợp lý.

   Biên soạn Địa chí Thừa Thiên Huế phần Dân cư và Hành chính là nhằm tái hiện tình trạng dân cư và tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính qua các thời kỳ lịch sử một cách trung thực, mang tính đặc trưng của một vùng đất. Vì thế, ngoài phương pháp truyền thống nhằm ghi chép, mô tả quá trình phát triển dân cư hành chính, các tác giả đã sử dụng phương pháp thống kê, lập biểu đồ, sơ đồ, bản đồ chuyên dụng, mô hình hóa để hệ thống các nguồn tư liệu, nhằm cung cấp thông tin chính xác và cô đọng cho người đọc.

   4. Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần Kinh tế

   Địa chí Thừa Thiên Huế phần Kinh tế, do Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế ấn hành năm 2014, do TS Nguyễn Tưởng chủ biên, sách có độ dày 513 trang gồm chương mở đầu, 10 chương đề cập đến 10 hoạt động và chương kết luận, cụ thể:

   Chương mở đầu: Tổng quan hoạt động kinh tế Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ.

   10 chương tiếp theo là: Nông nghiệp; Lâm nghiệp; Ngư nghiệp; Tiểu thủ công nghiệp – công nghiệp; Xây dựng; Giao thông; Thương mại; Du lịch; Bưu chính viễn thông; Tài chính – ngân hàng.

   Chương kết luận: Triển vọng hoạt động kinh tế Thừa Thiên Huế.

   Công trình được phân thành các chương mục căn cứ trên các hoạt động kinh tế thực tế của tỉnh, từ các hoạt động sản xuất vật chất bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, xây dựng đến các hoạt động dịch vụ bao gồm giao thông vận tải, thương mại, du lịch, bưu chính viễn thông và tài chính ngân hàng. Trong mỗi chương chủ yếu được phân thành 2 phần chính: Quá trình phát triển trước năm 1975 và quá trình phát triển từ năm 1975 – 2010.

   Trong khi nghiên cứu và biên soạn, tuy phải hướng đến sự xuyên suốt, nối tiếp và đề cập đầy đủ qua từng thời kỳ nhưng do những giai đoạn đầu nguồn tư liệu không nhiều nên công trình tập trung chủ yếu vào quá trình phát triển từ năm 1975 đến năm 2010. Ở mốc thời gian 1975 – 2010 phần lớn được tách thành 2 giai đoạn: 1975 – 1989 và 1990 – 2010 liên quan đến việc tái lập tỉnh Thừa Thiên Huế (1989) và hoạt động kinh tế của tỉnh cùng với cả nước chuyển sang bước ngoạt, đi vào thời kỳ đổi mới.

   5. Địa chí Thừa Thiên Huế: Phần Văn hóa

   Đây là hợp phần cuối cùng của bộ Địa chí Thừa Thiên Huế (gồm 5 phần). Riêng phần Văn hóa được chia làm 2 tập (Tập 1 dày 1143 trang, Tập 2 dày 1127 trang) do ông Nguyễn Văn Tiến – Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển làm chủ nhiệm đề tài, Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh chủ biên với sự tham gia biên soạn của 18 nhà khoa học của tỉnh. Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế ấn hành năm 2020, được chia làm 2 tập.

   Sách có bố cục gồm ngoài chương Mở đầu, chương Tổng luận thì có 13 chương nội dung chính gồm: Ẩm thực; Trang phục – Nhà ở – Đồ dùng sinh hoạt – Công cụ sản xuất nông, ngư nghiệp; Y dược cổ truyền; Phong tục tập quán, lễ tết và nghi lễ tế tự; Trò chơi, thú tiêu khiển, thể thao dân gian; Tín ngưỡng – Tôn giáo; Ngôn ngữ; Giáo dục; Văn học; Báo chí – Xuất bản; Nghệ thuật diễn xướng; Nghệ thuật tạo hình và Nhiếp ảnh, Điện ảnh; Di tích văn hóa lịch sử và danh thắng.

   Và có thêm phần phụ lục với 2 nội dung: Nhân vật văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế; Sách dẫn Địa chí Thừa Thiên Huế phần Văn hóa. Công trình này được thực hiện từ tháng 6.2014, nghiệm thu vào cuối năm 2017, xuất bản cuối năm 2020, ra mắt ngày 17.3.2021 tại Lầu Tàng Thơ.

   Như vậy đến đây, các hợp phần của Địa chí Thừa Thiên Huế đã đủ 5 phần với 6 quyển có độ dày và quy mô sách rất bề thế. Có được công trình này là công sức của các nhà khoa học và dưới sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Mục đích của việc biên soạn công trình nhằm làm rõ các yếu tố văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân trên một vùng đất từng là phên giậu của Đại Việt, một thủ phủ của vùng đất Nam Hà làm đầu tàu cho cả vùng miền; và là kinh đô, nơi hội tụ văn hóa và tỏa sáng ra cả nước; một địa bàn chiến lược trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; hiện nay đang đóng vai trò là trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ của Việt Nam; cũng là nơi tiêu biểu cho văn hóa dân tộc, nơi bảo tồn và phát huy những gia trị văn hóa tinh thần của đất nước.

   Tóm lại, Thừa Thiên Huế là một vùng đất có vị trí đặc biệt trong lịch sử đất nước, phong phú về tài nguyên, có nét đặc thù về dân cư và hành chính, cũng như có nền kinh tế đặc trưng và có bề dày về văn hóa cho nên đã đề cập đến nhiều lĩnh vực của địa phương mang tính khu vực và cả nước. Nhân dịp Địa chí Thừa Thiên Huế phần Văn hóa ra mắt bạn đọc, thiết nghĩ các phần trước đó ra mắt đã lâu, có nhiều người chưa tiếp cận đủ bộ 5 phần cho nên những lời giới thiệu của chúng tôi về bộ sách này là nhằm cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh Thừa Thiên Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời cũng mong muốn cùng nhau thực hiện tốt Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

     Hình ảnh Địa chí Thừa Thiên Huế:







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM