Hai thiếu nữ xứ Huế tạo ra loại giấy có thể thay thế đồ nhựa, nilon

  • Đinh Văn Chung
  • 22-05-2019
  • 684 lượt đọc
Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên – Nhi đồng

Chất thải nhựa, nilon đang là một thách thức lớn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế đang tích cực diễn ra phong trào “Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Ở lứa tuổi học sinh, hai thiếu nữ ở thị xã Hương Thủy đã sáng tạo ra loại giấy từ bã mía có tính năng chống thấm có thể thay thế cho túi nilon…

Từ những bã mía vứt bỏ, hai nữ sinh Mai Cao Kỳ Duyên và Ngô Thị Diễm Thúy (học sinh lớp 11, trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) đã biến chúng thành những túi giấy, ly giấy xinh xắn…

Duyên (thứ 3 từ trái sang) và Thúy nhận giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019

Mới đây, đề tài của các em đã giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019, giải Nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 và giải Tư cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc năm 2018 – 2019.

Cầm trên tay túi xách làm từ bã mía, Duyên cho biết, trên thị trường có 2 loại túi phổ biến (gồm túi ni lông và túi giấy). Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của các sản phẩm từ giấy là thấm nước và dễ rách, trong khi đó, đồ nhựa, nilon gây ra mối đe dọa lớn với môi trường và sức khỏe con người.

“Tình cờ uống nước mía, chúng em thấy bã mía thường được mang đi đốt, đem vứt bỏ. Qua tìm hiểu, trong bã mía có chứa khoảng 45 – 50% xenlulôzơ nên bã mía là nguyên liệu tốt để làm giấy. Do đó, chúng em nảy ra ý tưởng làm giấy từ bã mía có tính năng chống thấm”, Duyên cho biết.

Sau đó, nhóm nhanh chóng thu thập bã mía ở các quán bán nước mía nhỏ, thu thập vỏ cua, vỏ tôm tại các nhà hàng hải sản và có tinh bột bắp, cao su tự nhiên, parafin và các hóa chất liên quan.

Đầu tiên, các bạn ngâm rửa, sơ chế bã mía, tiếp đó làm mềm bã mía rồi xay, nghiền; Khử màu; Rửa bột giấy và chuẩn bị huyền phù (Môi trường huyền phù gồm có: nước, CaCO3, tinh bột); Làm giấy.

Về phần khả năng chống thấm của giấy, nhóm thực hiện 4 phương án, trong đó, có hai phương án nổi bật và tâm đắc nhất gồm tạo màng từ hỗn hợp polymer tinh bột – PVAc – Natriborat và phương án vỏ tôm cua điều chế ra hỗn hợp Chitosan tạo màng chống thấm.

 

Ly giấy làm từ bã mía

Đề tài của nhóm nữ sinh tạo ra 3 sản phẩm gồm lồng đèn, túi giấy, ly giấy và có thể phát triển thêm như làm ống hút, các hộp đồ dùng… Những sản phẩm này có thể sử dụng để làm vật liệu bao bì để thay thế ly nhựa, túi ni lông…

Sau khi thực hiện xong sản phẩm, các bạn mang đi kiểm định tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm – Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kết quả cho thấy “Giấy làm từ bã mía phủ màng Tinh bột – PVAc – Na2B4O7 (Natriborat)” đạt được các chỉ tiêu về an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, có khả năng phân hủy tốt, nên có thể ứng dụng làm các bao bì, ly giấy, đồ hộp chứa đựng thực phẩm.

Còn “Giấy làm từ bã mía phủ màng Chitosan” không những đạt được các chỉ tiêu về an toàn khi tiếp xúc thực phẩm, mà còn có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm. Đồng thời, không phát hiện bào tử vi nấm, độc tố Aflatoxin nên có thể ứng dụng làm các bao bì, ly giấy, đồ hộp chứa đựng và bảo quản thực phẩm. Đây là những sản phẩm giấy an toàn và rất thân thiện với môi trường.

Theo Duyên, hiện nay, giấy làm từ bã mía chưa được phổ biến, các quy trình sản xuất giấy làm từ bã mía không có sẵn trên sách báo, mạng Internet. Ngoài ra, các loại giấy không thấm nước trên thị trường đa số tráng màng PE, trong khi đó, giấy của nhóm em tận dụng từ hai loại nguyên liệu phế phẩm là bã mía và vỏ tôm cua.

“Từ đó, tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe. Giá thành rẻ, dự tính đưa vào thị trường khoảng 15.000 đồng/kg bột giấy, rẻ hơn so với giấy làm từ cây gỗ (20.000 – 25.000 đồng/kg)”, Duyên chia sẻ.

Cầm trên tay chiếc túi giấy làm từ bã mía, Duyên mong muốn rằng, đề tài của nhóm sẽ được ứng dụng vào sản xuất công nghiệp với quy mô lớn để mang những sản phẩm thân thiện này thay thế phần nào đó chất thải nhựa đang nóng bỏng trên toàn cầu.

Nói về đề tài của hai em học sinh, Th.S Hoàng Minh – Hiệu trưởng trường THPT Phú Bài cho biết: “Đề tài của các em có tính thực tiễn rất tốt ở chỗ có thể đáp ứng việc thay thế túi ni lông, nhựa, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp liên hệ để chuyển giao đề tài, thương mại hóa sản phẩm, nhân rộng vào cuộc sống”.

Minh Phong – Minh Hải







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM