Gắn hoạt động của Hội với sự phát triển kinh tế – xã hội (24/11/2007)

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2006 của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) hồi tháng 2 năm 2007, đồng chí Nguyễn Văn Mễ đã đến dự và phát biểu ý kiến đánh giá hoạt động của Liên hiệp hội trong thời gian qua và định hướng các hoạt động của Liên hiệp hội trong thời gian đến. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu của đồng chí. (BBT)

Thời gian gần đây, Liên hiệp hội tỉnh đã có bước phát triển khá tốt và toàn diện, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của mình trong tỉnh và khu vực miền Trung. Hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, bước đầu tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc trong sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh; thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp; khẳng định vị trí của Thừa Thiên Huế là một trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học của miền Trung và cả nước. Các hội ở khối Đại học Huế đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao, gắn công tác nghiên cứu khoa học với giải quyết các yêu cầu cấp bách trong tỉnh, trong đó có vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn, quản lý khai thác hợp lý bền vững đầm phá, phát triển công nghệ silicat¦ Các hội của ngành y dược đã đưa nhiều kỹ thuật cao ứng dụng vào khám chữa bệnh tim mạch, thận, tiết niệu, huyết học¦cho nhân dân. Các hội hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho tôm, cho gia cầm, gia súc, đặc biệt là chống dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm H5N1. Hội Khoa học Lịch sử đã thực sự là nòng cốt trong việc nghiên cứu các sự kiện và nhân vật lịch sử của Cố đô Huế và khu vực miền Trung. Trong đó, có các đề tài về 690 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế, về phong trào Đông Du¦ Hội Luật gia tích cực tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật và tham gia nhiều ý kiến có chất lượng vào việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Khó có thể liệt kê hết những cống hiến to lớn của các hội, của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Về mặt tổ chức và cơ chế hoạt động, điều đáng mừng là Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật với phần lớn các hội thành viên đã được củng cố, kiện toàn, bước đầu khẳng định vai trò của mình về mặt phản biện xã hội, tham gia tích cực hơn vào việc xây dựng các quy định về một số vấn đề quan trọng của tỉnh như quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của các ngành và thành phố Huế. Việc hình thành Quỹ hỗ trợ Sáng tạo khoa học kỹ thuật với mức đầu tư ngày càng tăng đã thực sự tạo ra một động lực mới đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Những hoạt động này được lãnh đạo tỉnh và các ngành, đoàn thể đánh giá cao. Liên hiệp hội và các hội được mời tham gia chủ trì hoặc phối hợp thực hiện một số đề tài hoặc tư vấn về các vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên còn một số mặt hạn chế và chưa toàn diện, còn nặng về khoa học tự nhiên, nhẹ về khoa học quản lý và chưa quan tâm đúng mức cho lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trừ khoa học lịch sử. Thực tế cho thấy việc xem nhẹ các vấn đề quản lý kinh tế sẽ làm hạn chế hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ không chỉ trên phạm vi một doanh nghiệp, mà còn ra cả nền sản xuất xã hội. Hoạt động của hội cũng chưa bám sát sự phát triển của các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học và vật liệu mới, khoa học về tài nguyên môi trường. Các hội và các nhà khoa học chưa sát cánh cùng nhà nông, nhà doanh nghiệp giải quyết các vấn đề cấp bách về sản xuất hàng hóa như nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thương trường thời hội nhập kinh tế thế giới. Mặt khác, cần quan tâm giúp đỡ nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và khoa học quản lý nhằm nâng cao hiệu quả trồng và chế biến sản phẩm rừng kinh tế, cây cao su, cà phê, giải quyết các vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình nuôi trồng thủy sản, trước hết là nuôi tôm công nghiệp trên đầm phᦠCác hội chuyên ngành về nông lâm nghiệp, nòng cốt là lực lượng ở Đại học Khoa học, Đại học Nông Lâm cần đi sâu nghiên cứu để góp phần xây dựng ngành sản xuất cây cảnh, hoa và cây đặc sản¦thành những ngành mũi nhọn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Trong thời gian đến, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh cần bám sát Nghị quyết 39/NQ của Bộ Chính trị, Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII về định hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một đầu mối giao lưu thương mại quốc tế, trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm văn hóa du lịch của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Định hướng hoạt động của Liên hiệp hội phải nhằm phục vụ đắc lực cho mục tiêu quan trọng nêu trên thông qua việc thực hiện tốt vai trò tư vấn, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, trước hết là trong các ngành mũi nhọn, phối hợp triển khai tốt các đề tài nghiên cứu khoa học và tham gia vào công tác phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội trọng điểm của tỉnh. Muốn vậy, Liên hiệp hội cần làm tốt mấy vấn đề sau đây: Một là, phải chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các hội thành viên, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ trong và ngoài Liên hiệp hội nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để giải quyết có hiệu quả các vấn đề mang tính liên ngành mà một hội không đủ sức giải quyết. Mặt khác, cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp. Hai là, tập hợp rộng rãi hội viên các hội thành viên và ra sức thu hút nhân lực khoa học công nghệ trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức Việt kiều vào việc tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, kỹ năng quản lý, phát triển những ngành mà tỉnh đang cần như CNTT, sinh học, vật liệu mới, các chuyên ngành kinh tế, khai thác và bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường. Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ đầu đàn, phát huy tốt năng lực của các thành viên để chủ động hợp tác và thực hiện có hiệu quả các dự án do Nhà nước hoặc các doanh nghiệp đặt hàng và bảo đảm kinh phí. Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND và UBND tỉnh luôn khẳng định: tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là chủ trương nhất quán, mang tính chiến lược. Tỉnh sẽ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật. Đồng thời đòi hỏi Liên hiệp hội và các hội thành viên vươn lên không ngừng về mọi mặt nhằm nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  N.V.M
Người cập nhật:  

Các bài viết khác: