Giải pháp nào cho Trung tâm học tập cộng đồng?

Theo quan niệm của Unesco, trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là cơ sở giáo dục không chính quy của xã, phường, thị trấn, do cộng đồng thành lập và quản lý nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển cộng đồng thông qua việc tạo cơ hội học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng. Khác với nhà trường chính quy, ban quản lý và giáo viên của TTHTCĐ là những người tự nguyện, không hưởng lương (có thể có phụ cấp). Hoạt động của trung tâm không bị ràng buộc chặt chẽ bởi thời gian và cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Chương trình và phương thức hoạt động linh hoạt, đáp ứng nhu cầu kịp thời của cộng đồng. Có thể nói một cách ngắn gọn rằng: TTHTCĐ là thiết chế giáo dục không chính qui của cộng đồng,do cộng đồng và vì cộng đồng.

Mục đích TTHTCĐ là tạo ra cơ hội học tập cho mọi người để nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng. Tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập cộng đồng, giáo dục suốt đời cho mọi người.

TTHTCĐ có 3 chức năng: Giáo dục và huấn luyện, Thông tin và tư vấn, Phát triển cộng đồng.

Ông Victor Ordoner, tổng giám đốc Unesco khu vực, đã nói: “TTHTCĐ có thể coi là phát minh quan trọng nhất mà bấy lâu nay thế giới đang tìm kiếm”.

Trong mười năm trở lại đây, các nước châu Á đã chú ý và phát triển khá nhiều TTHTCĐ.

Tại Việt Nam, từ năm 1988 đã có những TTHTCĐ đầu tiên được thành lập và hoạt động. Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 112/2005/QĐ-TTg đề ra mục tiêu đến năm 2010, 80% xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ. Tuy nhiên, mục tiêu này đã được hoàn thành trước thời hạn 02 năm. Đến nay, cả nước có gần 10.000 TTHTCĐ đang hoạt động. Sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng phản ánh nhu cầu thực tế của cộng đồng đối với thiết chế giáo dục này.

Tại Thừa Thiên Huế, theo báo cáo tổng kết của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2011, đã có 152/152 xã, phường có TTHTCĐ. Hoạt động chủ yếu của các Trung tâm  là tập huấn kỹ thuật sản xuất, xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, tổ chức nói chuyện thời sự, tư vấn xuất khẩu lao động. Một số trung tâm đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề nông thôn, dạy lái xe mô tô, phổ cập tin học cho cộng đồng…Các trung tâm được hỗ trợ kinh phí mua sắm cơ sở vật chất ban đầu theo Thông tư 96/2008/BTC ngày 27 tháng 10 năm 2008 (30 triệu đối với trung tâm mới thành lập, 20 triệu đối với trung tâm  thuộc xã, phường khu vực I, 25 triệu đối với xã khu vực II, III).

Nhìn chung, quá trình hình thành và phát triển của TTHTCĐ đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng, đặc biệt là những người nông dân, người lao động nghèo, không có điều kiện để đến các trường học chính qui. TTHTCĐ chính là một thiết chế giáo dục quan trọng để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Tuy nhiên, số TTHTCĐ hoạt động tốt còn rất ít. Bên cạnh những yếu tố tích cực, các TTHTCĐ vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại. Theo thống kê, cơ sở vật chất của tất cả TTHTCĐ đều mượn tạm. Kinh phí hoạt động rất hạn hẹp, công tác lập kế hoạch hoạt động còn nhiều bất cập, nội dung hoạt động nghèo nàn…Nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng trước hết cần khẳng định đó là sự thiếu quan tâm của các cấp, các ngành liên quan. Công tác quản lý vừa chồng chéo vừa lỏng lẻo. Ban quản lý các TTHTCĐ chưa được đào tạo, thiếu kinh nghiệm tổ chức hoạt động…

Vậy giải pháp nào cho các TTHTCĐ phát triển đúng với mục đích và chức năng của nó?

Qui chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ tại xã, phường, thị trấn, ban hành theo Quyết định 09/2008/QĐ/BGDĐT đã qui định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, tài chính, quản lý…của TTHTCĐ. Đây là một văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý cho các trung tâm này hoạt động nhưng đến nay, các TTHTCĐ vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn, bất cập. Đối chiếu với thực tiễn, có những điều khoản trong văn bản này cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tại khoản 2, điều 11 qui định;” Cán bộ TTHTCĐ được bố trí kiêm nhiệm, gồm một cán bộ quản lý cấp xã kiêm giám đốc trung tâm, một cán bộ hội khuyến học và một cán bộ quản lý trường tiểu học hoặc trung học cơ sở trên địa bàn kiêm phó giám đốc. Các cán bộ này được hưởng phụ cấp từ kinh phí hỗ trợ của nhà nước.”

Với qui định này, các TTHTCĐ rất khó huy động được sự tham gia của cộng đồng vào tổ chức và hoạt động, bởi vì trong thành phần ban quản lý chưa có các đại diện của họ. Vì vậy, cần bổ sung vào ban quản lý đại diện của hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên…và qui định rõ chức danh giám đốc là do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm.

Hàng năm, các Sở Giáo dục đào tạo và Phòng Giáo duc đào tạo các địa phương phải có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, đặc biệt là kỹ năng lập kế hoạch tổ chức và hoạt động cho ban quản lý TTHTCĐ. Đây chính là một trong những khâu yếu nhất hiện nay.

Về kinh phí hoạt động của TTHTCĐ, có thể huy động từ các nguồn như: ngân sách nhà nước, kinh phí hoạt động của các tổ chức liên quan, hỗ trợ của các chương trình, dự án…Phần hỗ trợ của nhà nước phải được xây dựng thành dòng ngân sách hàng năm tại ngân sách cấp xã. Kinh phí đóng góp của các tổ chức được hình thành thông qua việc xây dựng kế hoạch hoạt động và ký thỏa thuận. Kế hoạch hoạt động của TTHTCĐ phải được xây dựng theo phương pháp có sự tham gia của cộng đồng bằng cách khảo sát nhu cầu của cộng đồng, thảo luận với các ban, ngành, đoàn thể trong xã để thống nhất về nội dung, kinh phí, trách nhiệm của các bên liên quan.

Về cơ sở vật chất, mỗi trung tâm ít nhất phải có một hội trường từ 200 đến 300 chỗ ngồi, phòng thư viện, phòng làm việc, sân vườn, cây xanh…Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu này nhiều nơi không thể thực hiện được. Do vậy, cách hay nhất là thực hiện lồng ghép việc xây dựng TTHTCĐ với nhà văn hóa xã theo phương thức “hai trong một”. Kinh phí để xây dựng được huy động từ nhiều nguồn như chương trình mục tiêu về văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới, đổi đất lấy hạ tầng, huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm…Khi thực hiện lồng ghép ”hai trong một” như vậy, TTHTCĐ có thể tổ chức các dịch vụ để phục vụ cho mục tiêu phát triển cộng đồng như các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ cưới, tiệc mừng…Nguồn thu từ các dịch vụ này góp phần trang trải cho hoạt động của trung tâm.

Quá trình hình thành và phát triển TTHTCĐ tại nước ta đã gần 15 năm, tại Thừa Thiên Huế cũng trên 10 năm. Sự gia tăng về số lượng là rất nhanh nhưng chất lượng hoạt động còn nhiều điều rất đáng quan tâm. Trên đây chỉ là những suy nghĩ bước đầu. Thực tiễn hoạt động sẽ cho chúng ta thêm nhiều bài học.

                                                                                                         

     Trần Giải

 

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: