Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường – Người lập kỷ lục hai bằng Tiến sĩ Nhà nước Pháp ở tuổi 22

Ở tuổi 22, Nguyễn Mạnh Tường đã nổi tiếng cả ở Việt Nam và Pháp với kỷ lục trong vòng hai tháng đoạt cả hai bằng tiến sĩ nhà nước Pháp: Tiến sĩ Luật học (Doctorat en Droit) và Tiến sĩ Văn chương (Doctorat ès – lestres đ’État).

Cho dù đã trải qua những thăng trầm trong cuộc đời, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường khi mất được Tổng Bí thư Đỗ Mười đến viếng và ghi vào sổ tang: “Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức yêu nước đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng nền giáo dục của Việt Nam”.

Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16/9/1909, tại phố Hàng Đào, Hà Nội, vốn gốc xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, nay thuộc thành phố Hà Nội. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Căn Cát, một công chức thời thuộc Pháp. Thuở nhỏ, ông rất chăm học và thông minh khác thường.

Lên 10 tuổi, ông vào học trường tư thục Paul Bert, sau đó thi đỗ vào Trường Trung học Albert Sarraut vốn chỉ dành cho con em người Pháp và số ít cho con em các quan chức cấp cao người Việt. Ông luôn được xếp thứ nhất, mặc dù đã học nhảy hai lớp.

Năm 1927, ông đậu Tú tài Triết học loại ưu, rồi được học bổng sang Pháp du học. Chỉ ba tháng sau khi học tại Trường Đại học Montpellier nổi tiếng, ông đã đạt Chứng chỉ Văn chương Pháp (Certificat de literature francaise) trước sự kinh ngạc của nhiều giáo sư và bạn bè. Hai năm sau, ông đỗ Cử nhân Văn chương hạng ưu, ông còn đăng ký học thêm tiếng Latinh, Hy Lạp, ngữ văn học (Philologie) và sự biến chuyển ngôn ngữ qua các thời đại.

Năm 1932, ở độ tuổi 22, Nguyễn Mạnh Tường lập nên kỳ tích: Bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Luật học với đề tài “Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam – Tổng luận về Luật nhà Lê (thế kỷ XV)”. Hai tháng sau, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ thứ hai về văn chương với đề tài “Luận về giá trị trình diễn và kịch bản của Alfred Musset”. Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận xét: “Luận văn của Ngài quả là một tác phẩm pháp lý, hơn nữa còn là một tác phẩm pháp lý và văn học. Nền tảng của tác phẩm thật là vững vàng và không hề có một lời chỉ trích nào. Cả hình thức cũng thật sáng lạn…Công trình nghiên cứu của Ngài thật sự là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Đại học Montpellier rất hân hạnh được chứng kiến Ngài đã thành công huy hoàng trong cả hai khoa khác nhau…Còn đối với tác phẩm pháp lý của Ngài, chúng tôi chỉ có thể nói lên một lời duy nhất thật tốt đẹp và cũng thật đầy đủ rằng luận văn này thật mạnh mẽ, nó là một kiệt tác với đầy đủ ý nghĩa của từ này…Tác phẩm này thật xứng đáng với Ngài và nó làm vẻ vang cho tất cả khoa Luật của trường Đại học. Hội đồng giám khảo xin dành cho Ngài số điểm cao nhất với lời phê: “Xuất sắc với lời khen ngợi của cả Hội đồng”.

Báo chí Pháp lúc bấy giờ cho đó là một sự kiện lịch sử chưa từng có trong nền giáo dục đại học Pháp. Và cho đến nay, vẫn chưa có một sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Nguyễn Mạnh Tường.

Tờ Hà Thành Ngọ Báo, số ra ngày 03/8/1932 viết: “Ông Nguyễn Mạnh Tường thật là một trang thiếu niên mà tài học lỗi lạc chẳng những làm vẻ vang cho nước nhà, lại cả cho học giới nước Pháp nữa”. Tờ Đuốc Nhà Nam, số ra ngày 23/9/1932 đăng bài của Luật sư Trịnh Đình Thảo giới thiệu vị tân khoa: “…Đến giờ, có người 22 tuổi như Nguyễn Mạnh Tường đậu hai bằng tiến sĩ Văn khoa và Luật khoa một lượt, cái vẻ vang ấy, dẫu đến người Pháp cũng chưa có với cỡ tuổi như thế…”.

Năm 1932, Nguyễn Mạnh Tường về nước. Sau đó hai tuần, Nguyễn Mạnh Tường nhận được giấy mời gặp của Grandjean – Giám đốc chính trị Phủ toàn quyền Đông Dương. Grandjean đề nghị Nguyễn Mạnh Tường nhận chức Thượng thư ở Triều đình Huế hoặc Tổng đốc ở Bắc bộ. Nguyễn Mạnh Tường đã khước từ, và lại sang Pháp, rồi lại đi nghiên cứu văn học và luật học tại Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Bỉ, Áo, Hung. Gần 5 năm đi du khảo ở các nước châu Âu đã giúp ông sau này viết nhiều tác phẩm nổi tiếng bằng tiếng Pháp.

Năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường về nước và trở thành giáo sư Trường Trung học Bảo hộ, tức Trường Bưởi, nay là Trường Chu Văn An, dạy văn chương Pháp và văn chương châu Âu. Cùng dạy với giáo sư Nguyễn Mạnh Tường ở Trường Bưởi còn có nhiều trí thức nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kon Tum,…

Giáo sư còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Đông Dương.

Từ năm 1942 đến năm 1945, Giáo sư mở Văn phòng Luật ở đường Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Năm 1945, được vua Bảo Đại mời, Giáo sư tham gia Hội đồng cải cách giáo dục ở Huế.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Sau ngày ký hiệp định sơ bộ Việt – Pháp (06/3/1946), Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt cùng với các thành viên trong phái đoàn như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Dương Bạch Mai, Tạ Quang Bửu,…

Theo hồi ký của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn xuất bản ở Paris năm 1971, trong phiên họp cuối cùng ngày 11/5/1946, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã tuyên bố một câu bất hủ bằng tiếng Pháp: “Nam Bo est la chair de notre chair et le sang de notre sang” (Nam Bộ là thịt của thịt chúng tôi, máu của máu chúng tôi).

Trong kháng chiến chống Pháp, Giáo sư cùng gia đình ra vùng tự do tham gia kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Giáo sư và gia đình đã hiến hầu hết tài sản cho cách mạng, trong đó có những biệt thự, dinh thự lớn ở khu phố trung tâm Hà Nội.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Giáo sư giảng dạy tại lớp dự bị Đại học ở Thanh Hóa, và được cử làm luật sư của Chính phủ đi bào chữa tại các Tòa án quân sự, đại hình.

Giáo sư được cử vào Đoàn Chính phủ đi dự Hội nghị bảo vệ hoà bình ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 1952, Đại hội Thế giới hòa bình tại Viên năm 1953 do đồng chí Xuân Thủy dẫn đầu và là Trưởng đoàn dự Hội nghị Luật gia dân chủ thế giới tại Bru-xen.

Năm 1954, hòa bình được lập lại, Giáo sư trở về Hà Nội, giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có lúc làm Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ năm 1954 đến năm 1970, Giáo sư còn làm việc tại Viện nghiên cứu giáo dục.

Năm 1956, Giáo sư có chân trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Nội. Năm 1957, tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo sư đã đọc một tham luận về ý nghĩa luật pháp trong đời sống miền Bắc, đã gây nên một dư luận lớn đối với sinh hoạt văn hóa, xã hội trong và ngoài nước.

Từ khi nghỉ hưu, Giáo sư dạy Pháp ngữ tại nhà và dồn hết tâm lực theo đuổi những công trình khoa học của mình.

Năm 1989, ở tuổi 80, Giáo sư sang Pháp theo lời mời của các trường Đại học ở Paris. Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Paris VII trân trọng mời và Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã dành một ngày giới thiệu cho sinh viên nhà trường về phương pháp và kinh nghiệm học tập của mình. Sau đó, Giáo sư trở về Tổ quốc sống trọn tuổi đời.

Nhìn lại cuộc đời của mình, Giáo sư đã tự bạch: “Tôi hoàn toàn thỏa mãn về cuộc đời, vì mọi ước mơ của tôi đều đã thành đạt. Tôi mơ làm giáo sư văn chương phương Tây thì tôi đã là giáo sư. Tôi mơ trở thành trạng sư cãi những vụ nổi tiếng, tôi đã là trạng sư. Tôi mơ một cuộc sống thật gần gũi với người dân, nghề giáo và trạng sư đã giúp tôi cảm thông và sống được những nổi niềm của người dân bình dị”.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường mất ngày 13/6/1997 tại Hà Nội, thọ 88 tuổi. Giáo sư đã để lại cho đời sau những tác phẩm lớn, đa số viết bằng tiếng Pháp. Trong đó, có những công trình đồ sộ phục vụ công cuộc đổi mới tất yếu đang diễn ra ở nước ta, khiến cho độc giả hết sức khâm phục.

Văn Luận

 

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: