Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Huế mang giá trị đầu bảng

Là nhà nghiên cứu sử học, Giáo sư Lê Văn Lan dành nhiều tâm huyết với Huế, nhất là làm thế nào để Huế ngày càng phát huy giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa. Để hiểu sâu hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ngắn với Giáo sư Sử học Lê Văn Lan. Ông cho biết: Nói về văn hóa Huế thì nói mãi không hết. Đúng là văn hóa Huế mang giá trị đầu bảng. Đó là cái vị thế văn hóa của kinh kỳ, đế đô.

Theo giáo sư, Huế có những nét đặc trưng gì mà địa phương khác không có?

Chúng ta thử so sánh văn hóa của Hội An (Quảng Nam) với văn hóa Huế (Thừa Thiên Huế), đó là cái văn hóa thừa kế từ Chiêm thành, thương cảng, phố hội. Chưa bao giờ văn hóa của Hội An là văn hóa kinh kỳ, đế đô. Đà Nẵng bắt đầu lịch sử là một đô thị hải cảng. Hội An là một đô thị giang cảng duyên hải, nhưng Huế thì khác hẳn. Huế là một kinh thành, một kinh đô và nay là một di sản văn hóa thế giới.

Không ở đâu như Huế có “không gian văn hóa” vẫn đứng ở hàng đầu trong “bảng giá trị” của một đô thị kinh kỳ, rồi cố đô. Cùng với sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, Huế đang là mẫu mực cho nhiều nơi – một Festival Huế đã trở thành thương hiệu.

Như vậy, Huế có ba cấp.Một, trên cùng là di sản của kinh kỳ, đế đô về phương diện văn hóa.Rồi cái phương diện văn hóa của một di sản kinh kỳ, đế đô ấy trở thành cái vị thế đầu bảng trong vô vàn các giá trị khác của Huế.

Để bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có, Huế cần phải làm gì, thưa giáo sư?

Chúng ta đã tâm huyết lắm, dụng công lắm. Bạn bè, thế giới cũng giúp nhiều để Huế phát triển văn hóa, nhất là tập trung vào chuyện bảo tồn. Bảo tồn là vấn đề rất lớn, rất khó khăn, rất quan trọng.Tuy nhiên, để khai thác những giá trị được bảo tồn ấy lại còn lớn hơn, còn khó khăn hơn.

Đã đến lúc chúng ta tiến hành khai thác, phát huy bên và sau bảo tồn di sản kinh kỳ, đế đô của Huế.

Huế với tư cách một đô thị kinh kỳ, thì dòng văn hóa cung đình bác học chính thống là nổi trội.Nhưng dòng văn hóa dân gian cũng không kém một chút nào. Bây giờ mà kết hợp lại, kéo hai dòng chảy, hai sự phát triển đó lại thì chắc chắn Huế sẽ trở thành một nơi hiếm thấy, hiếm có, hiếm gặp ở trên đất nước này cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Với cá nhân, giáo sư thích nhất điểm gì ở Huế?

Cá nhân tôi vẫn thích Huế nó cứ “xinh xinh như thế”.Nhiều người đang muốn Huế bảo tồn được cái giá trị lịch sử văn hóa kinh kỳ của nó.

Không ở đâu thấy có và còn một “không gian văn hóa” vẫn đứng ở hàng đầu trong “bảng giá trị” của một đô thị kinh kỳ, rồi cố đô, nhất là những công phu bảo tồn – khôi phục và khai thác – phát huy mạnh mẽ đến thiết tha, tích cực và nhiều hiệu quả, những giá trị quý báu của cái không gian và di sản văn hóa ấy như Huế.

Ở trong tôi nó vẫn cứ còn mãi cái xinh xắn, cái duyên dáng, cái tế nhị của Huế. Không biết tôi có bảo thủ cá nhân không, nhưng tôi cho đấy là mặt mạnh, cái để Huế “quyến rũ mọi người” và ai cũng muốn ôm Huế vào lòng.

Xin cám ơn giáo sư!

Theo  Báo Thừa Thiên Huế

 

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: