Hà Nội – Huế – TP.HCM, 55 năm – Nghĩa tình sắt son

Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 55 năm lễ kết nghĩa 3 TP Hà Nội – Huế – TP.HCM. Tối 11/4, UBND TP.HCM, UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức chương trình cầu truyền hình Hà Nội – Huế – TP.HCM – “Nghĩa tình sắt son” tại 3 điểm cầu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – Cột cờ Hà Nội (Hà Nội), Quảng trường Ngọ Môn (Huế) và Hội trường Thống Nhất (TPHCM).

Tới dự tại điểm cầu Hà Nội và TP.HCM có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tại điểm cầu Huế có Thượng tướng Bùi Văn Nam, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban TVTU, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; các bậc lão thành Cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị lãnh đạo Trung ương đã về hưu, các đồng chí nguyên là tướng lĩnh Quân đội đã về hưu trên địa bàn các tỉnh, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

“Nghĩa tình sắt son” làm nên chiến thắng lịch sử

Trong thời điểm lịch sử của dân tộc, hậu phương lớn miền Bắc ra sức thi đua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội; còn ở miền Nam thân yêu, phong trào Đồng khởi (Bến Tre ) đang lan rộng từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau. Ngày 8/10/1960, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra lễ kết nghĩa 3 TP Hà Nội – Huế – Sài Gòn, nhân dân Huế đã tặng nhân dân Hà Nội và nhân dân Sài Gòn bức trướng thêu: “Hà Nội – Huế – Sài Gòn, là cây một cội, là con một nhà” – biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc. Đến đầu năm 1975, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân sự và bộ máy chính quyền ngụy ở Sài Gòn, giải phóng 16 tỉnh, 5 thành phố cùng nhiều quận lỵ, chi khu quân sự.

Sau những chiến thắng vang dội như Phước Long, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Xuân Lộc…, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất theo tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “Một ngày bằng 20 năm”. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện này mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và mở chặng đường mới của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đông đảo các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế tham dự cầu truyền hình trực tiếp tại Quảng trường Ngọ môn – Huế

Tại cầu truyền hình, cùng với phần văn nghệ và phát các thước phim được ghi lại trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, phần giao lưu trực tiếp với các nhân vật tại các điểm cầu đã khắc họa rõ nét hình hài của Tổ quốc, qua những câu chuyện về các thời kỳ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi đất nước bị chia cắt hai miền Nam – Bắc; về sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú của đất nước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; về cuộc đấu tranh trường kỳ của quân và dân hai miền Nam – Bắc cho ngày thống nhất đã trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, ác liệt, miền Nam – tiền tuyến lớn oằn mình trong mưa bom, bão đạn luôn chiếm trọn tình cảm yêu thương và tự hào của hậu phương lớn miền Bắc.

Đối với những người đã từng chứng kiến niềm vui trong ngày toàn thắng, họ khó có thể nào quên những ngày khó khăn gian khổ nhưng rất đổi tự hào. Bà Nguyễn Thị Mười – Kiện tướng “Bèo hoa dâu”, Đội trưởng Đội khoa học kỹ thuật đã kể về những ngày xung phong vào vùng đất thép Vĩnh Linh giúp bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật ở HTX chọn giống, nhân giống lúa mới; cấy lúa mới nhanh tay thẳng hàng, nâng sản lượng, năng suất lúa để có thể tự túc lượng thực và chi viện cho miền Nam, chủ động đánh thắng kẻ thù.

Sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc trong những giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất của đất nước, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng là một người lính cho biết, với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, các tầng lớp nhân dân, Bắc – Nam đoàn kết một lòng, nhất tề đứng lên, anh dũng chiến đấu ngoan cường, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, không quản ngại mất mát hy sinh và sự hy sinh bình dị ấy lại vô cùng lớn lao của đồng bào miền Bắc dành cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban liên lạc Cựu tù chính trị và Tù binh TP.HCM chia sẻ  về sự ngoan cường, kiên trung bền bỉ của đồng bào miền Nam, phụ nữ miền Nam trong đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc cùng Đại tá – họa sĩ Phạm Thanh Tâm, một trong những văn nghệ sĩ quân đội đầu tiên đã đi theo quân đoàn 2 vào giải phóng Sài Gòn…

Giao lưu với nhân chứng trong đội du kích 11 cô gái sông Hương anh hùng

Các O Hoàng Thị Nở, Nguyễn Thị Hoa và Chế Thị Mừng là 3 người trong đội du kích 11 cô gái sông Hương (nay còn sống) đã có dịp nói về lòng quả cảm của người dân miền Trung trong chiến đấu để mong có ngày Bắc – Nam thống nhất, đón Bác Hồ vào thăm. Nói về cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1968 và sự hy sinh của đồng đội, O Hoa xúc động kể: chị em chúng tôi vô cùng thương tiếc vì sự hi sinh của đồng đội khi tuổi đời còn còn rất trẻ (ở tuổi 16-17) và chưa thấy đất nước được thống nhất nên các chị em còn lại đã lấy đó làm quyết tâm chiến đấu và đánh giặc Mỹ đến ngày giải phóng quê hương.

Nhớ về Lễ truy điệu cho 4 chị hi sinh do Thành ủy Huế tổ chức, O Mừng xúc động: Tại Lễ truy điệu, chú Hoàng Lanh, Bí thư Thành ủy Huế lúc bấy giờ đã đọc 4 câu thơ Bác Hồ tặng cho tiểu đội“Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường/Bác khen các cháu dân quân gái/Đánh giặc Huê Kỳ phải nát xương”, đây là một kỷ niệm sâu sắc đối với cuộc đời của mỗi O. O Mừng cho biết, nhận được bài thơ do chính Bác Hồ gửi tặng trong giai đoạn cuộc kháng chiến vô cùng khốc liệt ấy, các O đã lấy đó là niềm vinh dự, quyết tâm chiến đấu để góp phần mình giải phóng miền Nam, để cho Nam – Bắc thống nhất, để cho con tàu Hà Nội – Huế – Sài gòn sớm được thông thương, để Bác vào thăm miền nam và chị em chúng tôi cũng được gặp Bác.

Một kỷ niệm khó quên là lá cờ của Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam ViệtNam gửi tặng 11 cô gái sông Hương do đích thân tướng Nguyễn Thị Định trao tặng. Do chiến tranh ác liệt nên đã được O Nguyễn Thị Hoa cất giữ cách đây 45 năm (năm 1970), đến năm 1975 O tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.

Các đồng chí lãnh đạo TP.HCM và Thừa Thiên Huế tặng hoa bày tỏ lòng tri ân đối với

các chiến công của các cô gái đội du kích sông Hương anh hùng

Tâm nguyện của những người đang sống hôm nay

Qua cầu truyền hình, những người đang sống hôm nay, một lần nữa được nhìn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc; thấy được ý chí tự lực, tự cường và ý chí vươn lên vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh. Bà Trần Thị Thừa, phường Phú Thuận (TP Huế) bùi ngùi: Những tiết mục trong chương trình đặc biệt trong cầu truyền hình  càng gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm một thời thật khó khăn, gian khổ, nhưng thật ấm tình đồng chí, đồng đội. Cùng với cảm xúc, ông Nguyễn Lê Huy, phường Vỹ Dạ (TP Huế) cho biết: Thế hệ chúng tôi thấy rằng, trong chiến tranh tình cảm người dân ba miền Bắc – Trung – Nam luôn sát cánh bên nhau; ngày nay, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình cảm keo sơn gắn bó của Nhân dân ba miền lại càng gắn chặt hơn; Đất nước sạch bóng quân thù, nhiệm vụ của các thế hệ hôm nay là quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước không ngừng phát triển.

Em Nguyễn Minh Dương, phường Thuận Thành (TP Huế) cho biết: “Hôm nay, qua chương trình cầu truyền hình, chúng em càng hiểu hơn những gì mà thế hệ ông cha đã không tiếc xương máu cho Tổ quốc, vì sự thống nhất nước nhà và giá trị vì sao lại có sự kết nghĩa son sắt như vậy giữa Hà Nội – Huế – TP. Hồ Chí Minh. Thế hệ chúng em và chắc chắn mai sau nữa luôn khắc ghi những gì mà các thế hệ trước đã để lại, gắng học tập, làm chủ bản thân để tiếp bước truyền thống ông cha trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Qua hơn 02 giờ đồng hồ, với nhiều nội dung sâu sắc, lắng đọng, cầu truyền hình đã tái hiện chặng đường lịch sử hào hùng của 3 miền Bắc – Trung – Nam; tấm lòng thủy chung, son sắt của hậu phương lớn miền Bắc “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”; tình nghĩa gắn bó giữa 3 thành phố kết nghĩa Hà Nội – Huế – TP.HCM. Đặc biệt, cầu truyền hình đã nêu bật sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử; quá trình 40 năm Bắc – Nam sum họp một nhà và những thành tựu đổi mới đi lên của ba thành phố, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Theo thuathienhue.gov.vn

 

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: