Hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Thừa Thiên Huế

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước tăng cường đầu tư để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Trong 5 năm, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ ở Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khả quan: hệ thống dạy nghề cho lao động nông thôn không ngừng được củng cố và phát triển, từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác; Nguồn lực đầu tư cho công tác này ngày càng tăng, đã thực sự hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, từng bước tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Ủy ban nhân tỉnh đã cụ thể hóa và ban hành Quyết định số 2453/QĐ-UBND ngày 26/11/2010 về việc phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu: Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế – xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; Tạo bước đột phá, tăng tốc về chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn; góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh năm 2015 đạt 60%, năm 2020 đạt 70%. Để chỉ đạo, điều hành triển khai các hoạt động thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo Đề án sớm được thành lập và kiện toàn từ cấp tỉnh đến xã, có 9/9 huyện, thị xã và thành phố Huế đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cùng cấp, 98/105 xã (chiếm 93.3%) đã thành lập Tổ công tác Đề án cấp xã, 9/9 Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã và thành phố Huế đã bố trí đủ cán bộ theo dõi công tác đào tạo nghề tại các địa phương. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, truyền thông tuyên truyền thông tin, tư vấn về học nghề và việc làm được quan tâm đẩy mạnh. Đã tổ chức quán triệt kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án cho cán bộ chủ chốt của UBND các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và các cơ sở dạy nghề. Phát hành 80 ngàn tờ gấp giới thiệu về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương để đưa tin về các hoạt động của Đề án. Đã tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm – dạy nghề tại các huyện, thị xã và thành phố Huế nhằm giúp cho LĐNT tiếp cận các chính sách pháp luật về việc làm, dạy nghề; tiếp cận các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp để học nghề và tìm việc làm. Đã tổ chức khảo sát, điều tra 920.101 nhân khẩu trong độ tuổi lao động; có 543.548 lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, có 61.929 lao động nông thôn có nhu cầu học nghề. Số lao động đăng ký học sơ cấp nghề là 29.177 người và học nghề dưới 3 tháng là 15.108 người. Các nhóm nghề chính là may (10.340 người), cơ khí (4.375 người), nông-lâm-thuỷ sản (14.421 người)…

Nghề mây tre đan ở Thừa Thiên Huế 

Qua 5 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đào tạo được 20.085 lao động, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó: lĩnh vực nông nghiệp: 3.768 lao động (chiếm tỷ lệ 18,76%), phi nông nghiệp:16.317 lao động (chiếm tỷ lệ 81,24%); tỷ lệ hoàn thành so với kế hoạch là 107.12%. Cùng với quá trình thực hiện Đề án, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề được tăng cường đầu tư đáp ứng được nhu cầu học nghề đa dạng của lao động, công tác xây dựng và phát triển chương trình dạy nghề ngày càng hoàn thiện. đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề phát triển về cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt, thực tiễn quá trình thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã rút ra được một số mô hình đào tạo nghề gắn với viêc giải quyết việc làm hiệu quả và có thể nhân rộng trong toàn tỉnh. Từ kết quả thực hiện 28 mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: trồng rau sạch, trồng nắm rơm, trồng nấm Linh Chi, may công nghiệp, đan ghế nhựa, may áo ki-mô-nô… ở các huyện: Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền; thị xã Hương Thuỷ, Hương Trà, Ban chỉ đạo đã tổng kết đánh giá có mô hình : dạy nghề may công nghiệp theo chương trình đào tạo của các doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Vinatex Hương Trà tại thị xã Hương Trà, Công ty Thiên An Phú tại huyện Phú Vang, Công ty Scavy tại huyện Phong Điền); mô hình dạy nghề trồng rau sạch (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền), trồng nấm Linh Chi (Công ty Cổ phần lâm đặc sản Hương Giang)…là những mô hình hiệu quả và có thể nhân rộng trong thời gian tới.

Nhiều giải pháp, biện pháp phù hợp đã thực hiện góp nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm sau đào tạo nghề không ngừng tăng, trong lĩnh vực phi nông nghiệp có trên 80% lao động sau tốt nghiệp tìm được việc làm, đặc biệt với nghề may công nghiệp có trên 90% lao động sau tốt nghiệp đã tìm được việc làm tại các doanh nghiệp may; đối với lĩnh vực nông nghiệp, trên 80 % lao động  sau khi học xong đã mạnh dạn áp dụng những kiến thức, kỹ năng hoặc những ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập. hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến 2015 là phấn toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Nhìn chung, công tác dạy nghề đã giúp lao động nông thôn tham gia các khoá học nghề hoặc tiếp cận với các ngành nghề mới, tạo thêm cơ hội có việc làm, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề trong thời gian tới cũng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và xã hội cần tiếp tục quan tâm tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện cho người học sau khi học nghề về vốn, phương tiện sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm ổn định.

ThS. HỒ THÀNH

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: