Hiệu quả mô hình “1 phải 5 giảm”

Sở NN-PTNT tỉnh An Giang vừa tổ chức hội thảo tổng kết dự án SX lúa theo quy trình “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm giống, phân, thuốc, nước, giảm thất thoát sau thu hoạch) giai đoạn 2009 – 2012 do tỉnh An Giang, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) hợp tác. Tham dự có các nhà khoa học của IRRI, nhóm SX lúa Thái Lan, Đại học An Giang, Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL…

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV mô hình SX được triển khai vào năm 2004 với 4,3 ha tại Long Xuyên bằng phương pháp san bằng mặt ruộng bằng tia laze, sử dụng giống xác nhận, làm tiền đề để thực hiện “1 phải 5 giảm”. Năm 2009 chương trình thâm canh lúa “1 phải 5 giảm” được phát động tại An Giang. Sau 4 năm đã triển khai 259 lớp huấn luyện cho 6.226 nông dân tham gia trên 8,417 ha, từ đó làm giảm chi phí canh tác trên 4,3 triệu đồng/ha; cải thiện chất lượng lúa; tăng năng suất; đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện mô hình đã lan ra 7 tỉnh ĐBSCL.

TS. Florencia Palis, Viện NC lúa quốc tế (IRRI) cho rằng, khảo sát 6 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành Chợ Mới, Phú Tân và thành phố Long Xuyên (An Giang), áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm” năng suất tăng lên hàng năm, giảm 80% phân bón; 78% giống; 50% nước, 2,4 lần sử dụng thuốc.

Trong buổi tổng kết, bà Ladda Viriyangkura (chuyên gia nông nghiệp Thái Lan) còn trao đổi kinh nghiệm về SX lúa gạo theo tiêu chuẩn GAP, khuyến khích người dân tham gia để SX lúa đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Đại diện tỉnh An Giang cho hay, định hướng giai đoạn 2012 – 2015, tỉnh tập trung SX theo mô hình thâm canh bền vững theo hướng VietGAP, GlobalGap kết hợp cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ sinh thái. Đẩy mạnh nhân nuôi nấm xanh, mở rộng ứng dụng giải pháp tưới ngập, khô xen kẽ để giảm khí thải trong SX (giảm khí mê tan khoảng 31,6%) và giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng tối đa lợi nhuận cho nông dân.

Theo đó, tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua và triển khai phát triển vùng nguyên liệu cho các DN kinh doanh lương thực, xây dựng cánh đồng “1 phải 5 giảm” 100 ha và cánh đồng mẫu lớn từ 300 – 500 ha. Kết thúc hội thảo, UBND tỉnh An Giang đã trao tặng bằng khen cho 9 tập thể, 5 cá nhân trong và ngoài tỉnh đã có thành tích trong triển khai ứng dụng chương trình “1 phải 5 giảm”.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: