Hoa tre trong lễ cúng đầu năm ở Huế

Không biết có từ bao giờ mà hoa tre là lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng bổn mạng đầu năm của mỗi gia đình ở cố đô Huế. Nội tôi kể rằng: Thuở xưa khi chưa có “ông tổ ” khai sinh ra loại hoa tre thì người ta cúng bổn mạng bằng hoa thọ. Hoa thọ mang ý nghĩa trường tồn, cầu mong được sống lâu để sum vầy cùng con cháu.

Hoa tre rất dân dã được yêu chuộng ở vùng đất cố đô Huế

Thông thường lễ cúng bổn mạng được tổ chức từ ngày mùng 4 – 16 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất là tối mồng 8-9 tháng giêng, vì đó là ngày “tiên sư giáng hạ”. Một số địa phương lễ bổn mạng được cúng lai rai suốt tháng Giêng âm lịch.

Lễ bổn mạng cúng ở trang ông, trang bà và thờ tranh bổn mạng, tranh bổn mạng chủ yếu là do các nghệ nhân ở làng Sình (xã Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) vẽ. Mục đích của lễ bổn mạng là cầu cho thân mạng của người đàn ông hoặc đàn bà được vẹn toàn, thoát khỏi những tai ương, điềm dữ và sự trớ trêu trong cuộc sống thường nhật, ước nguyện gặp điều tốt lành trong năm. Hay nói cách khác là cầu mong được bảo toàn tính mạng, công việc làm ăn được hanh thông. Lễ vật dâng cúng cũng thật đơn giản: hoa quả tươi, bánh trái, cau trầu rượu, một đĩa xôi, miếng thịt heo và cặp bông tre. Nhà nào muốn “hoành tráng” hơn thì thay miếng thịt bằng con gà luộc để nguyên con. Gia đình nào theo đạo Phật nghĩa là đã gửi thân mạng của mình cho Quan Âm Bồ – Tát thì lễ bổn mạng gồm: xôi chè, hoa quả, bánh kẹo và cặp bông tre. Ngoài 60 tuổi thì không còn lễ cúng bổn mạng.

Ở quê tôi, từ đầu tháng Chạp người ta đã chuẩn bị tre, chọn tre để vót bông. Để làm hoa tre trước hết là chọn tre còn tươi, sau đó cưa tre thành từng đoạn dài khoảng 20 cm có hình tròn to bằng ngón tay cái, rồi dùng mác (rựa) thật bén để vót tre. Mác càng bén thì đường tre vót ra càng cong vút và sắc nét. Sau khi các cọng tre được vót ra đầy đặn thì dùng tay vo cho hoa tre được tròn trịa hơn, phía dưới vót nhọn để khi cúng cắm vào đĩa xôi gọn gàng.

Hoa tre được nhuộm màu đỏ, màu gạch, màu cánh sen, màu vàng đậm để người mua tùy sở thích mà chọn lựa. Thông thường người mua chọn màu đỏ nhiều hơn vì người ta quan niệm rằng: đầu năm sẽ được gặp nhiều may mắn, cái gì cũng “đỏ” như bông hoa tre.

Ở nông thôn, người làm hoa tre chỉ cần vài chục ngàn đồng mua phẩm nhuộm vì nguyên liệu tre đã có sẵn trong vườn nhà. Ông Trần Đình Luyện ở Thủy Dương (Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), sau 3 ngày miệt mài ngồi vót hoa tre cũng có thu nhập thêm vài trăm ngàn đồng, góp phần cải thiện bữa cơm gia đình. Còn bà Lê Thị Quỳnh ở  Phú Dương (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) cho biết: Hàng năm, sau khi ăn Tết xong thì cả 3 mẹ con tui vót hoa tre suốt cả tuần, vót đến đâu khách quen đến lấy hết hàng chừng đó. Thu nhập trong mùa cúng bổn mạng cũng được 2.000.000 đồng. Giá bán sỉ hoa tre mỗi cặp là 3.000 đồng, còn giá bán lẻ dao động từ 4.000- 6.000đồng/ cặp tùy theo từng phiên chợ, từng khách mua.

Hàng năm, từ ngày 4 – 16 tháng Giêng âm lịch, hoa tre được bày bán khắp các chợ trong thành phố Huế: Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc, Nam Giao… cho đến các chợ ở những vùng quê xa như chợ Mai, Sịa, Truồi, Thuận An, Vinh Thanh…

Mỗi loài hoa đều có nét đẹp riêng, có giá trị sử dụng trong từng lễ nghi riêng biệt. Nếu hoa giấy được thờ cúng ở trang ông, trang bà, bếp thờ táo quân, thì hoa tre là lễ vật không thể thiếu trong cúng bổn mạng đầu năm; âu cũng góp phần tô điểm cho mùa xuân – mùa của lễ hội càng thêm rực rỡ và thi vị hơn nhiều.

Võ Văn Dần

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: