Nếu Quý vị có điều gì cần tư vấn về khoa học công nghệ, xin vui lòng đặt câu hỏi tại đây. Vui lòng bấm vào câu hỏi để xem nội dung trả lời.
Hỏi: Tôi lần đầu tiên nuôi ếch (bể xi măng), chưa có kinh nghiệm. Vậy, tôi xin hỏi quy trình nuôi cụ thể về cách nuôi từ khi con giống mới mua về đến lúc thu hoạch. (Tranquangtoan)
tranquangtoan (tranquangtoan06@yahoo.com) – 17/06/2014


Đáp: Ếch là đối tượng dễ nuôi, hình thức nuôi đa dạng và phong phú. Có thể nuôi ếch trong ao đất, bể xi măng và bằng lồng lưới. Ngoài ra, có thể cải tạo chuồng nuôi lợn cũ để nuôi. Ếch là đối tượng nuôi được người dân nhiều vùng quan tâm chon nuôi  trong điều kiện dịch cúm gia cầm và dịch heo tai xanh trên lơn đang diễn biến phức tạp. Thời gian nuôi đối tượng này tương đối ngắn, đòi hỏi đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh. Chỉ trong vòng 3 tháng là có thể thu hoạch và bán thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi.

Quy trình nuôi ếch thương phẩm trong bể xi măng như sau quy mô nông hộ:

I. Đặc điểm sinh học

1. Phân bố

Ếch là động vật lưỡng cư sống được cả trên cạn và dưới nước, ếch có khả năng hô hấp bằng phổi và qua da. Ếch phân bố khắp nơi ao hồ, đồng ruộng, sông ngòi, những nơi ẩm ướt và có nguồn nước ngọt.Thịt ếch trắng hồng, dai, thơm ngon là nguồn cung cấp đạm rất tốt cho con người.

2. Tập tính

Trong tự nhiên, ếch là loài ăn động vật sống, con mồi phải di động như các loài côn trùng, giun, ốc, cá con, tép… Trong điều kiện nuôi sử dụng được thức ăn qua chế biến (thức ăn công nghiệp).

3. Sinh trưởng

– Giống ếch đồng: Nuôi từ cỡ ếch giống 3-5g/con, sau 1 tháng có thể đạt 25-30g/con, 3-4 tháng thành ếch thương phẩm cỡ 80 – 100g/con. Sống ngoài tự nhiên ếch 1 tuổi, con cái nặng 60g, con đực nặng 50g.

– Giống ếch Thái Lan: Nuôi từ cỡ ếch giống 3-5g/con, sau một tháng có thể đạt từ 50-70g/con, 2,5-3 tháng nuôi ếch đạt từ 150-300g/con lúc này có thể bán ếch thương phẩm.

4. Sinh sản

Ếch sau khi đạt 10-12 tháng tuổi thì có thể sinh sản. Mùa vụ sinh sản của ếch bắt đầu từ tháng chạp đến tháng 9 âm lịch. Ếch đẻ rộ vào mùa xuân, sức sinh sản của ếch: 20.000-30.000 trứng/1kg ếch cái.

II. Kỹ thuật nuôi

1. Chọn địa điểm nuôi

–  Bể nuôi phải gần nhà, thuận tiện quản lý, chăm sóc ếch trong qua trình nuôi.

– Vị trí cao, không bị ngập lụt.

– Có nguồn nước sạch, chủ động và không nhiễm hoá chất.

– Mực nước trong bể nuôi 20-25cm. Nên thường xuyên phun nước tưới cho ếch, nhất là vào lúc trưa nắng.

2. Xây dựng bể nuôi

– Bể xây bằng gạch, trát vữa xi măng, có diện tích trung bình 6-10m2, tường cao 1,2-1,5m, có lưới đậy để tránh ếch nhảy ra, hạn chế ánh nắng trực tiếp và làm tăng nhiệt độ. Đồng thời, tránh kẻ thù gây hại như: rắn, mèo, chuột, chim…

– Có hệ thống van thoát nước sát đáy, đáy bể có độ nghiêng 5o về hướng thoát nước.

– Mặt phía trong của thành bể cần tô láng từ đáy lên cao 40-50cm để chống thấm nước.

– Treo bóng đèn điện vào ban đêm cách mặt nước khoảng 0,5cm để ếch ăn ban đêm khi ếch ăn xong thì tắt.

Chú ý: Trong bể nuôi nên làm phao (bè) nổi trên mặt nước đủ cho tất cả ếch trong bể có thể trú ngụ. Bể nuôi ếch không nên che nắng hoàn toàn. Có thể tận dụng lại chuồng heo cũ và cải tạo lại đáy, thành chuồng cho kỹ là nuôi được.

3. Chọn giống

Nên chon nuôi những giống ếch nhập nội có khả năng sinh trưởng nhanh, hiện nay giống ếch Thái Lan được nuôi phổ biến

– Chọn con giống cở 40 ngày tuổi, trọng lượng từ 150-200con/kg ếch giống

– Ếch đồng đều, da bóng và không bị dị tật, sây sát

– Chọn  mua giống từ những cơ sở sản xuất giống có uy tín, có chuyên môn để đảm bảo chất lượng con giống tốt. Không nên mua con giống trôi nổi.

4. Thả giống

– Mùa vụ thả từ tháng 4 đến tháng 9 (dương lịch);

– Mật độ: 100 con/m2.

5. Mực nước nuôi: Từ 7-10 cm (ngập 2/3 thân ếch)

6. Thức ăn

6.1. Nguồn thức ăn 

– Tận dụng nguồn thức ăn sẵn trong tư nhiên, của gia đình như cào cào, cá tạp, tép, giun quế, giun đất.

– Thức ăn viên tổng hợp (loại thức ăn của cá Rô phi đảm bảo độ đạm >30% ).

6.2. Cách cho ăn và lượng thức ăn cho ăn

– Ngày cho ăn 2 lần ( sáng-chiều). Sáng: 7-8 giờ; chiều: 17-18 giờ.

– Tỷ lệ cho ăn: Giai đoạn mới thả giống 5-7%, tháng tiếp theo 2-3%.

– Thức ăn công nghiệp nên bổ sung vitamin C vào tăng thêm sức đề kháng bệnh cho ếch.

7. Chăm sóc, quản lý

– Thay nước trong bể nuôi ngày 1-2 lần trước khi cho ếch ăn.

– Cứ 3 ngày lựa chọn những con vượt đàn tách nuôi riêng.

– Theo dõi khả năng ếch ăn để điều chỉnh lượng thức ăn hằng ngày cho phù hợp.

– Định kỳ 15 ngày dùng thuốc tím 3g/m3 xử lý bể nuôi, ngâm ếch 5-10 phút.

– Phòng ngừa dịch hại cho ếch như mèo, chuột, kiến v.v…

8. Thu hoạch

– Sau thời gian nuôi 2,5-3,0 tháng, ếch đạt trọng lượng 200-300g/con tiến hành thu hoạch.

– Chăm sóc quản lý tốt đúng theo yêu cầu kỹ thuật trong suốt vụ nuôi thì với hình thức nuôi ếch trong bể sẽ rất hiệu quả. Mỗi gia đình có từ 1-2 bể nuôi 2 lứa trong năm, có thể thu hoạch từ 2-4 triệu đồng từ nguồn nuôi ếch và có thêm sản phẩm phục vụ cho bữa ăn gia đình./.

Thu Giang – Hồ Thành

 

Các bài viết khác: