Học sinh Huế tạo ra chiếc mũ biết nhắc tài xế khi họ buồn ngủ

  • Đinh Văn Chung
  • 04-07-2019
  • 681 lượt đọc
Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên – Nhi đồng

Chiếc mũ đặc biệt này sẽ nhắc nhở bằng tiếng kêu cảnh báo phát ra từ bên trong mũ thông qua chiếc loa khi nhận thấy tài xế có dấu hiệu buồn ngủ, gật gù… khoảng 15-30 độ.

Lắp ráp, kiểm tra và cân chỉnh mạch điện tử

Tại triển lãm các sản phẩm của cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019, chiếc mũ bảo hiểm chống ngủ gật đã nổi bật giữa không gian trưng bày các ý tưởng sáng tạo.

Chiếc mũ bảo hiểm chống ngủ gật của hai em Huỳnh Phúc và Cái Trần Hoàng Anh (lớp 10, trường THPT Thừa Lưu, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã giành giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.

Chia sẻ về ý tưởng, Huỳnh Phúc cho hay, hiện nay, an toàn giao thông là vấn đề nóng bỏng đối với nước ta. Việc đội mũ bảo hiểm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông đã được hầu hết mọi người thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp đội mũ bảo hiểm an toàn nhưng vẫn xảy ra tai nạn giao thông do nhiều nguyên nhân. Ngủ gật trong khi đang lái xe là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Phúc trình bày: “Ngủ gật khi đang lái xe là hiện tượng phổ biến thường gặp ở người lái xe, không phân biệt chủng tộc, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều các nghiên cứu hay thiết bị chống ngủ gật khi đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường, được áp dụng vào thực tế để giảm thiểu các tai nạn liên quan đến ngủ gật khi đang lái xe mô tô, xe gắn máy. Đó là lý do chúng em quyết định chọn đề tài nghiên cứu mũ bảo hiểm chống ngủ gật”.

Để đáp ứng yêu cầu của mũ bảo hiểm chống ngủ gật, các em đã thiết kế mũ bảo hiểm có các linh kiện gồm Bộ xử lý trung tâm Arduino nano, Cảm biến gia tốc góc nghiêng, Loa báo, Pin 9V.

 

Chiếc mũ nhắc nhở lái xe khi họ buồn ngủ

Phúc cho hay, hệ thống gồm 3 khối chủ yếu: Khối cảm biến, khối xử lí trung tâm, khối cơ cấu chấp hành. Khối cảm biến sử dụng cảm biến gia tốc góc nghiêng MPU6050 là một loại cảm biến rất thông dụng vì giá thành rẻ và dễ lấy dữ liệu, lắp đặt bên trong mũ bảo hiểm để phát hiện góc nghiêng mũ về phía trước, tiếp nhận tín hiệu và phản hồi về bộ xử lý.

Còn khối xử lí trung tâm sử dụng Arduino Nano, đó là sự tiện dụng, đơn giản, có thể lập trình trực tiếp bằng máy tính và đặc biệt hơn cả đó là kích thước của nó. Kích thước của Arduino Nano cực kì nhỏ (1.85cm x 4.3cm). Khối xử lí trung tâm có vai trò tiếp nhận các thông tin từ khối cảm biến để đưa ra cơ cấu chấp hành làm việc đó là loa báo.

Khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông buồn ngủ, gật gù, gật đầu khoảng 15 – 30 độ, sẽ tác động vào chiếc mũ, cảm biến gia tốc góc nghiêng phát hiện, người tham gia giao thông sẽ được nhắc nhở bằng tiếng kêu cảnh báo phát ra từ bên trong mũ thông qua chiếc loa.

Thiết bị chế tạo chạy ổn định, chính xác, đảm bảo độ tin tưởng khi sử dụng cảm biến gia tốc góc nghiêng hoạt động chính xác, phản hồi tín hiệu tức thời khi người điều khiển phương tiện đội mũ bảo hiểm gật đầu khoảng 15 – 30 độ.

Theo Phúc, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mũ bảo hiểm với mẫu mã đa dạng và chức năng an toàn khi sử dụng. Mũ bảo hiểm của các em học sinh nghiên cứu là sản phẩm hoàn toàn mới và có các điểm nổi bật có thể áp dụng rộng rãi cho người tham gia giao thông giảm thiểu được số vụ tai nạn do ngủ gật gây ra và có thể ứng dụng trong điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay.

Thiết bị có các ưu điểm như sử dụng các vật liệu và linh kiện điện tử dễ mua, dễ tìm kiếm, được bán rộng rãi ở các cửa hàng; Thiết kế đơn giản với các chi tiết và dễ lắp ráp dành cho mọi người (những người chưa có kiến thức về điện tử có thể nhìn bản thiết kế lắp ráp nhanh chóng trong 1 giờ); Hệ thống vận hành tốt, đảm bảo các yêu cầu đặt ra về cảm biến gia tốc góc nghiêng.

Các em dự định sắp tới, đề tài sẽ được hoàn thiện hơn với việc thiết kế bộ lắp đặt ở bên trong tốt hơn, thiết kế pin bên ngoài để khi hết pin có thể cắm sạc….

Nói về các học sinh, thầy Trương Đức Dũng – Giáo viên hướng dẫn thông tin: “Hai em Phúc và Anh nhanh nhẹn, có nhiều ý tưởng sáng tạo. Đề tài mũ bảo hiểm chống ngủ gật là ý tưởng rất hay của hai em học sinh. Hiện nay, vấn đề chống ngủ gật cho xe máy thì vẫn chưa có ai làm. Đề tài có thể ứng dụng thực tế để giúp cho người dân chấp hành an toàn giao thông, phần nào đó góp phần chống ngủ gật đối với người điều khiển xe máy”.

Phong Hải







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM