Hội Chăn nuôi Thú y góp phần phát triển chăn nuôi, bảo vệ an toàn gia súc, gia cầm

  • Husta.org
  • 16-01-2009
  • 551 lượt đọc

Vài năm trở lại đây, nhất là năm 2007 vừa qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm có diễn biến phức tạp, Hội Chăn nuôi Thú y Thừa Thiên Huế (Hội) đã góp phần quan trọng trong việc phát triển chăn nuôi, bảo vệ an toàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Hội đã vào cuộc, động viên cán bộ, hội viên tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng (LMLM), tai xanh. Các ổ dịch đã được phát hiện sớm, dập dịch nhanh, không để lây lan ra diện rộng. Cứ nơi nào có dịch là có mặt cán bộ, hội viên của Hội. Nhờ đó, chỉ trong vòng 1 tháng (tháng 7/2007) dịch tai xanh xảy ra rải rác ở vài xã đã bị khống chế, dập tắt. Bên cạnh đó, Hội đã  Khuyến khích cán bộ, hội viên thú y tham gia công tác tiêm phòng gia súc vụ xuân, thu đạt kết quả khá tốt, đúng tiến độ. Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng trâu bò đạt trên 90%, tụ huyết trùng và dịch tả lợn đạt 85%, phó thương hàn đạt 95% kế hoạch; tiêm 2 lần phòng cúm gia cầm đạt trên 70% tổng đàn (2 triệu liều), tiêm trên 200.000 liều vaccine LMLM.

Các hội viên thuộc Công ty Giống vật nuôi đã tham gia xây dựng và triển khai dự án đầu tư và phát triển lợn nái ngoại với mô hình 130 lợn nái ngoại sinh sản (Landrac, yorshire, Duroc), 05 đực giống, 650 lợn theo mẹ và lợn thịt, tổ chức úm 50.000 gà thương phẩm để cung cấp giống cho người chăn nuôi. Mô hình trồng cỏ, nuôi bò với 100 bò giống sinh sản (Red Sinhd, Brahman, Drougth-master và thế hệ F1,F2), 80 bê, 12 ha cỏ voi, AV06.

Các hội viên thuộc Trung tâm Khuyến nông đã tham gia thực hiện các dự án: cải tạo giống bò vàng Việt Nam theo hướng chuyên thịt với quy mô 880 con; cải tạo đàn bò tại Huyện A Lưới; mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc 52 con; mô hình trồng cỏ thâm canh 9 ha; mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học; chương trình Bioga¦

Hội đã cùng với cơ quan chuyên môn chỉ đạo công tác kiểm dịch tận gốc, kiểm soát chặt chẽ giết mổ tập trung. Toàn bộ gia súc giết mổ tại 33 lò giết mổ tập trung đã được các hội viên thú y kiểm tra dịch bệnh trước khi mang ra tiêu thụ trên thị trường. Quy hoạch 5 điểm giết mổ gia cầm tập trung, 7 khu vực mua bán sản phẩm gia cầm sạch, 10 điểm buôn bán  gia cầm sống để cung cấp cho người tiêu dùng. Hội đã mạnh dạn đưa một số loại thuốc, vaccine mới vào  phòng và chữa bệnh cho vật nuôi. Thực hiện các hoạt động dịch vụ điều trị, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Hội đã chú trọng công tác đào tạo, đã phối hợp với trung tâm đào tạo nghề của tỉnh, các dự án tổ chức đào tạo 2 khoá thú y cơ sở tại Phú Vang, A Lưới, tổ chức đào tạo trình độ trung cấp cho 30 hội viên thú y, tập huấn về chăn nuôi và biện pháp phòng trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho các hội viên và tổ chức 200 lớp tập huấn phòng chống dịch cúm gia cầm cho người chăn nuôi.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, Hội đã triển khai thực hiện thành công, đem lại kết quả tốt dự án Thử nghiệm sản xuất lợn 3/4 máu ngoại tại nông hộ tỉnh Thừa Thiên Huế, đề tài Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phòng ngừa và triển khai thí điểm một số giải pháp làm hạn chế nguy cơ xảy ra dịch cúm A (H5N1) gia cầm ở Thừa Thiên Huế.

Hội đã chú trọng công tác tuyên truyền như xây dựng tủ sách chuyên môn với trên 400 đầu sách từ sự tài trợ của các tổ chức, tiếp tục xuất bản tập san Thông tin thú y định kỳ 2 số/năm với số lượng 1000 cuốn mỗi số nhằm trao đổi, phổ biến kiến thức cho các hội viên, đặc biệt là các hội viên tại cơ sở. Hội còn cung cấp nhiều tài liệu, tờ rơi  tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăn nuôi, thú y, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm đến tay người chăn nuôi, phối hợp với Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế, Đài Phát thanh và truyền hình Thừa Thiên Huế xây dựng các chuyên mục an toàn sinh học trong chăn nuôi gà, chợ gia cầm sống ở nông thôn, phòng chống dịch bệnh cho gia súc sau lũ lụt¦

Một vấn đề khác rất được Hội quan tâm là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, hội viên. Hội đang xúc tiến đề nghị HĐND, UBND tỉnh có chế độ thù lao cho hội viên là thú y xã, tạo điều kiện để các hội viên có đủ điều kiện theo học trung cấp, đại học, cao học để nâng cao năng lực. Những ngày lễ, tết như Tết cổ truyền, ngày thành lập ngành¦Hội đã tổ chức gặp mặt, lễ kỷ niệm, tặng quà và ôn lại truyền thống của ngành. Các chi hội còn chủ động tổ chức tham quan, nghỉ mát cho hội viên, tổ chức tặng quà cho con em hội viên học giỏi, thăm hỏi, động viên các gia đình hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, cho hội viên vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất¦

Để có được những hoạt động đáng ghi nhận trên, Ban Chấp hành Hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, năng động, biết gắn kết hoạt động của Hội với các hoạt động chuyên môn, biết chọn đúng những trọng tâm công tác Hội trong từng thời điểm.

NVQ







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM