Hội chứng hô hấp Trung Đông và nguy cơ gây bệnh cho người

Hội chứng hô hấp Trung đông, tiếng Anh gọi tắt là MERS, là một bệnh về đường hô hấp do một loại vi rút Corona gây ra. Đây được coi là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh này giờ đây không còn chỉ bó hẹp trong khu vực các nước Trung Đông mà đã lan sang một số nước ở những châu lục khác, gây nên những lo ngại cho sức khỏe cộng đồng. Vậy dịch bệnh MERS là gì? Mức độ nguy hiểm của bệnh như thế nào? Để giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về dịch bệnh này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đình Bình (ảnh) – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế về vấn đề này.

PGS.TS. Trần Đình Bình

Thưa PGS.TS. Trần Đình Bình, xin ông cho biết, dịch bệnh MERS-CoV là gì? Mức độ nguy hiểm ra sao?

PGS.TS. Trần Đình Bình: Hội chứng MERS-CoV còn có tên là Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông được phát hiện lần đầu tiên ở người vào tháng 9 năm 2012 ở Ả Rập Xê Út, do một loại vi rút nhóm Corona gây ra, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì vi rút MERS-CoV có thể có nguồn gốc từ loài dơi rồi truyền sang lạc đà, sau đó lạc đà trở thành ổ chứa vi rút chính lây bệnh tiên phát sang người. Virút MERS-CoV có cùng nhóm với virút Coronavirus gây bệnh SARS trên thế giới năm 2003. So với Coronavirrus gây bệnh SARS, độc lực của vi rút MERS-CoV mạnh hơn, có khả năng gây tử vong cao hơn. Theo các nhà khoa học, hội chứng do MERS-CoV có thể trở thành dịch bệnh lớn vì vi rút MERS-CoV có thể truyền bệnh trực tiếp từ người sang người giữa những cá thể có tiếp xúc trực tiếp gần với nhau thông qua đường hô hấp.

Ông có thể cho biết diễn biến của dịch bệnh MERS-CoV hiện nay?

PGS.TS. Trần Đình Bình: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến ngày 25/6/2015, tổng số mắc trên thế giới là: 1353 ca nhiễm MERS-CoV, trong đó có 481 ca tử vong tại 27 nước: Ca bệnh tại chỗ (9 nước): Ả Rập Xê Út,  Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Yemen, Lebanon, Iran; Ca bệnh xâm nhập (18 nước): Anh, Pháp, Tunisia, Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ai Cập, Mỹ,  Hà Lan, Algeria, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Hiện nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ xâm nhập vào nước ta thông qua các khách du lịch, người lao động, học tập tại các quốc gia có dịch về Việt Nam. Bộ Y tế đang triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với khả năng bệnh có thể xâm nhập vào nước ta.

Ông có thể thông tin thêm về cơ chế lây lan của dịch bệnh MERS-CoV? Những biểu hiện khi bị nhiễm bệnh? Cách xử trí như thế nào khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh?

PGS.TS. Trần Đình Bình: Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn khi ho, hắt hơi, khi  nói và cũng có thể lây nhiễm gián tiếp từ các vật dụng có dính dịch tiết đường hô hấp người  mắc MERS-CoV trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày. Người bệnh có biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp cấp, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy đa phủ tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao; tỷ lệ chết/mắc từ 35% – 40%. Một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, gây khó khăn cho việc phát hiện.

Cho đến hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh,  chỉ điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ mà thôi. Nếu có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp sốt, ho, sổ mũi cộng với yếu tố có tiếp xúc với người ở vùng dịch MERS-CoV trở về thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn.

Thưa PGS.TS. Trần Đình Bình, ông có lời khuyên như thế nào đối với người dân trong lúc này?

PGS.TS. Trần Đình Bình: Bộ Y tế khuyến cáo các cá nhân nên tự thực hiện những hướng dẫn sau để phòng lây nhiễm Hội chứng MERS-CoV:

– Hạn chế đi du lịch tới các vùng đang có dịch, Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân; lúc về phải khai tờ khai y tế khi nhập cảnh, tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày và thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất khi có các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để được khám và tư vấn;

– Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, suy thận, suy giảm miễn dịch…không nên đi du lịch đến vùng có dịch hoặc đến nơi tập trung đông người;

– Người bị bệnh đường hô hấp cấp tính nên chủ động mang khẩu trang khi tiếp xúc, khi đi ra bên ngoài. Mọi người nên tránh tiếp xúc với  người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, khi cần tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách cần thiết.

Các khuyến cáo chung:

– Mọi người nên che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

– Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

– Tăng cường thông khí nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế… bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

– Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn khác.

– Tăng cường sức khỏe bằng tập thể dục đều đặn, ăn uống đủ chất, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.

– Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử trí kịp thời./.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Doãn Quan (thực hiện)

 

 

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: