Hỏi đáp về bệnh đái tháo đường: Vấn đề chẩn đoán phát hiện bệnh

Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là nhóm bệnh về chuyển hóa, có đặc trưng là tình trạng tăng glucose trong máu, bệnh đã được ghi nhận từ khoảng 1500 năm trước Công nguyên, ban đầu chỉ được biết như một tình trạng tiểu nhiều và nước tiểu có vị ngọt, ngày nay đã biết nước tiểu ngọt là do đường glucose. Đường máu tăng cao kéo dài gây nên nhiều biến chứng ở nhiều cơ quan như tim, tai biến mạch não, mù mắt, suy thận, thương tổn thần kinh, sinh dục…

Xin cho biết tình hình bệnh ĐTĐ hiện nay?

          Cách đây hơn 20 năm tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ ở Việt nam khoảng 1- 2,5%, thống kê gần đây tỷ lệ chung toàn quốc là 5,42%, tỷ lệ tăng cao ở những thành phố có mức sống cao, đáng lưu ý có khoảng hơn một nửa bệnh nhân ĐTĐ không được chẩn đoán, nghĩa là bệnh nhân không biết mình đã bị bệnh, và không được điều trị. Trên thế giới theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới hiện nay có hơn 300 triệu bệnh nhân ĐTĐ, dự kiến đến năm 2030, cả thể giới sẽ có hơn nửa tỷ bệnh nhân ĐTĐ, bệnh gia tăng nhanh ở các nước có mức thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Có mấy loại bệnh ĐTĐ ?

          Có 4 nhóm ĐTĐ đó là:

–         ĐTĐ típ 1: thường ở người trẻ, gầy, triệu chứng uống nhiều, tiều nhiều, sút cân rõ, điều trị cần được chích insulin sớm, típ này chiếm khoảng gần 10% của số bệnh nhân ĐTĐ.

–         ĐTĐ típ 2: thường ở người > 40 tuổi, thừa cân, béo phì, triệu chứng không rõ như típ 1, điều trị dựa vào ăn kiêng, thể dục và thuốc uống (về lâu dài cũng có thể cần chích insulin). Típ này chiếm khoảng 90% tổng số bệnh nhân ĐTĐ.*

–         ĐTĐ thai kỳ: bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, không hoàn toàn giống với bệnh ĐTĐ thật sự (cần phân biệt ĐTĐ thai kỳ với bệnh nhân ĐTĐ mang thai)

–         Các típ đặc thù khác: ĐTĐ do di truyền, típ MODY, do tổn thương tụy ngoại tiết, do thuốc…

* Tránh ngộ nhận típ 2 nặng hơn típ 1, tuy nhiên nói chung típ 1 thường có tiên lượng xấu hơn típ 2.

Có triệu chứng gì gợi ý để biết mình bị ĐTĐ hay không?

          Để chẩn đoán ĐTĐ bắt buộc phải xét nghiệm máu. Các triệu chứng lâm sàng chỉ để tham khảo, triệu chứng đầy đủ của ĐTĐ gồm uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân, ăn nhiều, mờ mắt. Tuy nhiên các triệu chứng này chỉ rõ ở típ 1, riêng với típ 2 thường không có triệu chứng gì rõ làm bệnh nhân chủ quan đó là lý do có đến hơn ½ số bệnh nhân bị bỏ sót, và khá nhiều bệnh nhân nhập viện vì biến chứng của ĐTĐ như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, nhiễm trùng, hôn mê…bệnh chính ĐTĐ lúc đó mới được chẩn đoán, nghĩa là đã muộn.

Thế tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ như thế nào ?

 ĐTĐ được chẩn đoán khi thoả mãn 1 trong 4 điều kiện sau:

+ Glucose huyết tương lúc đói (ít nhất sau 8 giờ không ăn) ≥ 126 mg/dL (7 mmol/L), hoặc:

+ Glucose huyết tương 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose (uống nhanh trong 5 phút 75 g glucose hoà 200 mL nước)   ≥ 200 mg/dL (11,1 mmol/L).

+ HbA1C ≥ 6,5%, hoặc:

+ Glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) kèm triệu chứng lâm sàng cổ điển: Tiểu nhiều, uống nhiều, sút cân.

 Để chắc chắn chẩn đoán, ngoại trừ tiêu chuẩn glucose huyết tương bất kỳ kèm triệu chứng lâm sàng cổ điển, riêng với 3 tiêu chuẩn còn lại nếu glucose không tăng thật sự rõ, cần được xét nghiệm lại lần thứ 2 cách lần đầu ít nhất 24 giờ, xét nghiệm lần thứ hai không bắt buộc phải làm lại như lần đầu mà có thể chọn 1 trong 4 xét nghiệm, chẩn đoán được xác định khi cả 2 lần đều đạt tiêu chuẩn chẩn đoán.

Khi nào thì nên xét nghiệm máu để chẩn đoán ĐTĐ ?

          Với típ 1 phát bệnh thường rõ, riêng típ 2, khuyến cáo nên xét nghiệm từ tuổi 45,  với những người thừa cân (BMI ≥ 23kg/m2) nên xét nghiệm ngay dù bất kỳ tuổi nào, nếu kết quả bình thường cần xét nghiệm lại mỗi 3 năm.

Xin cho biết những ai dễ bị mắc bệnh ĐTĐ ?

Theo thống kê có 8 yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ như sau:

– Tiền sử đã bị “Tiền ĐTĐ” (giảm dung nạp glucose hoặc rối loạn glucose lúc đói).

– Tiền sử gia đình ĐTĐ.

– Béo phì (nhất là béo bụng).

– Từ 45 tuổi trở lên.

– Tăng huyết áp và/hoặc rối loạn mỡ máu.

– Tiền sử ĐTĐ thai kỳ.

– Mẹ có tiền sử sinh con nặng ≥ 4kg.

– Chủng tộc (người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa, người trên các đảo thuộc Thái Bình Dương).

Ngoài ra các yếu tố sau đây cũng là những điều kiện thuận lợi dẫn đến ĐTĐ típ 2:

– Ít vân động.

– Stress.

– Thói quen ăn nhiều thức ăn giàu đường.

– Các thuốc làm tăng glucose máu (cortisol…). 

Như vậy ngoại trừ các yếu tố về di truyền, về tiền sử, tuổi tác… có nhiều yếu tố nguy cơ chủ quan có thể phòng bệnh như tránh thừa cân béo phì, thói quen ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục…có thể góp phần quan trọng trong phòng bệnh ĐTĐ.

Có thể chữa lành bệnh ĐTĐ không ?

Cần nới ngay không thể chữa lành bệnh ĐTĐ, tuy nhiên nếu chữa trị tốt, glucose máu được kiểm soát ở giới hạn cho phép, bệnh nhân sẽ có cuộc sống không thua kém người bình thường. Cần nói thêm, với ĐTĐ típ 2 không nặng, có hơn 10% bệnh nhân chỉ cần ăn kiêng và tập thể dục không cần dùng thuốc glucose máu cũng đạt mức yêu cầu, nhưng không thể nói bệnh lành. Nói thế cũng có nghĩa, để chữa bệnh ĐTĐ cần 3 biện pháp: Ăn kiêng, thể dục và dùng thuốc.

GS.TS.BS. Trần Hữu Dàng

Chủ tịch Hội Nội Tiết – Đái tháo đường tỉnh Thừa Thiên Huế

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: