Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế (31/01/2008)

Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên – Huế, một thành viên tích cực của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, có nhiều hoạt động đem lại những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2007 vừa qua.

 

Trong năm 2007, Hội đã hoàn thành bản thảo đề tài cấp tỉnh: Địa chí Dân cư và Hành chính Thừa Thiên Huế, sắp được nghiệm thu vào thời gian tới. Đây là công trình thứ hai về địa chí mà Hội đã tổ chức biên soạn cho tỉnh. Hội đã triển khai thực hiện một đề tài cấp tỉnh khác: Nghiên cứu, xác lập ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng trên địa bản tỉnh Thừa Thiên Huế do Sở VHTT chủ trì. Với hai công trình đó, Hội đã huy động được công sức, trí tuệ của nhiều cán bộ, hội viên trong thời gian khá dài. Một công trình khác rất có giá trị mà hội đã thực hiện là xây dựng hồ sơ về Tiểu sử ông Trần Văn Đỗ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thừa Thiên giai đoạn 1952-1954, đề nghị UBND tỉnh và các ngành, các cấp thực hiện chế độ, khen thưởng và ghi tên ông vào quỹ đặt tên đường phố.

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Sở VHTT, UBND huyện Phong Điền tổ chức tọa đàm 60 năm Chiến khu Hoà Mỹ; phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin tổ chức lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh của nhà chí sĩ Phan Bội Châu và xúc tiến dự án Nhà lưu niệm Tố Hữu. Hội còn lập kế hoạch triển khai chương trình sưu tầm tài liệu, hiện vật thời Tây Sơn nhằm phục vụ Khu di tích Núi Bân, chuẩn bị lễ hội Festival Huế năm 2008¦

Không chỉ đóng góp vào các sự kiện sử học ở Thừa Thiên Huế, Hội còn có những đóng góp cho các tỉnh khác ở miền Trung như chủ trì biên soạn Lịch sử tỉnh Phú Yên thế kỷ XIX. Đến nay, công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh này đã hoàn thành bản thảo.

Hội đã phối hợp tổ chức hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường của giới sử học nước ta trong dịp lễ khánh thành đền thờ Nguyễn Văn Tường, soạn thảo văn bia Nguyễn Văn Tường và tổ chức lễ trao tặng bia Nguyễn Văn Tường cho địa phương và gia đình tại Quảng Trị.

Ngoài ra, Hội đã phối hợp tổ chức giao lưu về Một số vấn đề sử học Việt Nam hiện nay giữa GS. Đinh Xuân Lâm và Nhà Sử học Dương Trung Quốc với các nhà nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế.

Không chỉ dừng lại ở những hoạt động trên, Hội đã làm tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Cụ thể là, trong năm qua, Hội đã tổ chức góp ý và gửi văn bản tổng hợp các ý kiến góp ý cho Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020; Giám định kết quả điều tra khảo cổ học khu 85 Nguyễn Chí Diễu do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện; Giám định dự án Bảo tồn tu bổ tôn tạo khu di tích lăng Khải Định do Viện Khoa học xây dựng Miền Trung thực hiện; Giám định dự án Bảo tồn tu bổ khu di tích lăng Đồng Khánh do Công ty Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương (Bộ VHTT) thực hiện; Phản biện Bản Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích thành Hoàng Đế tỉnh Bình Định do Viện Khoa học xây dựng Miền Trung thực hiện;  Tư vấn về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn và Cố đô Huế; Thẩm định dự án xếp hạng Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế; Tư vấn lập hồ sơ xếp hạng làng cổ Phước Tích do Sở VHTT chủ trì; Góp ý, nhận xét bản thảo Lịch sử Hội nông dân Thừa Thiên Huế (1930 -2005) của Hội Nông dân tỉnh; Góp ý, nhận xét bản thảo Lịch sử công tác Tuyên giáo Thừa Thiên Huế (1930-2005) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế¦

Trong năm 2007, mặc dù gặp khó khăn về kinh phí nhưng Hội đã duy trì xuất bản đúng kỳ hạn 6 số tạp chí Huế xưa và Nay, đưa số tạp chí đã xuất bản lên 84 số. Hội đã xuất bản sách Nguyễn Văn Tường: cuộc đời và lời giải, NXB VHTT, 2007, 340 trang, 800 cuốn. Đây là kết quả phối hợp hoạt động khoa học của Hội với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Huế từ năm 2002. Ngoài ra, Hội đã phối hợp làm phim về Danh tướng Nguyễn Tri PhươngTôn Thất Thuyết để đưa vào chuyên mục Danh nhân đất Việt theo yêu cầu của đài VTV1.

Trong quan hệ đối ngoại, Hội đã làm việc với đoàn Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Washington do GS.TS. Christoph Giebel phụ trách nhằm tăng cường hiểu biết về  Huế và Triều Nguyễn.

Bên cạnh những thành tích đạt được, trong năm qua, Hội còn có những việc chưa hoàn thành như chưa triển khai thành lập được Trung tâm Tư vấn và giám định Sử học và Trung tâm Phan Bội Châu, công tác sưu tầm tư liệu và hiện vật về Phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung đạt hiệu quả chưa cao…

Trong phương hướng hoạt động năm 2008, Hội chủ trương đẩy mạnh những hoạt động cụ thể như vận động phát triển hội viên; sưu tầm tư liệu và hiện vật về Phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung; tham gia Hội thảo khoa học Phong trào chống thuế Trung kỳ năm 1908 và vai trò của Nguyễn Tất Thành tại Huế; tham gia hội thảo khoa học về Thành tựu nghiên cứu lịch sử và di sản văn hóa thời Tây Sơn nhân dịp Festival 2008; phối hợp tổ chức hội thảo về Nguyễn Hoàng và vai trò các chúa Nguyễn trong lịch sử dân tộc; tổ chức Hội thảo khoa học Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Chí Diễu; Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), nhân kỷ niệm 100 sinh (1/10/1908 – 1/10/2008); Tìm nguồn kinh phí để xuất bản hai tập kỷ yếu hội thảo Việt Nam – 100 năm phong trào Đông Du 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế; Chuẩn bị xuất bản tập sách Vương Hồng; một cuộc đời, một tấm lòng và sự nghiệp văn hóa...Tích cực chuẩn bị để thành lập Trung tâm tư vấn và giám định Sử học, Trung tâm Phan Bội Châu và Nhà Bảo tàng Phan Bội Châu. 

 Nguyễn Văn Quế

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: