Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế nỗ lực vươn tầm khu vực và quốc tế

  • Đinh Văn Chung
  • 04-12-2016
  • 554 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Bệnh ung thư đang là một trong những gánh nặng y tế toàn cầu. Theo Báo cáo ung thư thế giới mới nhất (2014), ước tính mỗi năm trên thế giới có trên 14 triệu người mắc và trên 8 triệu cas tử vong do ung thư. Các số liệu này dự đoán sẽ tăng 70% trong vòng 20 năm tới. Điều đáng lưu ý là 60% số cas ung thư và 70% các cas tử vong do ung thư xảy ra ở các nước châu Á, châu Phi, và Mỹ La tinh. Riêng tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 150.000 trường hợp mới mắc và 70.000 trường hợp tử vong do ung thư.

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị khoa học phòng chống Ung thư thường niên năm 2016

Mặc dù chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ung thư đã được triển khai từ nhiều năm nay và bước đầu đạt được một số thành quả đáng khích lệ, tuy vậy cuộc chiến chống lại căn bệnh ác tính này vẫn tiếp tục là một thách thức lớn cho toàn ngành y tế Việt Nam. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trung tâm, khoa ung bướu trên toàn quốc là một thực tế bức bách chưa thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.

Hội nghị Khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế được diễn ra định kỳ vào hai ngày: thứ 5 và thứ 6 tuần cuối cùng của tháng 8 hàng năm, do Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp tổ chức. Được sự ủng hộ của Hội Ung thư Việt Nam, hội nghị này nằm trong nỗ lực của toàn ngành y tế nói chung và chuyên ngành Ung bướu nói riêng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Ung Bướu Huế.

Các chuyên đề của hội nghị thay đổi từng năm, tùy thuộc vào mức độ phổ biến, tính cấp bách và phức tạp của từng loại bệnh ung thư. Chuyên đề Hội nghị năm 2016 là “Ung thư tiêu hóa- Vú- Phụ khoa, Xạ trị, Chăm sóc giảm nhẹ và Nhi khoa” đã gần như phản ảnh toàn diện bức tranh phòng chống ung thư hiện nay, trong đó nổi bật là các bệnh ung thư ở trẻ em và những vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư ngày càng được quan tâm thích đáng.

Mỗi lần hội nghị, ban tổ chức thường xuyên nhận được hơn 100 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, thể hiện sự quan tâm nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các chuyên gia, đồng nghiệp đối với chuyên ngành, không chỉ từ các bệnh viện, trung tâm lớn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ… mà còn từ các khoa ung bướu của các bệnh viện tuyến tỉnh. Chính vì vậy hội nghị trở thành cơ hội quí báu để các đồng nghiệp ở mọi miền đất nước cùng các chuyên gia uy tín nước ngoài gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cũng như cập nhật những thành tựu mới nhất trong phòng chống bệnh ung thư.

Có hai điểm tạo nên sự khác biệt của Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế, đó là:

Thứ nhất, hội nghị luôn có sự tham gia tích cực của các hiệp hội phòng chống ung thư và các chuyên gia ung bướu uy tín trên thế giới. Đặc biệt, Hiệp hội Ung bướu học lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) hàng năm đều cử các chuyên gia uy tín và giàu kinh nghiệm nhất đến tham dự hội nghị, thông qua dự án tình nguyện viên y tế nước ngoài (HVO) mà đứng đầu là giáo sư David Goldstein, người mới đây vinh dự đón nhận Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp y tế Việt Nam do Bộ Y tế trao tặng vì những đóng góp tích cực và hiệu quả của ông cho chương trình phòng chống ung thư ở Việt Nam. Bên cạnh đó Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á (ACCL) do bà Kazuyo Watanabe, sáng lập viên và chủ tịch, cũng có những hỗ trợ kịp thời không chỉ cho hội nghị hàng năm mà còn thường xuyên cho các hoạt động điều trị và chăm sóc bệnh nhi ung thư. Đặc biệt tại hội nghị 2016, một đội ngũ hùng hậu gồm 30 chuyên gia của Mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ châu Á- Thái Bình Dương (APHN) do phó giáo sư Cynthia Ruth Goh- Fung làm chủ tịch cũng đã đến Huế để tham gia hội nghị và tập huấn, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư cho cán bộ và nhân viên y tế

Thứ hai, luôn luôn đi kèm với hội nghị là chương trình tập huấn “tiền hội nghị”: điều trị ung thư đa chuyên khoa, tập trung vào các loại bệnh ung thư phổ biến và gặp nhiều thách thức trong điều trị. Tại các phiên tập huấn, các chuyên gia tập trung “mổ xẻ” từng bệnh nhân cụ thể, với sự cố vấn của các chuyên gia quốc tế, đánh giá toàn diện lâm sàng và cận lâm sàng và cuối cùng đưa ra một kế hoạch điều trị chuẩn, phù hợp với xu hướng cá thể hóa (personalising) trong điều trị ung thư hiện nay. Chính chương trình tập huấn này luôn đặc biệt thu hút sự quan tâm của các đồng nghiệp chuyên ngành ung bướu trên cả nước vì tính hiệu quả và chất lượng rõ ràng. Đồng thời các chương trình tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa đã giúp khởi động, chuyển giao và phát huy mô hình các “Ban khối u” (Tumour Board) vốn đã được thực hiện thường quy tại các trung tâm điều trị ung thư lớn trên thế giới, góp phần đạt đến kết quả điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế năm 2016 diễn ra vào đúng thời điểm Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế chính thức đi vào hoạt động gồm 500 giường bệnh, với đầy đủ các trang thiết bị, hiện đại và chuyên nghiệp, sẵn sàng là trung tâm chăm sóc và điều trị ung thư chất lượng cao, hàng đầu cho cả khu vực miền Trung- Tây Nguyên và cả nước, đúng như sứ mệnh to lớn mà nó đã gánh vác trong suốt chặng đường phát triển 20 năm qua.

PGS.TS. Phạm Như Hiệp

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM