Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị: Chặng đường đầu có nhiều khởi sắc (05/06/2012)

Ngày 02/6, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị (Hội QHPTĐT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2012 – 2017. Đại hội là dấu mốc quan trọng, đánh dấu chặng đường đầu (2007 – 2012) có nhiều khởi sắc trong hoạt động hội.

Nhiều đóng góp cho quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn

Trong 5 năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị, quy hoạch phát triển nông thôn mới. Hội đã tập hợp được nhiều chuyên gia trong và ngoài tỉnh tham gia nhiều ý kiến thiết thực, có giá trị, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương như Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị – ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận tại đại hội.

Điều đó cũng đã được ghi nhận trong Báo cáo tổng kết, đánh giá hoạt động hội giai đoạn 2007 đến 2012, do Chủ tịch Hội, kỹ sư Nguyễn Việt Tiến, trình bày. Theo báo cáo, Hội đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội. Hầu hết các dự án, đề án quy hoạch như quy hoạch kinh tế – xã hội bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế, quy hoạch chung thị trấn Tứ Hạ, phường Phú Bài, huyện lỵ Phú Đa, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, Dự án tổ chức trung tâm hoạt động khai thác du lịch Huế xưa – Huế nay, công trình xây dựng tại 20 Phạm Ngũ Lão và 60 Bến Nghé ở thành phố Huế,…, đều có cán bộ chuyên môn của Hội trực tiếp tham gia ý kiến, trong đó, có nhiều ý kiến hay, giúp nâng cao chất lượng các quy hoạch. Công ty Tư vấn thiết kế kiến trúc quy hoạch và phát triển đô thị thuộc Hội đã tư vấn quy hoạch phát triển nông thôn mới cho 6 xã. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về quy hoạch đô thị, thu hút nhiều nhà chuyên môn trong và ngoài tỉnh tham dự, đóng góp nhiều ý kiến bổ ích, thiết thực. Tọa đàm Xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 theo Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị do Hội tổ chức thu hút nhiều cán bộ, hội viên tham gia. Buổi tọa đàm đã đề xuất nhiều ý kiến được tỉnh ghi nhận đánh giá cao. Hội đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và Sở Xây dựng làm rất tốt công tác chuẩn bị để UBND tỉnh và Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức thành công tọa đàm Quy hoạch, bảo tồn, phát triển đô thị Thừa Thiên Huế – Các giải pháp thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị. Hội đã trực tiếp phản biện một đồ án quy hoạch và tham gia cùng với Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh phản biện có chất lượng đề án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Quy hoạch cát sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch cao cấp tại cồn Hến.

Nhờ những đóng góp tích cực cho quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn mà vị thế của hội được nâng lên. Đồng thời, Hội đã được UBND tỉnh tặng bằng khen và đang được UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Toàn cảnh Đại hội

{C}{C}{C}

Đ/c Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Đại hội

{C}{C}{C}{C}

TS Đỗ Nam – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phát biểu tại Đại hội

{C}{C}{C}

Ban chấp hành  nhiệm kỳ mới ra mắt.

Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động

 

Từ  118 hội viên ban đầu, đến nay, Hội có 180 hội viên cá nhân, 15 hội viên tập thể, một đơn vị trực thuộc là Công ty Tư vấn thiết kế kiến trúc quy hoạch. Điều quan trọng là, Hội đã tập hợp được đội ngũ hội viên không những có trình độ chuyên môn cao, mà còn tâm huyết đối với hoạt động của Hội, tiêu biểu là các thành viên trong Ban Chấp hành, đứng đầu là chủ tịch Hội – kỹ sư Nguyễn Việt Tiến. Đã từng là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố, cấp sở lâu năm, kỹ sư Tiến chia sẻ: Làm công tác hội không thể dùng mệnh lệnh hành chính như khi còn làm ở cơ quan quản lý nhà nước, mà phải vận động, thuyết phục và phải biết hy sinh thời gian, trí tuệ và công sức. Trong điều kiện làm việc ba không, không lương, không có biên chế, không có kinh phí, nhưng cán bộ và hội viên vẫn nhiệt tình đối với các hoạt động của Hội. Vấn đề là phải biết tổ chức các hoạt động phù hợp, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chuyên môn, ông Tiến cho biết.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội trong thời gian đến, Hội cần chú trọng phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh chủ động làm tốt hơn nữa hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đồ án quy hoạch phát triển của tỉnh và tham mưu cho tỉnh cơ chế tài chính trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội – Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Cao, gợi ý.

Cùng quan điểm với ông Cao, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong nhiệm kỳ đến, Hội cần quan tâm nhiều hơn đến hoạt động phản biện, đặc biệt là phản biện các đề án, quy hoạch, kế hoạch đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Chính còn mong rằng, Hội QHPTĐT Thừa Thiên – Huế cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để không những nâng cao vị thế của mình trong tỉnh, mà còn trở thành hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của các hội QHPTĐT miền Trung và Tây Nguyên.

Cũng quan tâm nhiều đến hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội, TS Đỗ Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho rằng, Hội cần chủ động đề xuất nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội, chứ không thụ động chờ tỉnh giao. Ngoài ra, Hội cần đẩy mạnh hoạt động thông tin phổ biến kiến thức về quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý đô thị cấp phường, xã.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo quý giá trên, Nghị quyết Đại hội đã khẳng định: trong nhiệm kỳ mới, Hội tiếp tục củng cố tổ chức, phát triển hội viên, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trước hết là, chủ động đề xuất để được giao, đồng thời sẵn sàng nhận và hoàn thành có hiệu quả nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội đối với các dự án, đề án do các cơ quan có thẩm quyền giao. Bên cạnh đó, Hội sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức chuyên ngành bằng cách nâng cao chất lượng bản tin in, tổ chức, phối hợp tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, hội nghị chuyên đề cập nhật kiến thức chuyên ngành cho cán bộ, hội viên, tham gia xây dựng các luật, văn bản dưới luật có liên quan đến công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý, phát triển đô thị,¦Một trong những giải pháp được các đại biểu tham dự đại hội nhất trí cao là Hội sẽ tăng cường tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của Hội QHPTĐT Việt Nam, của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các hội trong tỉnh và các địa phương khác.

Với sự thống nhất cao, Đại hội đã bầu BCH khóa mới gồm 39 thành viên, Ban Thường vụ gồm 13 thành viên, trong đó có 5 Phó Chủ tịch, kỹ sư Nguyễn Việt Tiến được tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch Hội. Đây chính là đầu tàu, là yếu tố quan trọng nhất để đưa Hội không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động trong chặng đường mới.


Bài và ảnh: Nguyễn Văn Quế 

 

Nguồn:  

Các bài viết khác: