Hội thảo khoa học “Biến cố kinh đô Huế và phong trào Cần Vương” (21/07/2015)

Ngày  21/7, tại khách sạn Midtown, thành phố Huế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học “Biến cố kinh đô Huế và phong trào Cần Vương”. Các đồng chí: Nguyễn Khoa Điềm – Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa trung ương; Nguyễn Dung – Phó chủ tịch UBND tỉnh và gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong cả nước đã đến dự.

PGS.TS. Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Biến cố kinh đô Huế năm 1885 là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, kết thúc thời kỳ quân chủ kéo dài 458 năm của các vương triều phong kiến Việt Nam (1427-1885), chấm dứt vai trò nhà Nguyễn với tư cách là một nhà nước có chủ quyền thực hiện cuộc chống Pháp và mở ra một phong trào nước của nhân dân rộng khắp, kéo dài hơn 10 năm dưới danh nghĩa Cần Vương. Sự kiện Huế năm 1885 xứng đáng trở thành mốc lịch sử mở đầu thời kỳ cận đại của Việt Nam.

Đến từ Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, ThS. Lưu Anh Rô nhận định: Cuộc chính biến kinh thành Huế đã để lại một di chứng vô cùng to lớn với đất nước ta, nó là nổi kinh hoàng của người Huế khi nhớ lại, nhưng cũng là một trận chiến có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử chống Tây xâm lược của dân tộc, nó cho thấy đây là trận kháng cự cuối cùng, được dẫn dắt, lãnh đạo bởi chính quyền trung ương nhà Nguyễn.

Trình bày tham luận, TS. Lê Hữu Phước – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Xét về nguyên nhân sâu xa, phong trào Cần Vương xuất phát từ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, là sự tiếp nối truyền thống quật cường của dân tộc. Với quy mô rộng lớn, thời gian tồn tại lâu dài, sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân…là những minh chứng cho thấy phong trào Cần Vương là một phong trào yêu nước nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc.

Tại hội thảo đã có 23 báo cáo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Học viện Chính trị… được trình bày, đây là hội thảo có quy mô quốc gia đầu tiên về một chủ đề vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn đối với Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trên cả nước.

 

Doãn Quan

 

Người cập nhật: Nguyễn Doãn Quan

Các bài viết khác: