Hội thảo Thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (22/04/2014)

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD), Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế) và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp tổ chức hội thảo “Thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng – PFES”, tại thành phố Huế, ngày 11/4/2014.

Mục tiêu của hội thảo, nhằm: (1) Chia sẻ các kinh nghiệm trong việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các tỉnh đã và đang thực hiện. (2) Tham vấn ý kiến của các bên liên quan cho lộ trình xây dựng cơ chế và hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Hội thảo đã quy tụ gần 60 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành và tổ chức trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên – Huế, tổ chức WWF, tổ chức Tropenbos và đại diện các cộng đồng đang tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Thừa Thiên – Huế.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế triển khai PFES ở các địa phương và nhất trí thông qua bản thông điệp chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thông điệp sẽ được gửi đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các sở ban ngành liên quan trong tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm cung cấp thông tin, giúp tỉnh sớm triển khai lộ trình chi trả dịch vụ môi trường cho các cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ rừng. Thông điệp này cũng sẽ được chuyển đến các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các tổ chức phát triển, các cơ quan nghiên cứu trong nước để có thêm thông tin hỗ trợ tiến trình chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tiếp cận đất và quản lý bền vững cho cộng đồng người nghèo và dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên – Huế” do tổ chức ICCO tài trợ.

 

Thông điệp chính sách, các bài học và kinh nghiệm thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường (PFES)

1. Nguồn thu nhập mà người dân và các chủ rừng khác nhận được từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường này sẽ là nguồn thu khá khiêm tốn. Vì vậy cần tuyên truyền về bản chất của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đến người dân và các chủ rừng để họ hiểu rằng nguồn thu từ chính sách này chỉ đóng vai trò như nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển sinh kế. Việc gắn kết việc chi trả dịch vụ môi trường rừng với các chương trình phát triển sinh kế khác là hết sức cần thiết nhằm tạo thêm thu nhập bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

2. Mức thu phí dịch vụ môi trường rừng từ các công ty thủy điện và đơn vị sử dụng nước nên tăng theo tỷ lệ thuận với giá bán điện và nước nhằm cải thiện mức chi trả cho người cung cấp dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là các cộng đồng người dân tham gia bảo vệ rừng đầu nguồn.

3. Các nguồn thu cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần được đa dạng hóa và có lộ trình thí điểm các nguồn thu này thông qua các hình thức khác nhau như chương trình REDD+, phí dịch vụ du lịch sinh thái, các dịch vụ khác có sử dụng nước, giá trị gia tăng từ rừng trồng.

4. Quyền quản lý và sử dụng đất/rừng là điều kiện tiên quyết cho việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Vì vậy, Đề án Giao đất giao rừng, đặc biệt đối với diện tích rừng thuộc các lưu vực sông cần được đẩy nhanh tiến độ nhằm tạo cơ sở cho việc thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

5. Cần tăng cường tính minh bạch trong việc thu và chi của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Điều này sẽ giúp tăng cường tính trách nhiệm giải trình của Quỹ đối với các bên liên quan, đặc biệt là giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ môi trường rừng.

6. Chi phí và thời gian dành cho việc rà soát diện tích và ranh giới rừng có thể giảm đi bằng việc tận dụng hồ sơ giao đất giao rừng từ các chương trình trước đây như chương trình 327, chương trình 661 và các chương trình có hợp phần giao đất giao rừng khác.

7. Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành để hỗ trợ nhau trong việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng như có cơ chế để các bên giám sát lẫn nhau trong quá trình thực hiện.

8. Cần tìm hiểu khả năng xây dựng cơ chế phối kết hợp với các cơ quan thuế để tiến hành thu phí chi trả dịch vụ môi trường rừng.

9. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần phối hợp và đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện để  ban hành chế tài và cách thức xử phạt nghiêm khắc đối với các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (nhà máy thuỷ điện, nhà máy cung cấp nước) chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình.

10. Đối với việc thiếu các nguồn kinh phí cho các hoạt động thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng như rà soát diện tích rừng, có thể tận dụng nguồn kinh phí trồng bù lại rừng từ các nhà máy thủy điện chưa được sử dụng do thiếu quỹ đất trồng rừng.

11. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên – Huế nên thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng tại thị xã Hương Trà và huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế với sự cam kết hỗ trợ của chính quyền địa phương và các các trung tâm phát triển.

 

Nguyễn Văn Quế 

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: