Nếu Quý vị có điều gì cần tư vấn về khoa học công nghệ, xin vui lòng đặt câu hỏi tại đây. Vui lòng bấm vào câu hỏi để xem nội dung trả lời.
Hỏi:Làm thế nào để sử dụng phân thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả trong sản xuất rau?
nguyen van bay (vanbay12@yahoo.com) – 01/10/2014


Trả lời: Trên thị trường hiện nay có hàng ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được cho phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam của rất nhiều hảng thuốc trong và ngoài nước. Việc sử dụng thuốc BVTV đúng mục đích và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả tốt trong quản lý dịch hại cây trồng, bảo vệ nông sản phẩm, ngược lại,  nếu sử dụng không đúng sẽ gây hậu quả rất khó lường. Vì vậy, khi sử dụng thuốc trong sản xuất rau an toàn cần phải có kiến thức nhất định để ngăn ngừa hoặc hạn chế tác hại của thuốc có thể gây nên đối với chính bản thân người trồng rau, người tiêu dùng, môi trường sống, đồng thời phát huy những mặt tích cực của thuốc. Để sử dụng thuốc BVTV an toàn, có hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp sau:

1) Chỉ sử dụng các loại thuốc rõ nguồn gốc và nằm trong danh mục thuốc cho phép được sử dụng trong sản xuất rau an toàn:

2) Nên sử dụng thuốc BVTV khi thực sự cần thiết: Cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp đối với sản xuất rau an toàn. Thường xuyên kiểm tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng để quyết định có cần dùng thuốc hay không. Không nên phun thuốc định kỳ nhiều lần mà không dựa vào tình hình dịch hại. Điều này gây nên sự lãng phí và cũng là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng “kháng thuốc” của dịch hại. Việc sử dụng thuốc chỉ thực sự đạt hiệu quả về mặt kinh tế và kỹ thuật khi sinh vật hại đã phát triển đến ngưỡng gây hại hoặc ngưỡng kinh tế. Ngưỡng gây hại là mức độ của dịch hại bắt đầu làm tổn thương đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cây trồng. Ngưỡng kinh tế là mức độ dịch hại mà khi đó nếu tiến hành các biện pháp phòng trừ thì chi phí bỏ ra phải ít hơn hoặc bằng với giá trị sản phẩm thu lại được do kết quả của việc phòng trừ. Cần sớm phát hiện ổ dich để bao vay, xử lý sớm.

3) Áp dụng kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”

– Một là “đúng thuốc”: Nên chọn sử dụng loại thuốc có hiệu quả cao với loại dịch hại cần trừ, ít độc hại với người, môi trường và thiên địch. Tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng, thuốc đã bị cấm sử dụng, thực hiện đúng các quy định đối với thuốc hạn chế sử dụng.

– Hai là “đúng lúc”: Nên sử dụng thuốc khi dịch hại phát triển tới ngưỡng gây hại, khi sâu đang còn nhỏ (tuổi 2, 3). Khi thiên địch đang tích lũy và phát triển, cần thận trọng trong việc dùng thuốc. Không phun thuốc khi trời đang nắng nóng, khi đang có gió lớn, sắp mưa, khi cây đang nở hoa thụ phấn.

– Ba là “đúng liều lượng và nồng độ”: Lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích và độ pha loãng của thuốc cần được thực hiện theo đúng chỉ dẫn trên nhãn thuốc. Việc tăng, giảm liều lượng và nồng độ không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng “kháng thuốc” của dịch hại.

– Bốn là “đúng cách”: Cần phun rải đều và chú ý những nơi sâu, bệnh tập trung nhiều. Thuốc dùng để rải xuống đất không hòa nước để phun. Với thuốc trừ cỏ không nên phun trùng lặp.

4) Dùng hỗn hợp thuốc: Là pha chung 2 hoặc nhiều loại thuốc trong một bình phun nhằm tăng hiệu lực phòng trừ do hiệu quả bổ sung cho nhau, để có một hỗn hợp thuốc mang nhiều ưu điểm hơn, phòng trừ cao hơn khi dùng riêng lẻ. Ngoài ra, việc hỗn hợp thuốc còn có thể mở rộng phổ tác dụng và giảm số lần phun thuốc. Tuy nhiên, việc hỗn hợp thuốc cần yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Nếu chưa rõ tính năng tác dụng thì không nên hỗn hợp.

5) Sử dụng luân phiên thuốc: Là thay đổi loại thuốc giữa các lần phun khi phòng trừ cùng một một đối tượng dịch hại. Mục đích chính là ngăn ngừa sự hình thành tính chống thuốc của dịch hại, giữ được hiệu quả lâu dài của thuốc.

6) Kết hợp dùng thuốc với các biện pháp khác trong hệ thống biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp

Gieo trồng các giống cây kháng sâu bệnh, bảo đảm yêu cầu phân bón và nước thích hợp, tận dụng các biện pháp thủ công (bắt tay, bẫy bã…). Chú ý bảo vệ thiên địch khi dùng thuốc.

7) Đảm bảo thời gian cách ly theo hướng dẫn và khuyến cáo trên bao bì.

Ngô Trí – Hồ Thành

 

Các bài viết khác: