Thuỷ điện Bình Điền và việc thực hiện các cam kết giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sau hơn 3 năm hoạt động

Công trình Thuỷ điện Bình Điền (TĐBĐ) được khởi công xây dựng ngày 29/01/2005 tại xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế và đưa vào tích nước ngày 01/08/2008 và hòa vào lưới điện quốc gia ngày 20/05/2009. Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, TĐBĐ đã có một số tác động tích cực và tiêu cực đến môi trường.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng từ khi TĐBĐ đi vào hoạt động cho đến nay đã góp phần vào việc cắt lũ tiểu mãn, giảm lũ chính vụ cho lưu vực sông Hương và tính đến thời điểm tháng 06/2012, thủy điện này đã hòa vào lưới điện Quốc gia 553 triệu kW. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, TĐBĐ đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường như đã cam kết trong “Đánh giá tác động môi trường công trình TĐBĐ (ĐTM)”. Đáng chú ý: Công ty TĐ BĐ thực hiện công tác vệ sinh lòng hồ và xử lý chất thải chưa tốt, chưa quan trắc đầy đủ các yếu tố khí tượng. Số lượng các thông số được quan trắc thực tế ít hơn so với cam kết trong ĐTM; Số lượng các điểm được quan trắc môi trường nước thực tế ít hơn so với đề nghị của ĐTM; Số lượng các thông số chất lượng nước được quan trắc thực tế tại hồ ít hơn so với cam kết trong ĐTM và ít hơn so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các biện pháp giảm thiểu tác động tới thủy sinh vật, nghề cá chưa tốt, chưa thực hiện việc giám sát môi trường sinh thái như đã cam kết trong ĐTM. Việc không thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường của TĐBĐ đã gây ra một số tác động đến môi trường. Đáng chú ý là: Làm giảm nguồn cung cấp cát sạn xây dựng và tác động đến thủy sinh vật và nghề cá trên sông Hương, làm giảm 50 – 70 % sản lượng cá đánh bắt được trong thời gian gần đây (2011, 2012) so với thời gian trước khi xây đập. Một số loài cá có giá trị kinh tế cao như cá Xanh, cá Lấu, cá Chình đã giảm đi hơn 90 % so với trước năm 2009; 100 % các lồng cá nuôi trên sông Hương đều bị chết và đến nay hầu hết hoạt động nuôi cá lồng trên sông Hương không còn nữa.

1. Giới thiệu

Công trình TĐ BĐ được khởi công xây dựng ngày 29/01/2005 tại xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế và đưa vào tích nước ngày 01/08/2008 và hòa vào lưới điện quốc gia ngày 20/05/2009. Đây là công trình thủy điện cấp II với công suất lắp máy là 48 MW, điện lượng trung bình hàng năm là 179,884 triệu kWh/năm, tạo dung tích hữu ích hồ chứa 344,4 triệu m3 nước để tạo nguồn phát điện [1].

Được nghiên cứu và học tập kinh nghiệm những công trình thuỷ điện khác, nên khi xây dựng công trình Thuỷ điện Bình Điền đã giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến môi trường như xây dựng hồ có dung tích phòng lũ, thu dọn lòng hồ trước khi chứa nước và công tác quản lý vận hành hồ chứa nhằm giảm bớt những tác động đến môi trường khi nhà máy hoạt động… Sau 3 năm hoạt động, môi trường khu vực Thuỷ điện Bình Điền đã khá ổn định với việc hình thành một hệ sinh thái mới – hệ sinh thái hồ chứa.

Nhưng bên cạnh đó, việc xây dựng TĐ BĐ cũng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống sinh kế của người dân sống ở khu vực thượng nguồn và hạ nguồn, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường. Theo ý kiến người dân nơi đây, từ ngày thủy điện được xây dựng đến nay đã làm giảm số lượng một số loài cá, gây mùi hôi thối vào mùa hè, giảm hàm lượng phù sa bồi đắp ở hạ nguồn, giảm nguồn cát sạn trên hạ nguồn sông Hương… Chính từ thực tế đó việc tìm hiểu “Những tác động môi trường của TĐ BĐ và Thực tế của việc thực hiện các cam kết giảm thiểu tác động tiêu cự đến môi trường của thủy điện này sau hơn 3 năm hoạt động” có ý nghĩa lớn lao trong việc cung cấp các thông tin cho các cơ quan quản lý để họ có những biện pháp can thiệp kịp thời nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực đến môi trường của TĐ BĐ nói riêng và làm cơ sở quản lý các dự án thủy điện khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Đồng thời, kết quả nghiên cứu này là bài học kinh nghiệm về việc bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành dự án thủy điện.

2. Thực tế của việc thực hiện các biện giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của dự án thủy điện Bình Điền sau 3 năm đi vào hoạt động

Trên cơ sở đánh giá và dự đoán những tác động của việc xây dựng nhà máy TĐ BĐ đến môi trường, bản báo cáo ĐTM của công ty thủy điện Bình Điền đã đề ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thi công và vận hành thủy điện này. Trên lý thuyết, các biện pháp này phù hợp và đáp ứng được việc giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường của TĐ BĐ. Tuy nhiên, trong thực tế có một số biện pháp được đưa ra nhưng lại không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Kết quả nghiên cứu dưới đây sẻ chỉ ra một số điểm hạn chế của công ty TĐ BĐ trong việc thực hiện “Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của TĐ BĐ sau hơn 3 năm hoạt động”.

– Công ty TĐ BĐ chưa quan trắc đầy đủ các yếu tố khí tượng theo cam kết trong ĐTM. Theo ĐTM, công ty TĐ BĐ cam kết thiết lập một trạm quan trắc khí tượng thủy văn và môi trường tại khu vực hồ.Trạm này có trách nhiệm quan trắc các yếu tố khí tượng như nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm… Nhưng trong thực tế thì TĐ BĐ chỉ có trạm quan trắc thủy văn đặt tại đồn 367 – đầu nguồn nhánh Hửu Trạch của sông Hương, trạm này chỉ có chức năng đo lượng mưa và lượng nước về long hồ TĐ BĐ và một trạm đo lượng mưa tại đập. Điều này có thể sẽ gây khó khăn và hạn chế trong công tác dự báo khí tượng thủy văn đặc biệt là thiên tai, lũ lụt, hạn hán và động đất như trong báo cáo ĐTM đã đưa ra dự báo.

Số lượng các thông số được quan trắc thực tế ít hơn so với cam kết trong ĐTM. Theo theo cam kết trong ĐTM thì công ty TĐBĐ phải thực hiện “Chương trình quan trắc môi trường và đánh giá tổng thể dự án TĐ BĐ hàng năm thông qua đề tài, dự án nghiên cứu và phát triển. Kinh phí thực hiện dựa vào ngân sách, nguồn tài chính của cơ quan quản lý công trình TĐ BĐ và của các nguồn tài trợ khác.  Công ty TĐ BĐ cam kết sẽ quan trắc 15 thông số [1], nhưng thực tế thì Công ty  TĐ BĐ chỉ thực hiện được 03 thông số [2].

Bảng 1. Các thông số được ĐTM kiến nghị cty TĐBĐ quan trắc và thực tế thực hiện

– Số lượng các điểm quan trắc môi trường nước thực tế ít hơn so với đề nghị của ĐTM

 Theo ĐTM, công ty TĐ BĐ cam kết quan trắc môi trường nước tại 8 địa điểm khác nhau [1, trang 5-52], nhưng thực tế thì Công ty cổ phần TĐ BĐ chỉ thực hiện tại 3 điểm [2].

Bảng 2. Số lượng các điểm quan trắc môi trường nước thực tế so với đề nghị của ĐTM

– Số lượng các thông số chất lượng nước được quan trắc thực tế tại hồ TĐ BĐ ít hơn so với cam kết trong ĐTM và ít hơn so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Theo ĐTM, TĐ BĐ cam kết quan trắc 26 thông số chất lượng nước theo tần suất 6 tháng/lần và 17 thông số theo tần suất 3 tháng/lần [1, trang 5-52]. Nhưng thực tế TĐ BĐ chỉ có quan trắc 12 thông số theo tần suất 6 tháng/lần [2].

Theo QCVN 08:2008/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì “Giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước mặt bao gồm 32 thông số và Giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước ngầm là 26 thông số.”

Bảng 3. Các thông số chất lượng nước được ĐTM kiến nghị cty TĐBĐ quan trắc và thực tế thực hiện

– Công ty TĐ BĐ thực hiện công tác vệ sinh lòng hồ và xử lý chất thải, chưa tốt

Theo ĐTM, công ty TĐ BĐ cam kết sẻ vệ sinh sạch các thực vật trong lòng hồ thủy điện trước khi tích nước. Đồng thời hàng năm công ty này sẻ vệ sinh lồng hồ khi mực nước trong hồ hạ. Nhưng theo kết quả khảo sát của nhóm Tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội (SEIA) ngày 26/07/2012 thì lồng hồ TĐ BĐ vẫn còn rất nhiều xác thực vật chưa bị phân hủy hết mặc dù TĐ BĐ đã tích nước gần 4 năm (01/08/2008). Bên cạnh đó, theo kết quả phỏng vấn ông Lê Văn Huy – Trưởng phòng kỹ thuật công ty TĐBĐ thì từ khi tích nước cho đến nay cơ quan này chưa thực hiện vệ sinh lòng hồ lần nào. Việc thực hiện vệ sinh long hồ không tốt đã dẫn đến làm ô nhiễm nước sông Hương. Điều này được phản ánh qua kết quả khảo sát người dân sống hai bên bờ sông Hương và Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước tỉnh Thừa Thiên – Huế.

+ Theo kết quả khảo sát ý kiến của 50 người dân sinh sống hai bên sông Hương thì kết quả của cả 50 phiếu điều tra này cho biết: Vào mùa hè năm 2009 và 2010, sông Hương thường có mùi hôi thối của xác thực vật bị phân hủy.

+ Theo kết quả phỏng vấn ngày 19/4/2012 với bà Trần Thị Minh Tâm, Trưởng phòng quản lý chất lượng nước, Công ty cấp thoát nước Huế Waco cho biết “Sau khi nhà máy TĐ BĐ xây dựng các thông số về Mn, Fe, pH, độ đục, COD đều tăng, đặc biệt năm 2009 – 2010 các thông số này tăng một cách đột biến. Từ năm 2010 đến nay, các thông số này có xu hướng giảm dần, nhưng vẫn còn cao hơn năm 2008. Riêng đối với thông số độ đục thì đã giảm hơn năm 2008, đặc biệt là vào mùa mưa.”

Các chất thải đọc hại của công ty TĐBĐ chưa được xữ lý. Năm 2011, công ty TĐ BĐ có có khoảng 200 kg giẻ dính dầu, 1500 kg dầu tua bin lẫn nước và hơn 5 kg bóng típ được thu gom và lưu giữ lại mà chưa có biện pháp xữ lý [2].

– Công ty TĐ BĐ thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tới thủy sinh vật, nghề cá chưa tốt

Khi hồ chứa hình thành, có một số tác động tiêu cực ảnh hưởng đến thảm thực vật, hệ động vật. Báo cáo ĐTM nhà máy TĐ BĐ đã phân tích và đưa ra một số biện pháp nhằm giảm thiểu và khắc phục các tác động tiêu cực nhằm đạt được cả hai mục đích kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế, kể từ khi công trình nhà máy TĐ BĐ đi vào vận hành, một số biện pháp đã không được thực hiện như trong báo cáo ĐTM.

Theo báo cáo ĐTM dự án công trình TĐ BĐ cam kết thực hiện một số biện pháp giảm thiểu tác động tới thủy sinh vật và nghề cá như sau:

Trong giai đoạn xây dựng, cần thu dọn sạch lòng hồ tối đa trước khi hồ tích nước để đảm bảo vệ sinh nguồn nước, thuận lợi cho khai thác thủy sản và để giảm ô nhiễm môi trường sau này. Trong giai đoạn vận hành, quản lý và phát triển nghề cá hồ chứa bao gồm nghề khai thác cá tự nhiên và nghề nuôi; hình thành trạm giám sát môi trường nước và thủy sinh nghề cá dưới góc độ thủy lý hóa và sinh học[1, trang 5 – 20].

Trong giai đoạn vận hành hướng dẫn cho nhân dân địa phương khai thác đánh bắt cá với các phương pháp thích hợp, thời gian phù hợp với chế độ thủy văn và nguồn lợi, đặc biệt là chế độ khai thác đàn cá di cư đẻ trứng theo mùa [1, trang 5-20].

Xây dựng âu tàu để các loài cá có thể di chuyện từ thượng lưu về hạ lưu và ngược lại [1, trang  5 – 20].

Trên thực tế, TĐ BĐ chỉ có thực hiện vệ sinh lòng hồ trước khi tích nước, nhưng việc thu dọn lồng hồ thực hiện chưa được tốt khi còn một lượng lớn thực vật chưa được thu dọn. Bên cạnh đó, theo kết quả phỏng vấn Lê Văn Huy, Trưởng phòng kỹ thuật công ty TĐBĐ vào ngày 26/07/2012  thì  TĐ BĐ cũng chưa tính đến việc hình thành trạm giám sát môi trường nước và thủy sinh nghề cá như trong báo cáo ĐTM đã đưa ra, còn việc xây dựng âu thuyền để tạo đường di chuyển cho các loài cá từ hạ lưu lên thượng lưu và ngược lại thì chưa có kế hoạch. Đồng thời, từ khi đi vào vận hành đến nay, công  ty TĐ BĐ chưa có lần nào hướng dẫn cho người dân cách đánh bắt cá.

– Công ty thủy điện Bình Điền chưa thực hiện việc giám sát môi trường sinh thái như đã cam kết trong ĐTM.

ĐTM đã đưa ra những cảnh báo về những tác động của việc xây dựng nhà máy TĐ BĐ đến môi trường sinh thái. Qua đó cho thấy việc xây dựng TĐ BĐ có nguy cơ xâm hại đến rừng và động vật rừng tại thượng lưu, hạ lưu và khu vực lòng hồ. Qua những đánh giá đó, ĐTM đã đưa ra các cam kết về việc giám sát môi trường sinh thái như sau: “Tiến hành khảo sát định kỳ 6 tháng/lần về cá và thủy sinh trong vùng lòng hồ và khu vực hạ du (sau đập và sau nhà máy) nhằm phát hiện thay đổi thành phần loài và sự phát triển của chúng. Công ty cổ phần TĐ BĐ sẽ ký hợp đồng thuê các chuyên gia về cá và thủy sinh thực hiện công việc này. Thời gian là 10 năm”[1, trang 5-56].  Nhưng thực tế qua những tài liệu chúng tôi thu thập được cùng với kết quả phỏng vấn ông Lê Văn Huy – Trưởng phòng kinh tế và kỹ thuật TĐ BĐ vào ngày 26/07/2012 cho thấy: Từ trước đến nay, TĐ BĐ chưa có chương trình giám sát môi trường sinh thái trong khu vực lòng hồ và hạ du.

3. Một số tác động của TĐ BĐ kể từ khi vận hành đến nay  

Hầu hết các dự án phát triển đều có những tác động theo hai mặt “tích cực và tiêu cực”. Việc xác định được các tác động tiêu cực và tích cực của dự án sẻ có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế những tác động tiêu cực và phát huy những tác động tích cực, từ đó nâng cao lợi ích chung của một dự án. Thủy điện Bình Điền cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nó đã có nhiều tác động tích cực, nhưng bên cận đó vẫn còn một số tồn tại cần xem xét. Kết quả nghiên cứu dưới đây sẻ chỉ ra một số tác động tích cực và tiêu cực của thủy điện Bình Điền kể từ khi nó đi vào hoạt động cho đến nay.

a. Một số tác động tích cực của TĐ BĐ sau 3 năm đi vào hoạt động

– Phát điện: Tính đến thời điểm tháng 06/2012, thủy điện đã hòa vào lưới điện Quốc gia 553 triệu kW, trung bình mỗi năm TĐ BĐ sản xuất 181 triệu kW điện. Qua đây có thể thấy, việc xây dựng TĐ BĐ đã bổ sung một lượng điện đáng kể cho lưới điện Quốc gia.

– Cắt lũ tiểu mãn, giảm lũ chính vụ: Với dung tích phòng lũ 70 triệu m3, kết hợp với quá trình vận hành đập hợp lý, TĐ BĐ đã góp phần rất lớn trong việc cắt lũ tiểu mãn và giảm lũ chính vụ cho vùng hạ du.

Theo báo cáo “Đặc điểm khí tượng thủy văn tại thành phố Huế từ 2006 -2011” cho thấy:

– Lượng mưa trên lưu vực sông Hương từ năm 2006 đến năm 2011 có sự dao động không đáng kể. Lượng mưa trung bình trên lưu vực sông Hương trong 6 năm này đạt 4.199,5 mm, trong đó lượng mưa đạt đỉnh cao nhất vào năm 2007 với mức 5.708,6 mm và đạt đỉnh thấp nhất vào năm 2010 với mức 3.539 mm.  

– Số lượng lụt tiểu mãn từ năm 2009 đến nay không còn nữa, bên cạnh đó số lượng cơn lụt cũng giảm so với những năm từ 2009 trở về trước đó. Trong đó, số lượng cơn lụt từ báo động 2 trở xuống có xu hướng ngày càng tăng, còn số lượng cơn lụt báo động 3 có xu hướng giảm.

2.  Một số tác động tiêu cực của TĐ BĐ sau 3 năm đi vào hoạt động

*  Tác động đến giá nước sinh hoạt

Theo kết quả phỏng vấn ngày 19/4/2012 với bà Trần Thị Minh Tâm, Trưởng phòng quản lý chất lượng nước, Công ty cấp thoát nước Huế Waco cho biết: “Sau khi TĐ BĐ đi vào hoạt động (5/2009), có nhiều thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép, do đó  công ty HueWaco phải đầu tư thêm các trang thiết bị và thay đổi một số phương pháp xử lý chất lượng nước để đảm bảo các tiêu chuẩn của Bộ y tế đưa ra. Điều này đã làm cho Huế Waco tốn rất nhiều kinh phí trong việc xử lý nước cấp cho tiêu thụ (hơn 5,1 tỷ đồng để đầu tư năm 2009). Không những thế, do độ đục của sông Hương tăng lên nhanh nên đã làm cho các đường ống dẫn nước bị hư hại, Công  ty phải đầu tư để súc rữa đường ống. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến giá thành sử dụng nước sinh hoạt tăng lên đáng kể sau thời gian này.”

* Tác động của TĐ BĐ đến nguồn cung cấp cát sạn xây dựng

 Theo tính toán thủy văn của Công ty TVXD Sông Đà, tổng dung tích bùn cát qua Bình Điền dự tính 204.600 m3/năm, tồn tại 95% tổng lượng hay 194.370 m3/năm. Ước tính thời gian hoạt động của đập TĐ BĐ là 50 năm. Với thời gian này thì tổng lượng phù sa bị lắng động tại lòng hồ TĐ BĐ là 11,36 triệu tấn và dung tích bùn cát là 8,74 triệu tấn. Với việc hàm lượng phù sa và bùn cát bị dữ lại trên long hồ TĐ BĐ đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung cấp cát sạn xây dựng cho phía hạ lưu của đập.

Theo kết quả khảo sát 30 hộ gia đình khai thác cát sạn trên sông Hương ở phường Hương Hồ và Hương Thọ, thị xã Hương Trà cùng với kết quả thảo luận nhóm với người dân thôn Thọ Khương, phường Hương Hồ (thôn có hơn 90 lao động làm nghề khai thác cát sạn) vào ngày 16/05/2012 cho thấy:

– Hiện nay lượng cát sạn trên sông Hương từ khu vực chùa Thiên Mụ đến đập TĐ BĐ đã giảm đến 50 % so với thời điểm trước năm 2009. Theo ông Võ Văn Lẹt, người dân thôn Thọ Khương, phường Hương Hồ cho biết “Trước đây, với 6 lao động có thể khai thác đầy một thuyền trong vòng 4 tiếng đồng hồ, nhưng bây giờ phải mất đến 6 tiếng vì phải lặn xuống sâu hơn và tầng dày của cát sạn bây giờ cũng đã bị mỏng đi”.

– Càng ngày, người dân phải di chuyển dần lên phía thượng nguồn để khai thác cát sạn. Trước đây, người dân ở phường Hương Hồ chỉ cần khai thác cát sạn ngay đoạn sông Hương chảy qua địa phận phường mình, nhưng từ năm 2011 đến 2012 người dân phải di chuyển lên thượng nguồn, đoạn sông Hương chảy qua phường Hương Thọ mới có cát sạn để khai thác.

* Tác động của TĐ BĐ đến thủy sinh vật và nghề cá

– Làm giảm lượng rong trên sông Hương, đoạn từ chưa Thiên Mụ đến đập TĐ BĐ hơn 90 %. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy TĐ BĐ tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của Cỏ thủy sinh sống chìm (rong) từ đó ảnh hưởng đến các loài sinh vật thủy sinh khác. Theo kết quả nghiên cứu này thì hiện nay, lượng rong trên sông Hương, đoạn từ chưa Thiên Mụ đến đập TĐ BĐ đã giảm hơn 90 % so với thời điểm những năm trước năm 2009. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do nguồn dinh dưỡng cung cấp cho rong bị giảm (sau khi đập TĐBĐ xây dung, 95 % lượng phù sa bị dữ lại trên lòng hộ thủy điện này). Theo ông Lương Quang Đốc, giảng viên trường đại học Khoa Học Huế cho biết “Sự sinh trưởng và phát triển của rong phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: 1) Chất đáy phù hợp, 2) Dòng chảy không quá mạnh, 3) Dinh dưỡng. Khi đập thủy điện xây dựng thì sẻ làm giảm nguồn dinh dưỡng cung cấp cho rong ở khu vực hạ lưu.”

Việc lượng rong bị giảm lớn dẫn đến nhiều tác động đối với hệ sinh thái trên sông Hương. Trong hệ sinh thái thủy sinh sông Hương, rong có 3 vai trò chính đối với sự sinh trưởng và phát triển của các loài tôm cá: 1) Giá thể (bãi đẻ) cho các loài tôm cá, 2) Cung cấp thứu ăn cho các loài tôm cá, 3) Nơi trú ẩn của các loài tôm cá. Vì vậy, khi trữ lượng rong bị giảm đã tác động tiêu cực đến tôm, cá trên sông Hương.

– Ngăn chặn đường di chuyển của một số loài. Quá trình sinh trưởng và phát triển của nhiều loài tôm cá Trên sông Hương phụ thuộc rất nhiều vào việc di chuyển, như loài cá chình sinh sống và phát triển ở khu vực thượng nguồn và sinh sản ở khu vực nước mặn. Vì vậy, khi đập thủy điện chặn đường di chuyển của các loài cá tôm thì sẻ làm giảm khả năng phát triển của các loài này.

– Địa mạo lòng sông bị thay đổi đã làm thu hẹp nơi trú ẩn, giá thể của các loài tôm cá. Sông Hương là một trong những nơi cung cấp cát sạn chính cho các hoạt động xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế. Hàng năm, hàng triệu m3 cát sạn được khai thác từ sông Hương. Nhưng việc lượng cát sạn cung cấp cho lòng sông khu vực hạ nguồn thủy điện bị chặn lại ở thượng nguồn đã làm thay đổi địa mạo lồng sông, việc này dẫn đến thu hẹp nơi trú ẩn, giá thể của nhiều loài tôm cá.

Những tác động của TĐ BĐ đến thủy sinh vật trên sông Hương đã góp phần dẫn đến những tác động tiêu cực  đối với những người dân sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt và nuôi tôm cá trên sông Hương. Nghiên cứu này đã thực hiện điều tra bảng hỏi 30 hộ gia đình và thực hiện 2 cuộc thảo luận nhóm ( tại thôn Bình Tân, xã Bình Điền vào ngày 07/03/2012 và tại Thôn Thọ Khương, P. Hương Hồ vào ngày 16/05/2012) đối với những đánh bắt và nuôi tôm, cá trên sông Hương, kết quả cho thấy như sau:

Từ khi TĐ BĐ đi vào hoạt động thì sản lượng tôm, cá đánh bắt được giảm hẳn, có nhiều loài biến mất. Sản lượng cá đánh bắt được trong thời gian gần đây (2011, 2012) đã giảm từ 50 – 70 % so với thời điểm trước 2009. Trong đó có một số loài có giá trị kinh tế cao như cá Xanh, cá Lấu, cá Chình đã giảm đi hơn 90 % so với trước năm 2009.

– Thủy điện Bình Điền tác động đến nuôi trồng thủy sản trên sông Hương. Có thể nói, tác động của việc xây dựng TĐ BĐ đến môi trường nước được thể hiện rõ nhất qua những thiệt hại của những người nuôi trồng thủy sản trên sông Hương. Hiện tượng cá chết hàng loạt, các lồng nuôi cá làm củi đun là những trường hợp rất phổ biến kể từ khi TĐ BĐ đi vào hoạt động. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy:

+ Tại thôn Thọ Khương, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, trước năm 2009, toàn thôn có 50 lồng nuôi cá, ếch trên sông Hương, nhưng nay chỉ còn 7 lồng đang bỏ trống, còn những lồng khác người dân đã làm củi đun hoặc để trôi trên sông Hương. Qua tìm hiểu chủ của 7 lồng nuôi tôm cá trên sông Hương đang bỏ trống các lồng này cho biết: từ khi TĐ BĐ xây dựng cho đến nay họ vẫn tiếp tục nuôi cá, ếch trên các lồng này nhưng đều thất bại.

+ Thôn Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, trước năm 2009, có hơn 30 lồng nuôi cá, nhưng nay chỉ còn 3 hộ nuôi với tổng cộng 4 lồng cá. Nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp, ban đầu mỗi lồng thả hơn 500 con, nhưng hiện tại chỉ còn 60 – 70 con. Theo người dân, từ khi có đập thủy điện, việc nuôi cá trở nên khó khăn hơn, cá chết nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân được người dân đưa ra là nước xi măng trong quá trình xây dựng đập chảy về.

+ Tại trị trấn Bình Điền, trước năm 2009, có 5 hộ làm lồng nuôi cá chình. Trong những năm trước đây, họ đã thu lại được nhiều lợi nhuận từ việc nuôi cá chình nhờ vào nguồn nước trong sạch, các chỉ số môi trường nước ổn định và nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Nhưng ngay sau khi TĐ BĐ đi vào hoạt động, các hộ này phải dừng việc nuôi cá chình do nước ô nhiễm làm cá chết hết.

3. Kết luận

– Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, TĐBĐ đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường như đã cam kết trong ĐTM, trong đó đáng chú ý: Công ty TĐ BĐ thực hiện công tác vệ sinh lòng hồ và xử lý chất thải chưa tốt; Chưa quan trắc đầy đủ các yếu tố khí tượng; Số lượng các thông số được quan trắc thực tế ít hơn so với cam kết trong ĐTM; Số lượng các điểm được quan trắc môi trường nước thực tế ít hơn so với đề nghị của ĐTM; Số lượng các thông số chất lượng nước được quan trắc thực tế tại hồ ít hơn so với cam kết trong ĐTM và ít hơn so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Các biện pháp giảm thiểu tác động tới thủy sinh vật, nghề cá chưa tốt; Chưa thực hiện việc giám sát môi trường sinh thái như đã cam kết trong ĐTM.

– Tính đến thời điểm tháng 06/2012, TĐ BĐ đã hòa vào lưới điện Quốc gia 553 triệu kW, trung bình mỗi năm TĐ BĐ sản xuất 181 triệu kW điện. Đồng thời, TĐBĐ đã giúp cắt lụt tiểu mãn từ năm 2009 đến nay và làm giảm số lượng cơn lụt so với những năm từ 2009 trở về trước đó. Trong đó tăng số lượng cơn lụt từ báo động 2 trở xuống và giảm số cơ lụt từ báo động 3 trở lên.

– Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, TĐ BĐ đã gây ra một số tác động đến môi trường, trong đó đáng chú ý là nó đã làm nguồn cung cấp cát sạn xây dựng và tác động đến thủy sinh vật và nghề cá trên sông Hương. Sản lượng cá đánh bắt được trong thời gian gần đây (2011, 2012) đã giảm từ 50 – 70 % so với thời điểm trước 2009. Trong đó có một số loài có giá trị kinh tế cao như cá Xanh, cá Lấu, cá Chình đã giảm đi hơn 90 % so với trước năm 2009. Trong năm 2009, sau khi TĐBĐ đi vào hoạt động, 100 % các long cá nuôi trên sông Hương đều bị chết, đến nay hầu hết hoạt động nuôi cá lòng trên sông Hương không còn nữa.

 

Bá Quốc – CSRD

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: