Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa – cá xen canh

Cá và lúa chung sống với nhau trong ruộng lúa không có sự cạnh tranh về thức ăn mà ngược lại chúng có sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau và mang lại hiệu quả

I. Những lợi ích của thâm canh lúa- cá xen canh

Cá và lúa chung sống với nhau trong ruộng lúa không có sự cạnh tranh về thức ăn mà ngược lại chúng có sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau và mang lại hiệu quả.

– Ruộng lúa cung cấp thức ăn cho cá: cỏ dại, rơm rạ mục, thóc rụng, hạt cỏ, sâu bọ, các loại động vật khác trong ruộng… đều là thức ăn cho các loài cá nuôi. Nhờ hệ thống thức ăn này đã tiết kiệm chi phí thức ăn cho cá.

– Cá góp phần cải tạo điều kiện sống cho cây lúa: Các loại chất thải của cá tích tụ trong ruộng có tác dụng như một phần phân bón làm tăng độ mùn cho ruộng lúa. Cá thường xuyên tìm kiếm thức ăn bằng cách sục bùn đã làm cho ruộng lúa thoáng khí, tầng ôxy hoạt động mạnh tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Cá ăn các loại sâu bọ, côn trùng làm giảm dịch hại cho ruộng. Do đó sản xuất lúa có kết hợp nuôi cá trong ruộng lúa giúp nông dân giảm chi phí nhân công, chi phí bảo vệ thực vật tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và mang lại hiệu quả cao.

II. Đặc điểm môi trường ruộng lúa

– Mực nước trong ruộng cạn thường 5-20cm, giàu ôxy hoà tan. Tuy nhiên, nhiệt độ nước rất dễ bị biến động theo nhiệt độ của thời tiết. Mặc khác thời gian hiện diện của nước và độ sâu phụ thuộc vào chế độ canh tác cây lúa. Do vậy, các loài cá chọn nuôi phải phù hợp với điều kiện canh tác cây lúa.

– Tầng canh tác của ruộng lúa( đáy ao cá) có chất dinh dưỡng cao, hàm lương N, P, K trong ruộng phong phú, tạo cơ sở thức ăn tự nhiên dồi dào cho cá.

III. Yêu cầu kỹ thuật

1. Chọn ruộng lúa:

Chọn những ruộng lúa chủ động cấp và thoát nước, lúa nên cấy hoặc sạ hàng. Diện tích lớn hay nhỏ tuỳ theo điều kiện, nếu quá nhỏ nên kết hợp nhiều ô ruộng lại.

– Thời vụ gieo cấy theo qui trình canh tác của địa phương, thời điểm thả cá khi cây lúa đủ cao, mực nước đủ sâu.

– Giống lúa: nên chọn các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng phù hợp với từng vụ.

2. Lựa chọn loài cá nuôi

         – Loài cá chọn thả nuôi là các loài cá có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện canh tác của ruộng lúa và môi trường ruộng lúa.

         – Tiêu chuẩn cá giống thả nuôi: chọn cá giống tốt, khoẻ, đồng kích cở.

3. Thiết kế ruộng lúa – cá:  bao gồm có 3 phần

– Bờ Bao: Bờ bao được xây dựng cao, chắc chắn, rộng 0,7- 1,0m; Cao trên 0,5 m.

– Ruộng lúa: Ruộng lúa thường chọn nơi cao, diện tích thường chiếm 60- 80% tổng diện tích, mực nước trung bình 5-20cm.

– Phần cải tạo nuôi cá ( mương ruông nuôi cá): diện tích chiếm 20-40% tổng diện tích, được đào sâu hơn phần ruộng lúa. Thông thường khu vực thả cá là những vùng quanh ruộng lúa (lấy đất làm bờ bao).

  Lưu ý, khi thiết kế khu vực thả cá phải đảm bảo yêu cầu thuận lợi khi cần tháo cạn nước trên mặt ruộng, cá dễ dàng tập trung về mương, ruộng nuôi cá có cống cấp và thoát nước chủ động.

4. Nguồn nước: Nguồn nước đảm bảo sạch ở mức cá sinh trưởng phát triển tốt và chủ động.

IV. Kỹ thuật Thâm canh

1. Chuẩn bị ruộng:

– Nếu nuôi cá xen canh thì sau khi thu hoạch lúa cần dọn sạch rơm rạ; vét lớp bùn đáy ở bờ mương bao, chỉ để lại lớp bùn 5-10cm, cho nước vào ngập ruộng, ngâm vài ngày rồi xả bỏ. Bón 10-15 kg vôi bột cho 100 m2 đáy mương sau khi tháo cạn nước và rắc vôi đều trên bờ mương, bờ ruộng để diệt tạp và ổn định độ pH, tăng lượng thức ăn phù du cho cá.

2. Giống và mật độ thả: Có thể chọn nuôi kết hợp nhiều loại cá khác nhau như: cá chép, cá trắm, rô đồng, rô phi, mè hoa, mè Vinh v.v… nhưng phải đảm bảo một số yêu cầu: cá có khả năng thích nghi, phát triển tốt và ăn được các loại thức ăn tự nhiên trong ruộng; phù hợp khả năng đầu tư thức ăn, phân bón của người nuôi; phụ thuộc nhu cầu thị trường.

         – Nuôi ghép các loại cá: chép, rôphi, mè vinh và một số loài cá khác để tận dụng tốt thức ăn trong ruộng; Có thể áp dụng các công thức kết hợp sau:

          Công thức 1: 80%  rô phi + 15%  chép + 5%  mè trắng;

          Công thức 2: 80% trôi Ấn Độ + 15% chĩp + 5%  mè trắng (hoặc mè vinh);

          Công thức 3: 80% rô đồng + 15% chép + 5% mè;

          Công thức 4: 50% chép + 30% trôi Ấn Độ + 15% trắm cỏ + 5% mè.

 – Thả cá với mật độ 0.5-1con/m2, cho cá lên ruộng lúa thời điểm sau sa 20- 25 ngày (sau cấy 7-10ngày).

  – Điều chỉnh mực nước ruộng thích hợp từ 15-20 cm

3. Chăm sóc quản lí và thu hoạch

Chăm sóc Lúa:

+ Chăm sóc cây lúa theo quy trình thâm canh của từng vu. Áp dụng các biện pháp sạ hàng hoặc cấy với mật độ thích hợp, bón phân cân đối, áp dụng biện pháp phòng trừ dich hại tổng hợp.

+ Khi cần phun thuốc trừ sâu cho lúa thì nên dùng loại an toàn cho cá hoặc các loại thuốc trừ sâu sinh học và phun ở dạng sương mù, hạt nhỏ vào lúc sáng sớm lúc lúa còn ướt sương.

– Chăm sóc cá:

+ Thức ăn và cách cho ăn: Thức ăn tươi gồm: cá, tép, cua, ốc, hến, các phế phẩm từ nhà máy thủy sản hoặc thức ăn công nghiệp được chế biến sẵn. Cũng có thể tự phối trộn thức ăn theo các công thức: 70% cám + 30% bột cá hoặc 70% cám + 30% ruột ốc xay nhỏ với hệ số sử dụng 2kg thức ăn/kg cá. Lượng thức ăn cần thay đổi theo từng tháng nuôi, giảm dần từ 10% trọng lượng cá ở 2 tháng đầu xuống 3% từ tháng thứ 7 trở đi.

+ Thay 20-30% lượng nước ở ruộng (để tránh cá bị sốc) khi thấy chất nước xấu đi, có mùi hôi hoặc thấy cá nổi đầu vào sáng sớm.

+ Thu hoạch cá : Có thể sử dụng biện pháp thu tỉa hoặc thu một lần tuỳ theo điều kiện.

Th.S Hồ Thành

 

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: