Khó được lòng dân!

Việc xử phạt 6-10 triệu đồng đối với xe ô tô, 1 triệu đồng đối với xe gắn máy không sang tên đổi chủ theo Nghị định 71, bắt đầu thực hiện từ 10/11, đang khiến đại bộ phận nhân dân nháo nhào. Nháo nhào đơn giản bởi một lẽ, rất nhiều phương tiện đang lưu thông không phải chính chủ.

Xung quanh quyết định này, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Nếu đi xe của bố, của vợ hay của bạn thì sẽ xử lý ra sao? Thực tế đang tồn tại những chiếc xe đã qua nhiều lần đổi chủ, người đang sở hữu cũng chẳng biết được chủ chính của nó thì sẽ xử lý ra sao? Và nữa, phần lớn sinh viên ở các thành phố lớn đang sử dụng xe của bố mẹ, nếu bị phạt 1 triệu đồng (mà phạt liên tục) liệu túi tiền của các em có khả năng đáp ứng?

Vẫn biết, việc sang tên đổi chủ các phương tiện giao thông là hết sức cần thiết nhằm tránh thất thu thuế cho Nhà nước, nhằm quản lý tốt các phương tiện giao thông, góp phần giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông một cách nhanh chóng, chính xác.

Tuy nhiên, số xe máy, ô tô cũ không chính chủ đang hoạt động với số lượng khá lớn và lực lượng CSGT cũng khó có thể xử phạt được triệt để.



Ảnh minh họa

Trở lại câu hỏi con mượn xe của bố, vợ đi xe của chồng hay ai đó mượn xe của bạn, đi xe của cơ quan… sẽ xử lý ra sao, các quan chức giao thông cho rằng, những trường hợp ấy, CSGT bằng nghiệp vụ sẽ có cách thu thập bằng chứng, nếu đúng như vậy sẽ không bị xử phạt.

Tuy nhiên, trên thực tế khi tham gia giao thông, mật độ xe rất đông, nếu cứ giữ xe không chính chủ lại để thẩm vấn thì cả Hà Nội rất có thể sẽ trở thành bãi xe khổng lồ làm ách tắc giao thông?!

Với những người mượn xe, nếu cứ phải đem theo sổ hộ khẩu gia đình hay giấy tờ tùy thân của chủ phương tiện để tránh bị phạt thì rất phiền hà. Hơn nữa những người sử dụng xe cũ, không chính chủ đa phần thuộc tầng lớp nghèo. Với những gia đình đông người chỉ đủ khả năng mua được 1 đến 2 chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, quyết định xử phạt với xe không chính chủ thực sự ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ.

Một câu hỏi được đặt ra: Quyết định xử phạt nặng đối với xe không chính chủ có vẻ như đang đánh vào dân nghèo?

Lại có ý kiến khác, phải chăng việc phạt xe không chính chủ là mở đường cho CSGT thêm tiêu cực?

Từ 10/11/2012, thay vì xác định “hai năm rõ mười” là phạm luật hay không phạm luật như trước đây, CSGT phải làm thêm công việc “thẩm định” xem người điều khiển phương tiện giao thông không chính chủ có quan hệ với chủ xe như thế nào để quyết định phạt hay không phạt thì vất vả cho các anh ấy quá!

Làm việc trong điều kiện thời tiết ngoài trời khắc nghiệt lại phải đối mặt với mật độ giao thông dày đặc, ô nhiễm môi trường đến mức báo động ở các thành phố lớn, liệu CSGT có đủ kiên nhẫn để nghe trình bày về mối quan hệ giữa người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện giao thông? Và nữa, nếu bạn đang bận việc, liệu có đủ kiên nhẫn để đợi CSGT “tiến hành thủ tục thẩm định”?

Xung quanh câu chuyện phạt xe không chính chủ trên có rất nhiều tình huống được đặt ra. Tuy nhiên, suy cho cùng, thì nó cũng khiến cho dư luận cảm thấy bất an.

Một nghị định không đi vào thực tế cuộc sống, giống như quy định chỉ bán thịt trong vòng 8 tiếng mới đây đã bị dư luận chỉ trích đến mức phải bãi bỏ, thì e rằng khó được lòng dân!

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: