Không cần thiết phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1

Chương trình công nghệ tiếng Việt lớp 1 được áp dụng ở các trường tiểu học trong toàn tỉnh. Với phương pháp này, học sinh không cần phải học trước, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phụ huynh đua nhau cho con học thêm để các em đọc thông, viết thạo.

 

Tiết dự giờ về công nghệ tiếng Việt ở Trường tiểu học Hương Vân (TX. Hương Trà)

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương chấm dứt tình trạng học chữ trước khi vào lớp 1, song điều đó xem chừng bất khả thi.

Sợ con thua thiệt

Chưa vào hè mà khắp nơi đều dán giấy luyện chữ vào lớp 1, học kèm lớp 1 với lời quảng cáo khá hấp dẫn: giáo viên về hưu, có thời gian, kinh nghiệm, thậm chí có trình độ thạc sĩ… Nhiều trang mạng xã hội đua nhau giới thiệu các lớp dạy thêm, học chữ… hoặc cung ứng gia sư tại nhà kèm cặp học sinh lớp 1. Ngay trước cổng trường mầm non, nhiều người tiếp thị bằng cách ấn card visit (danh thiếp) vào tay phụ huynh, bất kể con họ đang ở lớp nhà trẻ. Những phụ huynh có con sắp sửa vào lớp 1 bắt đầu âu lo, họ nháo nhác hỏi nhau: “Con chị biết đọc chữ chưa? răng đến chừ mà chưa cho con đi học… Con tui đọc truyện được rồi…”. Tìm giáo viên dạy chữ cho con bỗng chốc trở thành vấn đề “thời sự” ngay trước cổng trường.

Trong câu chuyện của nhiều phụ huynh, có người khá thỏa mãn khi biết “nhìn xa trông rộng”, mới nghỉ hè, con đã ghép được những chữ khó khi cháu chăm chỉ luyện tập. Thậm chí, có phụ huynh còn cho con nghỉ học từ kỳ thứ hai của chương trình mẫu giáo lớn để ép trẻ học chữ, làm toán sớm. Tranh luận về việc có nên cho con học chữ trước hay không, chị Nguyễn Thị Hoa ở đường Điện Biên Phủ (TP. Huế) nói: “Tôi sợ con không đủ sức khỏe nên chẳng muốn con đi học sớm. Nhưng, đi đâu cũng nghe các mẹ kháo nhau, con họ đã biết đọc, biết viết nên tôi sợ con không theo kịp bạn”.

  Phụ huynh nôn nóng cho trẻ học chữ trước khiến trong lớp học các em có nhiều “trình độ” khác nhau. Giáo viên khó khăn để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp. Một cô giáo có thâm niên 30 năm dạy học sinh lớp 1 bày tỏ, cô không đồng tình khi phụ huynh cho con học trước. Những em đã biết chữ thường không hứng thú trong giờ học, cứ xin đi ra ngoài và chọc phá bạn. Có hôm, cô phải phát giấy để các em ngồi tô màu, giữ yên lặng khi các bạn tập những nét chữ đầu tiên.

Không cần học trước

Tôi ướm thử anh bạn, có con đang chuẩn bị vào lớp 1 rằng, cháu có học chữ trước không? Anh trợn tròn mắt nhìn tôi ngạc nhiên, không cho học thêm răng lên lớp? Mọi người cho con học chữ trước hết, con mình không học, biết đâu “gà lành, thành gà què”- anh nhúng nhắng. Khi tôi hỏi anh có biết thông tin, chương trình lớp 1 hiện nay học sinh không cần học trước. Anh xua tay như chiều không tin… Hóa ra, chương trình công nghệ tiếng Việt lớp 1 đã bước qua năm thứ 3, sẽ giải quyết cả chuyện học thêm cho con trẻ nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết.

 Bắt đầu từ năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã áp dụng chương trình tiếng Việt công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại dành cho học sinh lớp 1. Khi các trường mới triển khai, nhiều phụ huynh bất lực vì không biết phương pháp để hướng dẫn con học tại nhà. Họ nháo nhào cho con đi học thêm, mời gia sư về nhà kèm cặp. Đến độ, có trường phải thông báo đến từng phụ huynh lớp 1, không nên cho trẻ học trước vì giáo viên sẽ rất khó sửa lỗi khi các cháu học thiếu phương pháp.

Theo nhiều giáo viên dạy lớp 1, điều kiện chuẩn kiến thức, kỹ năng môn tiếng Việt quy định đối với trẻ vào lớp 1 là không cao. Cụ thể giữa học kỳ 1 học sinh đọc khoảng 15 tiếng/phút; viết khoảng 15 chữ/phút. Cuối học kỳ 1 đọc khoảng 20 tiếng/phút; viết khoảng 20 chữ/phút. Ngay cả chương trình công nghệ tiếng Việt lớp 1 đặt mức yêu cầu cao hơn chuẩn bình thường học sinh vẫn đạt được. Chị Trần Ngọc Ái, có con học Trường tiểu học Phước Vĩnh (TP. Huế) bộc bạch: “Con tôi năm nay học lớp 2 nhưng năm học trước cháu không học thêm. Tôi thấy cháu học chương trình mới nhẹ nhàng, tâm lý thoải mái, vừa đọc, vừa dùng ngữ điệu để diễn giải nên học khá nhanh”.

Chương trình công nghệ tiếng Việt giúp học sinh nắm chắc về nguyên âm, phụ âm, biết chắc chắn một vần, một tiếng cụ thể có thể ghép với bao nhiêu thanh. Chỉ cần học sinh nắm được luật chính tả sẽ viết trôi chảy. “Học sinh không cần phải học trước cũng có thể nắm bắt tốt bài giảng. Các em đều học hai buổi nên những em chưa đạt yêu cầu, giáo viên sẽ ôn luyện từng em một, đảm bảo học sinh đều đạt chuẩn kiến thức. Phụ huynh vẫn chưa yên tâm, giáo viên sẽ phô tô tài liệu để phụ huynh biết phương pháp bày thêm cho con”- Cô giáo Phạm Lê Nguyên Phương, giáo viên dạy lớp 1 Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP. Huế) cho hay.

Hành trang của các em bắt đầu khám phá tri thức không phải chỉ biết đọc, biết viết. Các em cần được chuẩn bị tâm lý, sức khỏe khi tiếp xúc với ngôi trường mới. Người thầy đầu tiên sẽ giúp trẻ có một tư thế ngồi, cầm bút đúng cách. Sau đó, mới tập cho trẻ làm quen với chữ cái và những con số. Quan trọng nhất vẫn là các em cần được trang bị kỹ năng để thích ứng với môi trường tập thể.

Bài, ảnh: Huế Thu

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: