Kỷ niệm 35 năm ngày giải phòng Huế: Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược về chính trị (03/03/2010)

Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 3 năm 1975, quân và dân ta tiến công địch dồn dập và đến 18 giờ cùng ngày, Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Thường vụ Khu ủy Trị Thiên đã hạ quyết tâm tranh thủ thời cơ, cùng với một bộ phận của Quân đoàn 2 giải phóng Thừa Thiên – Huế bằng chiến dịch tiến công tổng hợp, toàn diện, lấy chia cắt và bao vây kết hợp các mũi chọc sâu của chủ lực làm biện pháp then chốt, đồng thời dùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy.

5 giờ sáng ngày 21-3-1975, Sư đoàn 324 và Sư đoàn 325 (quân đoàn 2) đồng loạt nổ súng tiến công hệ thống phòng ngự của địch ở phía nam Thừa Thiên – Huế, cắt đứt giao thông đường số 1 đoạn Huế – Đà Nẵng, chính thức mở màn Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên – Huế.

Trung đoàn 2 (Sư đoàn 324) chiếm các cứ điểm cao 224, 303. Sáng ngày 21-3, Sư đoàn 324 chiếm được núi Bông. Sư đoàn 325 làm chủ các điểm cao 294, 520, 560, diệt gọn tiểu đoàn 61 ngụy. Cuộc chiến diễn ra ác liệt ở điểm cao 560, tới 15 giờ, ta mới chiếm lĩnh được. Pháo binh ta dồn dập bắn các mục tiêu ấp 5, Động Toàn, Phú Bài, Mang Cá, kiềm chế địch ở La Sơn, Lương Điền và Mũi Né. Cùng ngày 21-3, quân ta tiến công địch ở Truồi, xe tăng ta xuất kích đuổi đánh xe tăng địch.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/honghai/29_quan750-to.jpg

Quân giải phóng đánh chiếm đại nội Huế

Đêm 21-3, đặc công đánh sập cầu Thừa Lưu, làm gián đoạn giao thông địch trên đường từ Huế đi Đà Nẵng. Tới 10 giờ ngày 22-3, giao thông đường bộ giữa Huế và Đà Nẵng bị cắt đứt hoàn toàn. Hàng nghìn xe từ Huế định rút chạy về Đà Nẵng bị ùn tắc phải quay trở lại Huế. Trước sức tiến công của ta, địch ở Thừa Thiên – Huế rối loạn. Đêm 22-3, Sư doàn 324 diệt chi khu Phú Lộc, chiếm đèo Mũi Né, Phước Tượng, đưa lực lượng ra bịt cửa Tư Hiền. Lực lượng Quân khu Trị Thiên tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Mỹ Chánh. Quân ngụy buộc phải co về giữ tuyến phòng thủ sông Bồ. Huế bị bao vây. Sư đoàn 324 tiếp tục tiến công địch ở Phú Bài, sau đó sử dụng một trung đoàn vượt phá Tam Giang tiến đánh địch ở Kẻ Sung, Cự Lại, phá tan âm mưu của địch rút ra cửa Tư Hiền và bờ nam cửa Thuận An.

Từ ngày 22 đến 24-3, bộ đội địa phương Quảng Trị và Quân đoàn 2 mở cuộc tiến công đánh vào Thanh Hương, Đại Lộc, quận lỵ Hương Điền và vượt sông Mỹ Chánh đánh vào Phò Trạch, Lương Mai.

Tối 22-3, Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 1 ngụy bỏ chạy về Đà Nẵng bằng máy bay trực thăng và lệnh cho lực lượng còn lại tổ chức rút khỏi Huế.

8 giờ ngày 23-3, Sư đoàn 325 đánh chiếm căn cứ Lương Điền, mở đường cho Sư đoàn 324 tiến xuống đồng bằng.

Pháo binh của ta bắn vào sân bay Phú Bài, Tây lộc, Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy ở Mang Cá. Quân đoàn 2 của ta thọc sâu chiếm cửa  biển Thuận An, khóa chặt đường tháo chạy duy nhất còn lại ra biển của địch. Sư đoàn 325 đánh vào La Sơn, Kẻ Bàng rồi xuống chốt chặn cửa Cầu Truồi, tiến công dọc vùng Cầu Hai, chiếm Xuân Lô, bịt đường ra hướng biển của địch, rồi phát triển lên chiếm Ban Môn.

16 giờ cùng ngày, quân ta giải phóng Lương Điền, và quét sạch địch ở phía bắc Cầu Truồi, sau đó đánh thẳng ra Phú Bài.

Sư đoàn 325 đánh chiếm Mũi Né, tiêu diệt chi khu quân sự quận lỵ Phú Lộc, rồi giải phóng khu vực Lương Điền.

Trên cánh đông, ngày 23-3, quân ta đánh chiếm quận lỵ Hương Điền, tiêu diệt vị trí Thanh Hương, buộc địch phải rút chạy.

Tối 23-3, địch ra lệnh rút khỏi Huế.

Ngày 24-3, quân ta đã bao vây chặt toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch ở Huế.

Sáng 25-3, quân ta từ phía bắc cùng tiến vào trung tâm thành phố Huế, sau khi đánh chiếm hai làng Đình Môn, Kim Ngọc, sau đó, chiếm Mang Cá. 10 giờ 30 phút ngày 25-3, quân ta cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phu Văn Lâu. Thành phố Huế được giải phóng.

Đêm 25-3, tại vùng ven thành phố, Thành ủy Huế quyết định phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang chiến đấu giải phóng toàn tỉnh. Cũng trong ngày 25-3, các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, Hương Thủy đều được giải phóng.

Trưa ngày 26-3, cờ cách mạng đã tung bay trên cột cờ trước Ngọ Môn, kết thúc vẻ vang Chiến dịch tiến công giải phóng Thừa Thiên – Huế.

Đến ngày 26-3, trên địa bàn Thừa Thiên – Huế, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch gồm: Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, hai lữ đoàn biệt động, một lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, ba thiết đoàn, tám tiểu đoàn pháo, 15 tiểu đoàn và 21 đại đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 7.000 cảnh sảt, toàn bộ hệ thống ngụy quyền và hơn 3,6 vạn phòng vệ dân sự, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng.

Giải phóng Thừa Thiên – Huế là một thắng lợi vang dội của quân và dân ta, là một đòn phủ đầu chí mạng giáng vào kế hoạch phòng ngự co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung, sau khi thất bại nặng nề ở chiến trường Tây Nguyên – Buôn Ma Thuột.

Cũng trong ngày 26-3, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 nhận được Chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu chỉ rõ: “Nhiệm vụ cơ bản của Thừa Thiên – Huế là tiếp tục lùng sục tù binh …Lực lượng B5, sau khi đã tiêu diệt hết các bộ phận quân địch còn chống cự, phải nhanh chóng thu quân, chuẩn bị sẵn sàng cho hướng tiến công giải phóng Đà Nẵng”. Và Quân ủy Trung ương đã điện cho Quân khu 5 chủ trương “tập trung lực lượng tiêu diệt sinh lực lớn của địch ở Đà Nẵng, giành thắng lợi lớn trong cuộc quyết chiến chiến lược này”.

Với thắng lợi to lớn của mình, quân và dân Thừa Thiên – Huế đã được Đảng và Chính phủ gửi điện khen ngợi: “Việc đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên – Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược về chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước ta nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước rất nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống anh dũng kiên cường của quân và dân cả nước”.

                                                                                   

 Nguyễn Văn Luận

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: