Nếu Quý vị có điều gì cần tư vấn về khoa học công nghệ, xin vui lòng đặt câu hỏi tại đây. Vui lòng bấm vào câu hỏi để xem nội dung trả lời.
Làm thế nào cho cây hoa Mai vàng nở đúng tết?
admin – 01/02/2009


Hỏi: Làm thế nào cho cây hoa Mai vàng nở đúng dịp tết Nguyên đán?

Đáp: Việc điều khiển cho cây hoa Mai nở hoa vào đúng dịp Tết không phải đơn giản với những người chưa có nhiều kinh nghiệm, vì nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Muốn cho hoa Mai nở đúng vào dịp Tết thì việc bắt buộc phải làm là lặt (lẩy) lá Mai, chứ không phải là tuốt lá Mai như bạn đã nghe, vì nếu tuốt lá không khéo sẽ tuốt luôn cả những mầm hoa đang có ở nách lá. Phải canh ngày lẩy lá Mai sao cho đúng lúc, đây có thể được coi là một công việc quan trọng số 1. Với công việc này trong dân gian có khá nhiều kinh nghiệm khác nhau. Chúng tôi xin giới thiệu một số kinh nghiệm để bạn tham khảo và áp dụng thử.

Với những năm không có biến động lớn gì về thời tiết trong tháng chạp, thì với loại Mai vàng 5 cánh người ta thường lẩy lá Mai vào rằm tháng chạp . Nếu tháng chạp năm đó trời nắng nóng hoặc có gió chướng mạnh thì Mai sẽ nở sớm hơn, vì thế phải lẩy lá mai trể hơn (có thể từ 16-20 tháng chạp). Ngược lại nếu năm nào mưa nhiều mùa mưa chấm dứt muộn, thời tiết tháng chạp lạnh nhiều hoặc ít có gió chướng thì mai sẽ nổ trễ hơn, vì thế phải lẩy lá Mai vào trước ngày rằm (10-14 tháng chạp). Những năm nào có tháng nhuần, những năm lập xuân sớm thường Mai cũng nở sớm, vì thế cũng phải lẩy lá Mai trể hơn so với những năm không nhuần hoặc lập xuân trể. Những cây Mai được trồng ở những chổ đất tốt, phát triển tốt thường nở hoa trể hơn những cây Mai trồng ở chổ đất xấu còi cọc, vì thế cũng được lẩy lá sớm hơn. Những giống Mai có nhiều cánh (khoảng 12 cánh trở lên) cũng thường nở hoa trể hơn giống Mai vàng 5 cánh vài ngày vì thế cũng phải lẩy lá Mai sớm hơn.

Theo kinh nghiệm của nhiều người thì họ thường canh lẩy lá Mai làm sao để đến ngày 23 tháng chạp (ngày ông táo về trời) nụ hoa bung vỏ lụa thì hoa sẽ nở đúng vào Tết. Nếu đến ngày đó mà nụ hoa chưa bung vỏ lụa thì tìm cách đưa cây Mai ra chổ nắng (nếu có thể được) tưới nước vào buổi trưa hoặc tưới bằng nước nóng âm ấm tay. Ngược lại nếu nụ hoa đã bung vỏ lụa trước ngày 23 tháng chạp thì phải tìm cách đưa cây Mai vào chổ mát, trong phòng tối (nếu có thể được), tưới nước vào sáng sớm, tưới thêm phân đạm pha loãng để làm chậm lại thời gian nở hoa của cây. Xin lưu ý với bạn là khi lẩy lá Mai không được nắm tuốt lá vì như vậy sẽ làm gẫy, tét mầm hoa. Nên một tay nắm chắt cành, tay còn lại cầm chắc từng lá Mai lật ngược về phía sau hoặc nắm chắc lá kéo lên phía trên, cuống lá sẽ đứt. Phải lẫy hết toàn bộ số lá trên cây. Sau khi lẫy lá, ngừng tưới nước một vài ngày, rồi lại tiếp tục tưới nước trở lại bình thường.
Trên đây là những kinh nghiệm dân gian, để có kết quả cao bạn nên làm thử một số cây rồi rút kinh nghiệm dần cho đến khi đạt kết quả.

 

Các bài viết khác: