Lê Quý Đôn, thuở nhỏ tên là Danh Phương, sau đổi thành Quý Đôn, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, quê làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông sinh ngày 5 thàng Bảy năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7, tức 2-8-1726.
Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời. Thân phụ ông là Lê Phú Thứ, sau đổi thành Lê Trọng Thứ, đỗ Tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 5 (1724), làm quan đến Hình bộ Thượng thư được phong tước hầu.
Lê Quý Đôn nổi tiếng thần đồng từ thuở nhỏ, hai tuổi, đã biết đọc chữ Hữu, chữ Vô; năm tuổi, đọc được nhiều bài Kinh thi; mười tuổi, học sử, mỗi ngày có thể thuộc hàng chục trang sách. 14 tuổi, ông từ quê nhà, theo cha lên Thăng Long học trường các bậc đại Nho. Tại đây, ngoài các bộ Tứ thư, Ngũ Kinh đã đọc từ trước, ông còn đọc đến Bách gia chư tử, và một ngày làm được mười bài thơ, bài phú không cần phải viết nháp.
Năm 18 tuổi (1743), Lê Quý Đôn đỗ Giải nguyên khoa thi Hương trường Sơn Nam. Sau đó, thi Hội không đỗ, ông về quê dạy học và viết bộ Lê triều thông sử (30 quyển) được Phan Huy Chú đánh giá cao.
Năm 27 tuổi (1752), Lê Quý Đôn đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi khi vào thi Đình, đỗ Bảng nhãn (tức đỗ đầu) (khoa này không lấy Trạng nguyên), thường gọi là Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Ông được bổ giữ chức Thị thư ở Hàn lâm viện; năm 1754, được sung chức Toản tu quốc sử; năm 1756, đi liêm phóng xứ Sơn Nam; tháng 5-1756, đổi sang phủ chúa Trịnh, coi việc quân sự; năm 1757, thăng chức Hàn lâm thị giảng. Cũng trong năm này, ông hoàn thành 2 bộ Thánh mô hiền phạm lục và Quần thư khảo biện.
Thánh mô hiền phạm lục gồm 12 thiên (12 đề mục) là bộ sách lớn, trong đó tác giả mượn lời nói của tiên nho để giáo dục mọi người theo con đường tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ do Nho giáo vạch ra. Quần thư khảo biện gồm hai quyển, hơn sáu vạn chữ, là một tập sách tham khảo, bàn bạc những vấn đề đã nêu trong các sách kinh điển cũ, để rút ra những bài học mới cho những ai muốn đi vào con đường chính trị thời nay. Sách gồm 142 điều, mỗi điều bàn một vấn đề rút ra từ lịch sử, rồi lại lấy lịch sử để chứng minh cho ý kiến của người viết. Lê Quý Đôn không đồng tình với những nhận định, bình luận của tất cả các học giả Trung Quốc trước đây và cực lực đả phá sự mù quáng sùng bái thời cũ.
Năm 1760, Lê Quý Đôn làm Phó sứ đoàn thần nhà Lê sang nhà Thanh báo tang Vua Lê Ý Tông và nộp cống. Năm 1762, đi sứ về, ông được thăng chức Thừa chỉ, tước Đinh thành bá, làm việc ở bí thư các. Lê Quý Đôn dâng sớ xin thiết định pháp chế cải cách về chính trị, nhưng không được nhà vua xét dùng.
Năm 1763, Lê Quý Đôn viết xong Bắc sứ thông lục gồm 4 quyển, là tác phẩm ghi chép tất cả các tài liệu về việc ông đi sứ sang nước Thanh từ năm 1760 đến 1762. Chính ở Bắc sứ thông lục đã chép bài văn xuôi bằng chữ nôm do Lê Quý Đôn viết. Đó là bài văn xuôi bằng tiếng Việt đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam.
Năm 1764, Lê Quý Đôn giữ chức Đốc đồng xứ Kinh Bắc; năm 1765, làm Tham chính Hải Dương. Ông cho rằng chúa Trịnh Doanh không biết trọng người tài, nên xin từ quan về nhà đóng cửa làm sách.
Năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm nối ngôi chúa, Lê Quý Đôn được cử giữ chức Thị thư, tham gia biên tập Quốc sử kiêm tư nghiệp Quốc Tử Giảm. Năm 1768, ông hoàn thành bộ Toàn Việt thi lục dâng lên nhà Vua và được thưởng hai mươi lạng bạc. Toàn Việt thi lục gồm 15 quyển, sưu tầm toàn bộ thơ ca còn lại từ thời Lý, Trần đến Hồng Đức đời Lê gồm 175 tác giả với 2.391 bài thơ bằng chữ Hán.
Năm 1770, Lê Quý Đôn làm Tham tán quân vụ đưa quân đi đánh dẹp Lê Duy Mật ở Thanh Hóa; năm 1772, đi điều tra tình hình chính sự vùng Lạng Sơn. Năm 1773, ông được thăng chức Bồi tụng và hoàn thành bộ Vân đài loại ngữ, bộ bách khoa thư đồ sộ nhất thời Trung đại Việt Nam, trong đó ông đã đem những hiểu biết của ông về triết học, thiên văn học, địa lý học, văn học, nghệ thuật,¦mà trình bày ra dưới nhiều đề mục.
Năm 1774, Trịnh Sâm đem quân thân chinh đánh Thuận Hóa, Lê Quý Đôn được giao giữ chức lưu thủ ở Thăng Long. Năm 1775, Lê Quý Đôn được giao điều hành nhóm biên soạn Quốc sử tục biên chép việc từ năm 1676 đến 1740, bổ sung cho khoảng trống trong bộ Quốc sử lớn.
Năm 1776, Lê Quý Độn làm Hiệp trấn Thuận Hóa. Chỉ trong 6 tháng ở đây, ông đã hoàn thành bộ Phủ biên tạp lục cũng có thể xem là bộ bách khoa toàn thư về một vùng được danh sĩ Ngô Thì Sĩ viết bài Bạt (Lời đề cuối) biểu thị sự khâm phục tài học uyên bác của Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục gồm 6 quyển là tập bút ký viết về Đường Trong, nhất là từ xứ Thuận và xứ Quảng từ thế kỷ 18 trở về trước. Đó là tác phẩm có giá trị không những đối với những nhà nghiên cứu lịch sử, văn học, mà còn rất cần thiết đối với những nhà nghiên cứu địa lý Việt Nam.
Cuối năm 1776, Lê Quý Đôn được cử giũ chức Hành bộ phiên Cơ mật sự vụ kiêm Chưởng tài phú.
Năm 1777, Lê Quý Đôn soạn xong Kiến văn tiểu lục gồm 12 quyển, tác phẩm không những có giá trị về văn học, mà còn về sử học nữa. Nhờ có Kiến văn tiểu lục, ngày nay chúng ta mới có thể biết được phần nào đời sống, phong tục của nhân dân và nghệ thuật thời Lý – Trần.
Năm 1778, ông được cử làm Hành tham tụng, nhưng ông xin chuyển hẳn sang Ban võ, được giao chức Hữu hiệu điểm, quyền phủ sự, tước Nghĩa phái hầu; năm 1781, Lê Quý Đôn được cử giữ chức Quốc sử Tổng tài; đầu năm 1783, đi làm Hiệp trấn Nghệ An.
Ngày 2-6-1784 (ngày 14 tháng Tư năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45), Lê Quý Đôn đã trút hơi thở cuối cùng khi đang còn tại chức. Trước khi mất, ông được thăng chức Thượng thư Bộ Công.
Triều đình Lê – Trịnh cho nghỉ chầu mấy ngày liền để tỏ lòng thương tiếc một nhân vật tài hoa của đất nước và cử Tham tụng Bùi Huy Bích làm chủ lễ tang. Bùi Huy Bích, thay mặt vua Lê, chúa Trịnh và những người từng theo học Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn, đọc lời vĩnh biệt, trong đó có câu: Học vấn sâu rộng, văn chương lỗi lạc, thông minh nhất đời, trước tác không mệt. Nước Nam ta trong khoảng hai trăm năm nay mới có một người như thầy,¦
Lê Quý Đôn là một học giả uyên bác, một nhà khoa học kiệt xuất, và giới nghiên cứu thế giới xem ông là nhà bác học nổi tiếng về lĩnh vực văn hóa của nước ta. Ông là tác giả của 50 bộ sách, với hàng trăm quyển, gồm cả khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên.
Với Vân đài loại ngữ, Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn là nhà bách khoa toàn thư, nhà bác học lớn. Với Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Thư kinh diễn nghĩa, Lê Quý Đôn là nhà chính trị, tư tưởng và nhà bình luận sử, triết. Quan niệm triết học của Lê Quý Đôn về căn bản là duy vật, nhưng chủ nghĩa duy vật của ông có những điểm giống chủ nghĩa duy vật chất phác thời cổ đại Hy Lạp và La Mã. Với Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt văn hải, Kiến văn tiểu lục, Quế đường thi tập, ông là nhà lý luận, khảo cứu, sưu tầm văn học, đồng thời là nhà thơ. Với Lê triều thông sử, Quốc sử tục biên, Bắc sử thông lục, Lê Quý Đôn là nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà văn viết ký bằng văn xuôi Nôm sớm nhất nước ta,¦Ông còn là nhà giáo tài năng lỗi lạc.
Các tri thức của thế kỷ 18 từ lịch sử, chính trị, quân sự, văn học, nghệ thuật, triết học đến thiên văn học, địa lý học, Phật giáo, Nho giáo,¦không có môn nào mà Lê Quý Đôn không hiểu biết một cách sâu rộng. Ông không những nổi tiếng về sự uyên bác, mà còn nổi tiếng ở quan điểm tiến bộ của ông về triết học, tư tưởng và chính trị.
Công trình trước tác và sáng tác của Lê Quý Đôn gồm một thư tịch đồ sộ về nhiều bộ môn: lịch sử, địa lý, văn học, ngôn ngữ học, triết học,¦Ông là cây đại thụ trong học thuật và trong lịch sử văn hóa dân tộc. Ngày nay, nhiều nhà khoa học vẫn tìm thấy ở các công trình của ông nhiều tài liệu gốc thật quý giá, một tri thức khổng lồ trên hai phương diên lý thuyết và thực tiễn,¦Lê Quý Đôn vừa đi trước thời đại, vừa đánh dấu bước tiến nhảy vọt của văn hóa nước ta thế kỷ 18.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã nhận xét về ông: Ông (Lê Quý Đôn) tư chất khác đời, thông minh hơn người,¦Bình sinh làm sách rất nhiều, khi bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói đến điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trưởng của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời.
Sự xuất hiện nhân vật Lê Quý Đôn ở thế kỷ 18 đã làm rạng rỡ lịch sử dân tộc Việt Nam.
Văn Chính
- Công bố danh sách Bộ chính trị khóa XII (28/01/2016)
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng họp phiên bế mạc (28/01/2016)
- Đại hội XII, kỳ vọng của nhân dân và vận hội lớn của đất nước (20/01/2016)
- Thủ tướng phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2016-2020 (08/12/2015)
- Phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (05/11/2015)
- Xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm (04/05/2011)
- Nhân rộng mô hình nuôi cá vược ở vùng nước lợ (04/05/2011)
- Tứ phương vô sự và khát vọng hòa bình (21/04/2011)
- Lần đầu tiên ghép tim thành công tại bệnh viện Trung ương Huế: Các bác sỹ làm rạng danh Việt Nam (21/04/2011)
- Áp dụng các hệ thống quản lý, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng và phát triển bền vững (21/04/2011)