Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế 20 năm xây dựng và phát triển

Được thành lập vào ngày 17/9/1993, với nhiệm vụ chính là tập hợp, đoàn kết, phát huy tiềm năng, trí tuệ của trí thức khoa học và công nghệ để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tổ chức và hướng dẫn phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học và công nghệ; tham gia nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và bảo vệ môi trường; tích cực góp phần vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và phổ biến kiến thức cho quần chúng; thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế đã trải qua 20 năm xây dựng và phát triển.

Trải qua 4 kỳ đại hội, mỗi thời kỳ đều có những khó khăn riêng nhưng khát vọng chung là làm sao để tổ chức Liêp hiệp hội làm tốt các nhiệm vụ theo chức năng của mình, trở thành ngôi nhà chung, là mái ấm của đội ngũ trí thức tỉnh Thừa Thiên Huế. Chính vì vậy, Liên hiệp hội luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức; thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội; triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; thông tin, phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí; khuyến khích trí thức sáng tạo nhiều công trình, sản phẩm có giá trị khoa học, có khả năng ứng dụng cao.

Công tác xây dựng và phát triển tổ chức

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong những năm qua, với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Liên hiệp hội luôn chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức từ cơ quan Liên hiệp hội đến các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc, đến nay cơ quan thường trực đã có 3 phòng, ban với số cán bộ, viên chức 11 người, đã thành lập Đảng đoàn Liên hiệp hội, chi bộ Đảng và chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh; có 38 tổ chức thành viên với hơn 20.000 hội viên, 06 trung tâm khoa học – công nghệ, 02 câu lạc bộ và một nhóm trực thuộc. Trong đó: Có 16 hội hoạt động trong lĩnh vực y tế, 15 hội hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng, kinh tế, quy hoạch, 7 hội hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Một số hội thành viên có số lượng hội viên và mạng lưới phân hội, chi hội được phát triển  mở rộng

đến phường, xã, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp như: Hội Đông y, Châm cứu, Luật gia, Chăn nuôi Thú y, Làm vườn, Nuôi ong, Lịch sử…tất cả được vận hành theo quy chế vừa bảo đảm tính chặt chẽ của một tổ chức chính trị, vừa bảo đảm tính thông thoáng của một tổ chức mang tính xã hội, là điều kiện thiết yếu để hoạt động của LHH dần dần đi vào nền nếp, có chất lượng và  hiệu quả. Vai trò, vị trí của LHH ngày càng được khẳng định trong đời sống chính trị – xã hội, góp phần nhất định vào công cuộc xây dựng, phát triển của tỉnh nhà.

Hoạt động chính trị – xã hội

Là thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, quản lý nhà nước của UBND tỉnh. Các hoạt động chính trị – xã hội luôn được Liên hiệp hội thực hiện một cách nghiêm túc. Cán bộ, hội viên của Liên hiệp hội đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho các văn kiện đại hội đảng toàn quốc, đại hội Tỉnh đảng bộ; các chương trình, đề án, các hội nghị, hội thảo của tỉnh, của các ngành. Câu lac bộ trí thức trẻ và Đoàn thanh niên thuộc Liên hiệp hội đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, tổ chức nhiều đợt công tác xã hội, tặng hàng trăm xuất quà có giá trị cho người nghèo và trẻ em khó khăn.

 Các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc có nhiều hoạt động xã hội như tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi và các đối tượng chính sách, khôi phục và phát triển nền y học cổ truyền; tham gia các chương trình xã hội như bảo vệ môi trường, giảm nghèo, quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt…

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Đây là một trong những nhiệm vụ cơ bản và quan trọng của Liên hiệp hội. Thông qua hoạt động này, lực lượng trí thức, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành có cơ hội để đóng góp tri thức và tâm huyết của mình đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đồng thời khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Liên hiệp hội đã tổ chức và tham gia phản biện 09 đồ án quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên ðịa bàn tỉnh. Các báo cáo phản biện của Liên hiệp hội được lãnh đạo tỉnh và các chủ dự án, các tổ chức tư vấn đánh giá cao, tiếp thu, chỉnh lý. Liên hiệp hội đang tiếp tục cố gắng tập hợp lực lượng trí thức, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia để triển khai tốt hơn hoạt động này.

Bên cạnh đó, các hội thành viên như hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, hội Khoa học Lịch sử,… đã tham gia tư vấn và phản biện nhiều đề án, dự án như: Quy hoạch, bảo tồn phát huy giá trị tổng thể Văn Thánh, Võ Thánh; dự án tu bổ hệ thống kinh thành Huế; Kế hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc…Các trung tâm trực thuộc đã thực hiện nhiều nghiên cứu, tư vấn xây dựng dự án, đánh giá tác động của các dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ trên địa bàn tỉnh và trong nước như: các dự án của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), SNV, ADB…được các tổ chức này tín nhiệm và tiếp tục hợp tác. Nhóm đánh giá tác động môi trường, xã hội (SIEA), tuy mới thành lập nhưng đã thực hiện đánh giá tác động môi trường, xã hội của một số công trình thủy điện trong và ngoài tỉnh.

Tuy vậy, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả so với tiềm năng, thế mạnh. Liên hiệp hội sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế và tích cực cải tiến phương thức tổ chức, làm cho hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, góp phần vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

 Hoạt động khuyến khích sáng tạo

 Qua 06 tổ chức lần Cuộc thi, 06 lần Hội thi và 05 lần Giải thưởng, các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh ngày càng có những bước tiến quan trọng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, đã có hơn 1.000 mô hình, sản phẩm tham gia Cuộc thi; gần 180 công trình tham gia Giải thưởng và trên 180 giải pháp tham dự Hội thi, trong đó có 51 mô hình, sản phẩm được trao giải Cuộc thi, 88 công trình được trao Giải thưởng và 91 giải pháp được trao thưởng Hội thi cấp tỉnh. Số lượng các đề tài, giải pháp, công trình đạt giải toàn quốc ngày càng tăng, đặc biệt là tại Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ toàn quốc năm 2012, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 05 công trình được trao giải/16 công trình dự thi, đây là lần đầu tiên Thừa Thiên Huế có nhiều công trình tham gia và đạt giải….Nhiều đề tài khoa học, công trình dự thi đạt giải đã được triển khai ứng dụng rộng

rãi góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội trong và ngoài tỉnh như: Bokashi trầu; Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp etylen và ứng dụng trong bảo quản chuối tiêu Nam Đông; Các giải pháp sáng tạo kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế; Các giải pháp kết nối mở rộng hệ thống giám sát điều khiển và thu thập dữ liệu cho lưới điện trung áp tỉnh Thừa Thiên Huế; Cụm công trình Chế tạo bạc nano bằng phương pháp sinh học và ứng dụng…nhiều công trình trên lĩnh vực y tế đã được ứng dụng rộng rãi góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức

Đây là một trong những hoạt động luôn được Liên hiệp hội quan tâm tăng cường và nâng cao chất lượng, với Bản tin Khoa học Kỹ thuật ra đều đặn 2 tháng/1số, ngày càng được cải tiến về nội dung và hình thức. Tính đến tháng 9/2013, Liên hiệp hội đã xuất bản được 40 số Bản tin Khoa học và kỹ thuật với 20.000 bản, phát hành đến tận các nhà văn hóa, bưu điện văn hóa, phòng đọc sách của tất cả các thôn trên địa bàn tỉnh. Nhiều hội thành viên đã xuất bản các ấn phẩm có chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, được xuất bản rộng rãi, như: Hội Khoa học Lịch sử với tạp chí Huế xưa và nay, cùng một số đầu sách như “Đạm Phương – Chân dung nhà văn hóa đầu thế kỷ XX”, “Tôn Thất Tùng – Phác thảo chân dung nhà y học Tỉnh Thừa Thiên Huế thời hiện đại”. Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Chăn nuôi Thú y, Hội Đông y, Hội Tim mạch, Hội Phụ sản,…đã phát hành ấn phẩm định kỳ, có nội dung thiết thực.

Trang thông tin điện tử tổng hợp của Liên hiệp hội đã được xây dựng, nâng cấp, thay đổi giao diện, cấu trúc và bổ sung thêm các chuyên mục để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Thông tin luôn được cập nhật thường xuyên, đặc biệt là các thông tin về nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài, công trình khoa học, kỹ thuật, các mô hình kinh tế…Chính vì vậy, lượng người truy cập ngày càng tăng, bất cứ thời điểm nào cũng có hàng chục đến hàng trăm lượt người truy cập. Hiện nay, đã có gần 2.000.000 lượt người truy cập. Bên cạnh đó, các trung tâm trực thuộc đều có trang tin điện tử riêng và xuất bản nhiều ấn phẩm để phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật.

Ngoài ra, Liên hiệp hội đã thường xuyên phối hợp với Câu lạc bộ Phú Xuân và các tổ chức khác đã tổ chức hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề khoa học – công nghệ, về chăm sóc sức khoẻ cho người dân, phối hợp với huyện Quảng Điền tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện về Biến đổi khí hậu, phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức Chiến dịch truyền thông hạn chế sử dụng túi ni lông; Chuyên đề Biến đổi khí hậu trên Đài truyền thanh huyện Quảng Điền; Hàng trăm lớp tập huấn và hội thảo khoa học đã được thực hiện với hàng ngàn người tham gia.

Liên hiệp hội và các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc đã chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác, huy động nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Hàng chục dự án với hàng chục tỷ đồng tài trợ từ các tổ chức quốc tế cho các mục tiêu giảm nghèo, nâng cao năng lực, ứng phó với biến đổi khí hậu…được các cán bộ, hội viên của Liên hiệp hội thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả.

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đã trở thành một tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn, đã có bước phát triển nhanh chóng, được tổ chức rộng khắp trên địa bàn tỉnh, tập hợp đông đảo trí thức khoa học và công nghệ, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt hoạt động. Nhờ đó, vai trò, vị trí của Liên hiệp hội trong xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao, được Liên hiệp hội Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các cấp, các ngành đánh giá cao.

Thời gian tới, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo chức năng; tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức của Liên hiệp hội và các hội thành viên, xây dựng Liên hiệp hội ngày càng vững mạnh. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên; giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, quan tâm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp trí thức khoa học và công nghệ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc. Phát huy tính sáng tạo, tinh thần hợp tác trong hoạt động khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tạo điều kiện để các hội thành viên đăng ký tham gia ngày càng nhiều hơn vào các chương trình nghiên cứu khoa học của tỉnh; khuyến khích phát huy niềm say mê, ý chí tiến thủ để vươn lên của thế hệ trẻ. Làm tốt công tác truyền, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ; tổ chức phong trào nhân dân sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Tổ chức tốt các cuộc thi, hội thi và giải thưởng; phát hiện và tôn vinh kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ.

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ nêu trên, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn nữa của Liên hiệp hội Việt Nam, của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cùng với sự nỗ lực của các hội thành viên, các trung tâm, đơn vị trực thuộc và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, phấn đấu xây dựng Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế thật sự vững mạnh, xứng đáng là một tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành thành phố trực thuộc trung ương và trung tâm khoa học, công nghệ của cả nước.

TRẦN GIẢI

 

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: