Nếu Quý vị có điều gì cần tư vấn về khoa học công nghệ, xin vui lòng đặt câu hỏi tại đây. Vui lòng bấm vào câu hỏi để xem nội dung trả lời.
Hỏi: xin hỏi Kỹ thuật chăm sóc rừng keo theo hướng lấy gổ xẻ là chính thì làm như thế nào? cam ơn.
nguyen van son (nguyenvanson65@gmail.com) – 29/09/2014


Đáp: Gỗ xẻ của các loại keo là sản phẩm của rừng kinh tế có giá cao hơn 1,5-2,0 lần so với giá bán gỗ nguyên liệu dăm giấy. Nhu cầu cầu gỗ xẻ phục vụ xây dựng cơ bản và đồ mộc gia dụng thay thế các loại gỗ khai thác từ rừng ngày càng cao. Để tạo ra sản phẩm gỗ xẻ từ rừng keo thì cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:

* Về chọn Cây giống: Chọn cây thân thẳng, không cụt ngọn, không bị sâu bệnh hại, có sức sinh trưởng, phát triển tốt và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giống ít phân cành, sinh trưởng tốt tại các vườn ươm có uy tín và đảm bảo.

* Các biện pháp thâm canh trong trồng rừng phải đặc biệt lưu ý thực hiện đảm bảo các khâu: làm đất, trồng cây, bón phân, chăm sóc phải thực hiện đúng theo quy trình thâm canh trồng rừng.

* Mật độ trồng rừng: Có thể trồng với mật độ ban đầu cao hơn, sau đó chọn cây sinh trưởng phát triển tốt, thân thẳng, tròn đều… để lại nuôi dưỡng thành cây gỗ lớn.  Ban đầu trồng bố trí với mật độ vừa phải khoảng 1600cây/ha, với cự ly bố trí: cây cách cây 2m, hàng cách hàng 3m.

* Tỉa thân: Mục đích của tỉa thân là để tạo ra cây chỉ có một thân nhưng có đường kính lớn hơn, thay vì nhiều thân nhưng đường kính nhỏ hơn. Việc này sẽ giúp tăng trữ lượng gỗ và qua đó cho thu nhập cao hơn. Việc tỉa thân chỉ áp dụng trên các cây có nhiều thân. Tỉa thân lần đầu vào lần chăm sóc thứ 2 của năm thứ 2, khi các thân đang còn nhỏ. Trên cây có nhiều thân, chọn ra thân tốt nhất, lớn nhất và thẳng, sau đó cắt bỏ hết những thân cạnh tranh khác; dùng kéo cắt cành hoặc cưa, không dùng dao, rựa để tỉa thân; Các lần chăm sóc tiếp theo kiểm tra nếu cây tiếp tục phân cành có thể tạo ra 2 thân thì tiếp tục tỉa thân để đảm bảo toàn bộ số cây trưởng thành có 1 thân duy nhất.

* Tỉa cành: Mục tiêu của tỉa cành là nâng cao chất lượng gỗ. Việc tỉa cành sớm sẽ giảm thiểu kích thước của lõi mắt và số mắt chết trong gỗ. Việc tỉa cành cũng tạo góp phần loại bỏ những cành bị tổn thương hoặc đã bị nhiễm bệnh, hạn chế sâu bệnh cho rừng. Tỉa cành vào những lần chăm sóc cuối mùa mưa hàng năm. Không nên tỉa cành vào lần chăm sóc đầu mùa mưa vì đây là mùa sinh trưởng chính, sau khi tỉa cành dinh dưỡng sẽ tập trung vào thân chính làm cho cây có thể bị mướt, dễ bị gãy hoặc nghiêng trong mùa mưa. Yêu cầu tỉa toàn bộ cành lên độ cao tối đa 30% tổng chiều cao cây kể từ mặt đất, kỹ thuật như sau: Đối với cành nhỏ, dùng kéo tỉa cành cắt sát vào gốc cành, tránh làm tổn thương gốc cành vì đây là nơi bắt đầu quá trình liền sẹo. Đối với cành lớn, dùng cưa để cắt. Trước tiên, để tránh bị toác ở gốc cành khi tỉa, cần phải cắt bỏ phần cành mang lá bên ngoài để giảm trọng lượng của cành. Cưa nhẹ phía dưới cành cách gốc cành khoảng 10cm, sâu khoảng 1/4 đường kính cành, sau đó cưa phía trên bên ngoài cách vết cưa trước khoảng 1cm để cắt bỏ phần cành mang lá. Cưa sát gốc cành để cắt bỏ phần cành còn lại. Đối với những cành cao quá tầm với phải dùng kéo cắt cành trên cao, không dùng câu liêm để giật, vì sẽ gây tổn thương gốc cành. Tuyệt đối không được để lại gốc cành kiểu móc áo trên thân.

* Tỉa thưa: Kinh doanh gỗ xẻ phải chú trọng công tác tỉa thưa rừng, năm thứ 4 bắt đầu tỉa thưa, để lại mật độ hợp lý trong khoảng 600 – 800cây/ha giúp cây có đủ điều kiện để phát triển đường kính đáp ứng tiêu chuẩn gỗ xẻ. Mục đích gia tăng chất lượng lâm phần và tỉ lệ sinh trưởng của cây, tạo ra các sản phẩm gỗ có chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường; mở tán tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, vệ sịnh rừng, giảm nguy cơ sâu bệnh, cháy rừng. Sau khi tỉa thưa, lấy toàn bộ sản phẩm tỉa thưa ra khỏi rừng, cành nhánh và lá để lại trong rừng để chống xói mòn và hoàn trả các chất dinh dưỡng cho đất.

Kỹ thuật tỉa thưa:  Lựa chọn các cây đang cạnh tranh, lấn át cây trồng chính, cây bị sâu bệnh, cây sinh trưởng kém, cong queo tiến hành loại bỏ, nhưng phải chú ý để lại sự phân bố cây đồng đều, tránh loại bỏ nhiều cây tại một vị trí. Xác định hướng đổ sao cho không làm hư hại hoặc chỉ hư hại rất ít đến những cây đã chọn giữ lại. Cắt sát gốc, chiều cao gốc chặt không quá 1/2 đường kính gốc cây. Sau khi tỉa thưa, băm nhỏ cành nhánh và dồn thành hàng trong rừng trồng để hạn chế rủi ro gây cháy rừng.

* Khai thác: Cây được khai thác trắng sau 10 đến 15 năm trồng, tùy theo nhu cầu thị trường gỗ xẻ.

Thời vụ khai thác: Khai thác vào mùa khô để thuận lợi trong chặt hạ và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Cắt hạ cây sát gốc để tận dụng tối đa sản phẩm. Chiều cao gốc chặt không quá 1/3 đường kính gốc cây.

            Vệ sinh rừng sau khai thác: Sau khi lấy toàn bộ các sản phẩm gỗ, cành to có thể sử dụng làm củi ra khỏi rừng, băm nhỏ các cành nhánh, lá và vỏ để lại, dải đều và lấp đất lên để nhanh mục và tránh bị cháy trong mùa khô, chống xói mòn và hoàn trả lại dinh dưỡng cho đất.

Với các kỹ thuật cơ bản trong thực hiện trồng rừng kinh doanh gỗ xẻ, nếu được thực hiện đảm bảo thì với chu kỳ kinh doanh từ 10 đến 15 năm thì người trồng rừng có thể thu hoạch sản phẩm gỗ xẻ đạt chất lượng cao với hiệu quả tăng từ 2 đến 3 lần.

 

Ngô Trí – Hồ Thành

 

 

 

 

 

Các bài viết khác: