GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định: Với vai trò Hội thành viên của Mặt trận, Tổng Hội Y học Việt Nam sẽ mời các nhà trí thức, giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực y tế cùng tham gia giám sát về hành nghề y tế tư nhân. Thể hiện tinh thần đó, ngày 10-9, UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam và Tổng hội Dược học Việt Nam sẽ ký kết chương trình phối hợp giám sát về việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế ngoài công lập.
PV: Nhân sự kiện MTTQ Việt Nam tổ chức gặp mặt 20 trí thức, nhà khoa học tiêu biểu để cùng thảo luận về công tác giám sát và phản biện xã hội, quan điểm của GS trong việc MTTQ Việt Nam sử dụng đội ngũ trí thức hiện nay như thế nào?
GS. Phạm Mạnh Hùng: Từ đầu năm đến nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến làm việc với Tổng hội Y học Việt Nam 4 lần để giao nhiệm vụ cho Tổng hội Y học Việt Nam tham gia giám sát về hành nghề y tế tư nhân. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để sử dụng một trong những Hội trí thức tham gia công việc xã hội. Tuy vậy, để sử dụng đội ngũ trí thức tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần thiết thực thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương Đảng khóa X về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước, thì điều quan trọng nhất vẫn là phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với trí thức. Hiện nay, phương thức ấy có thể nói chưa thực sự cụ thể và rõ ràng. Điểm đầu tiên chúng ta nên học tập các vị tiền nhân trong việc sử dụng đội ngũ trí thức. Trước hết nên học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách dùng và sử dụng trí thức để xây dựng một phương cách sử dụng và lãnh đạo trí thức. Điểm thứ hai, phải thay đổi một số việc cụ thể. Tôi có cảm giác, lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp đội ngũ trí thức nhiều nhưng sử dụng ý kiến của trí thức còn hạn chế. Chính vì vậy, phải thay đổi cả phương thức gặp, không gặp thì thôi nhưng nếu gặp phải hiệu quả. Điểm thứ 3, là hiểu đúng về trí thức. Hiện nay, nhiều cấp, bộ, ngành khi nói đến trí thức là nói ngay đến chế độ đãi ngộ trí thức. Quan điểm này không hoàn toàn đúng. Cái vinh dự nhất của người trí thức chân chính là được nghe ý kiến, được góp ý kiến và được tạo điều kiện đóng góp cho xã hội. Tiền bạc, nhà cửa ai cũng cần nhưng đấy không phải là cái đầu tiên mà người trí thức mong muốn.
Vậy, theo Giáo sư, đội ngũ trí thức đang mong Đảng, Nhà nước có cơ chế gì để tạo điều kiện cho các nhà trí thức phát huy hết khả năng của mình đóng góp cho xã hội?
– Trước hết, chúng ta đừng hình thức hóa một số việc. Chắng hạn, về vấn đề giám sát, phản biện một số việc thì đây là một vấn đề mà Bộ Chính trị đã có Nghị quyết giao cho MTTQ Việt Nam đảm nhận; Thủ tướng Chính phủ cũng có những chỉ đạo nhưng việc này cũng cần phải đưa vào thực hành một cách hết sức cụ thể. Nếu giao cho Hội trí thức tham gia vào vấn đề phản biện, giám sát thì cũng cần phải có cơ chế tài chính đi kèm. Hiện nay, các văn bản góp ý thường gửi đến một cách rất ngắn gọn về mặt thời gian. Tổng hội Y học Việt Nam cũng đã nhận được rất nhiều văn bản mà ngày nhận được văn bản cũng là ngày kết thúc cuộc góp ý! Bên cạnh đó cũng phải xác định rõ vai trò của các Hội trí thức. Lập ra hội để làm gì? Chúng ta cũng một tư duy kiểu cũ như Hội chỉ làm nhiệm vụ tập hợp trí thức một cách đơn thuần về mặt chính trị. Việc này đúng nhưng chưa đủ. Việc tập hợp này để đội ngũ trí thức cùng thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước nhưng lại chưa tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tham gia vào các dịch vụ công của xã hội.
Việc thực hiện giám sát các phòng khám, nhà thuốc tư nhân phải đúng với quy định của pháp luật Ảnh: Hoàng Long
Thưa GS, MTTQ Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tuy nhiên muốn giám sát và phản biện thành công thì phải dựa vào đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, những người có trình độ nhất định…
– Tôi cho rằng, đây là việc làm tất yếu để phát huy vai trò của trí thức. Người tham gia giám sát và phản biện xã hội đòi hỏi phải có kiến thức; không chỉ kiến thức về mặt quản lý, kiến thức về mặt xã hội và đòi hỏi kiến thức cả về chuyên môn, nghiệp vụ. Ví dụ, như Tổng hội Y học Việt Nam được giao nhiệm vụ giám sát hành nghề y tế tư nhân thì cũng cần phải hiểu y tế tư nhân là gì? Mục đích, chính sách của Chính phủ đối với y tế tư nhân, đặc thù của y tế tư nhân… trên cơ sở đó mới có thể vạch ra được mục đích giám sát, nội dung giám sát, phương tiện giám sát, tổ chức việc giám sát…
Vậy, Tổng hội Y học Việt Nam đã có chương trình giám sát riêng có của mình để giám sát và phản biện?
“Cần hiểu đúng về trí thức. Hiện nay, nhiều cấp, bộ, ngành khi nói đến trí thức là nói ngay đến chế độ đãi ngộ. Quan điểm này không hoàn toàn đúng. Điều vinh dự nhất của người trí thức chân chính là được nghe ý kiến, được góp ý kiến và được tạo điều kiện đóng góp cho xã hội. Tiền bạc, nhà cửa ai cũng cần nhưng đấy không phải là cái đầu tiên mà người trí thức mong muốn”. |
– Ngày 10-9, UBTƯMTTQ Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam, Tổng hội Dược học Việt Nam sẽ ký một chương trình giám sát về việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế ngoài công lập. Mặt trận sẽ chủ trì, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ là người tham gia. Để làm tốt việc trên, Tổng hội Y học Việt Nam sẽ huy động các Hội thành viên ở địa phương, Trung ương, các nhà trí thức trong Hội cùng tham gia. Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá đây là việc quan trọng để chấn chỉnh các thiếu sót về ngành y tế tư nhân của ta hiện nay.
Trong dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII sắp diễn ra, luôn khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức thể hiện sự quan tâm của Mặt trận trong việc tập hợp, huy động sức mạnh của đội ngũ trí thức? Giáo sư đánh giá thế nào về việc này?
– Tôi cho rằng, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là một nội dung mới, quan trọng của Đại hội lần thứ VIII mà MTTQ Việt Nam đề ra. Tuy nhiên, để vai trò của đội ngũ trí thức được phát huy cao độ thì cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo và sử dụng đội ngũ trí thức. Trước, ta cũng tổ chức những diễn đàn để trí thức tham gia nhưng diễn đàn này chỉ mang tính chất đơn lẻ, tự phát chứ chưa thực sự tạo ra được một diễn đàn rộng lớn giống như việc MTTQ Việt Nam đã làm.
Trân trọng cám ơn Giáo sư!
Nguyễn Phượng – Báo Đại đoàn kết