MERS-CoV, CORONAVIRUS gây bệnh cho người

Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông hay còn gọi là MERS (Middle East Respiratory Syndrome) là bệnh gây ra bởi một loại coronavirus (MERS-CoV), cùng họ với virus đã gây ra bệnh SARS vào năm 2003. Mức độ lây lan của MERS không như SARS nhưng độ nguy hiểm không kém, tỉ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 40%.

MERS-CoV là thành viên Betacoronavirus, MERS-CoV khác với SARS và khác biệt với các coronavirus gây cảm lạnh thông thường ở người thuộc  betacoronaviruses là HCoV-OC43 và HCoV-HKU1.

1. Tính chất của virus

Cũng giống như virus gây bệnh SARS, dưới kính hiển vi điện tử MERS-CoV có bao ngoài và hình thái đa dạng, có đường kính từ 60 -130nm trên bề mặt của virus có các gai glycoprotein như hình vương miện, các gai này giúp cho virus bám vào các receptor của tế bào vật chủ và xâm nhập vào tế bào. Nucleocapsid bên trong hình xoắn chứa RNA một sơi dương, lớn có chiều dài 27-32 kb mã hóa cho các thành phần cấu trúc và chức năng của virus.

Phân loại của MERS-CoV

Virus ssRNA (virus RNA sợi dương)

Bộ: Nidovirales

Họ: Coronaviridae

Phân họ: Coronavirinae

Chi: Betacoronavirus [49]

Loài: Betacoronavirus 1 (thường được gọi là Human coronavirus OC43), Coronavirus người HKU1, Coronavirus chuột, Coronavirus dơi Pipistrellus HKU5, Coronavirus dơi rousettus HKU9, SARS-CoV, Coronavirus dơi tylonycteris HKU4, MERS-CoV.

Hầu hết các Coronavirus chỉ gây nhiễm tế bào của loài túc chủ tự nhiên của chúng, riêng MERS-CoV phát triển dễ dàng trên tế bào Vero và các tế bào LLC-MK2, chúng gây hiệu ứng tế bào bệnh lý (CPE), ở dạng tròn, bào tương lớn và nhân bị phân chia (dạng hợp bào) sau 2-4 ngày. Ở người, virus có ái tính mạnh mẽ cho các tế bào biểu mô phế quản, và MERS-CoV đã được chứng minh là có khả năng tránh các phản ứng miễn dịch tự nhiên và đối kháng interferon (IFN) sản xuất trong các tế bào.

2. Dịch tễ học

Các trường hợp nhiễm MERS-CoV được xác nhận đầu tiên được báo cáo ở Saudi Arabia năm 2012 [10]. Ngay sau đó, từ phổi của bệnh nhân nam tử vong Tiến sĩ Ali Mohamed Zaki phân lập và xác định một Coronavirus trước đó chưa hề biết. [12] [13] [14]. Một trường hợp thứ hai đã được tìm thấy vào tháng Chín năm 2012. Một nam 49 tuổi sống tại Qatar đã có các triệu chứng tương tự cúm, và đã phân lập được virus giống hệt với trường hợp đầu tiên [10]. Trong tháng 11 năm 2012, các trường hợp tương tự đã xuất hiện tại Qatar và Ả Rập Saudi, từ đó nghiên cứu và giám sát bệnh do Coronavirus mới này nhanh chóng bắt đầu.

MERS được ghi nhận lần đầu tại Saudi Arabia vào tháng 9 năm 2012, nhưng theo báo cáo vào tháng 4 năm 2012 đã có người bị MERS tại Jordan. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến ngày 12 tháng 6/2015 đã có hơn một nghìn hai trăm trường hợp nhiễm MERS-CoV được ghi nhận, số tử vong lên đến hơn 40%..

Theo báo cáo, hiện nay số người nhiễm MERS thuộc về 25 quốc gia, bao gồm 9 nước khu vực Trung Đông, 9 nước châu Âu, 3 quốc gia châu Phi, 1 quốc gia châu Mỹ (Mỹ) và 3 quốc gia châu Á (Malaysia, Philippines và Hàn Quốc). Bệnh lây lan liên quan đến việc đến làm việc, tham quan, du lịch tại các nước gần và trong bán đảo Ả Rập. Ngày 12 tháng 6 năm 2015, Hàn Quốc ghi nhận có 122 bệnh nhân bị nhiễm MERS-CoV, đã có 10 bệnh nhân tử vong và Trung Quốc cũng báo cáo có 1 trường hợp. Cho đến nay, chưa có trường hợp MERS nào được ghi nhận tại Việt Nam.

Virus corona gây MERS và các corona người lây truyền bệnh chủ yếu qua đường hô hấp từ các giọt chất tiết, ngoài ra còn có thể truyền qua tiếp xúc trực tiếp, các dụng cụ khí dung, nội soi phế quản. Người bệnh virus thải ra trong phân kéo dài nhiều tuần lễ, có thể là nguồn lây bệnh qua đường phân miệng.

Người ta tìm thấy MERS-CoV của người ở đường hô hấp một số loài dơi và lạc đà, do vậy virus corona gây MERS có thể là một virus từ ổ chứa động vật truyền cho người. Mới đây Tổ chức Y tế thế giới thông tin một nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng ổ chứa MERS-CoV có thể từ lạc đà. Virus MERS-CoV phân lập được từ lạc đà có khả năng nhân lên trong tế bào người và tương tự như virus phân lập được từ bệnh nhân nhiễm MERS-CoV. Thực tế, trong số các bệnh nhân được báo cáo nhiễm MERS-CoV, nhiều bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lạc đà và uống sữa lạc đà tươi.

3. Lâm sàng

Thời gian ủ bệnh cho MERS (thời gian từ khi một người tiếp xúc với MERS-CoV đến khi bắt đầu có triệu chứng) thường là khoảng 5 – 6 ngày, nhưng có thể dao động 2-14 ngày.

Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm:

Sốt trên 38°C

Ho

Khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh XQ tổn thương phổi ở các mức độ khác nhau. Một số người cũng có triệu chứng về tiêu hóa bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Đối với nhiều người bị MERS, có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm phổi và suy thận. Một số người bị nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ (giống như cảm lạnh) hoặc có nhiều trường hợp nhiễm MERS-CoV nhưng không có biểu hiện triệu chứng.

Hầu hết các độ tuổi đều có khả năng nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, theo ghi nhận hầu hết các trường hợp mắc là người già, nam giới; những người có bệnh bệnh mãn tính kèm theo thường có nguy cơ cao hơn.Những người có yếu tố dịch tễ như đi, đến vùng có dịch, tiếp xúc với người bệnh nếu có các triệu chứng như trên nên nhanh chóng đến khám tại cơ sở y tế.

4. Chẩn đoán phòng thí nghiệm

Phân lập virus từ bệnh phẩm chất tiết đường hô hấp, máu, phân trên nuôi cấy tế bào (tế bào VERO). Tuy nhiên chỉ có phòng thí nghiệm có mức an toàn sinh học cao (mức 3) mới được phép nuôi cấy virus này. Kỹ thuật chẩn đoán được dùng hiện nay là RT-PCR để xác định vật liệu RNA của virus, nó cho kết quả nhanh trong vòng 4 giờ. Chẩn đoán huyết thanh gồm kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang hay ELISA để xác định IgM và IgG, nhưng kháng thể thường xuất hiện muộn sau 2-3 tuần.

5. Phòng bệnh và điều trị

Phát hiện sớm và cách ly bệnh nhân bị bệnh là biện pháp hữu hiệu để phòng lây nhiễm cho người xung quanh, nhân viên y tế và người tiếp xúc với bệnh nhân cần phải đeo khẩu trang, áo quần bảo vệ đúng quy định, xử lý tốt chất thải người bệnh. Quy định của quốc tế hiện nay bệnh MERS cần phải thông báo dịch và kiểm dịch quốc tế. Hiện nay chưa có vacxin phòng bệnh.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ khuyến cáo mọi người tự bảo vệ mình khỏi căn bệnh này thông qua hoạt động phòng ngừa hàng ngày:

– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong 20 giây. Có thể sử dụng chất rửa tay chứa cồn.

– Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác.

– Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng rửa tay.

– Tránh tiếp xúc cá nhân với người bị bệnh.

– Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường chạm như đồ chơi và tay nắm cửa.

– Những người chăm sóc bệnh nhân MERS cần vệ sinh tay thường xuyên và đeo mặt nạ khi tiếp xúc trực tiếp cho đến khi bệnh nhân phục hồi.

– Tránh tiêu thụ các sản phẩm sữa, thịt sống hoặc chưa nấu chín.

– Do virus gây bệnh được tìm thấy trong một số con lạc đà, nên cần thận trọng khi tiếp xúc với lạc đà.

Tăng cường giám sát người nhập cảnh tại cửa khẩu đối với người về từ các nước Trung Đông, hoặc có tiền sử tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp trong vòng 14 ngày theo khuyến cáo của WHO.

Hiện chưa có thuốc kháng virus MERS-CoV đặc hiệu, không có điều trị cụ thể được đề nghị cho các bệnh nhân nhiễm MERS-CoV. Người mắc bệnh có thể được chăm sóc y tế để giúp giảm bớt các triệu chứng. Đối với những trường hợp nặng, điều trị hiện nay bao gồm chăm sóc để hỗ trợ các chức năng cơ quan trọng yếu như hô hấp hỗ trợ, thở máy, thẩm phân lọc máu…

Trần Đình Bình (Khoa KSNK, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế)

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. De Groot RJ et al. (15 May 2013). “Middle East Respiratory Syndrome Coronavirus (MERS-CoV): Announcement of the Coronavirus Study Group”Journal of Virology 87 (14): 7790–2. 

2.“Middle East respiratory syndrome coronavirus (MERS-CoV) – Republic of Korea”www.who.int. 24 May 2015.

3. “Middle East respiratory syndrome coronavirus (MERS-CoV) – China”. 31 May 2015.

4. “ECDC Rapid Risk Assessment – Severe respiratory disease associated with a novel coronavirus” (PDF). 19 Feb 2013.

5. Ali Mohamed Zaki; Sander van Boheemen; Theo M. Bestebroer; Albert D.M.E. Osterhaus; Ron A.M. Fouchier (8 November 2012). “Isolation of a novel coronavirus from a man with pneumonia in Saudi Arabia” (PDF). New England Journal of Medicine 367 (19): 1814–20.

6. Falco, Miriam (24 September 2012). “New SARS-like virus poses medical mystery”. CNN.

7. Dziadosz, Alexander (13 May 2013). “The doctor who discovered a new SARS-like virus says it will probably trigger an epidemic at some point, but not necessarily in its current form .”Reuters.

8. Bermingham, A.; Chand, MA.; Brown, CS.; Aarons, E.; Tong, C.; Langrish, C.; Hoschler, K.; Brown, K.; Galiano, M. (27 September 2012). “Severe respiratory illness caused by a novel coronavirus, in a patient transferred to the United Kingdom from the Middle East, September 2012” (PDF). Euro Surveillance 17 (40): 20290. 

9. VOV, VTV1. Bản tin ngày 12 tháng 6 năm 2015.

Người cập nhật: Nguyễn Doãn Quan

Các bài viết khác: