Một số giải pháp chống nóng cho vật nuôi trong múa nắng nóng

Nắng nóng với nhiệt độ cao kéo dài ảnh hướng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi. Trong những ngày vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường thường cao từ 35 – 40 độ C, thậm chí có nơi lên đến trên 41 độ C. Nhiệt độ môi trường cao đã làm giảm khả năng sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, tăng chi phí thức ăn, làm mát và nguy cơ dịch bệnh bùng phát . Để giảm thiểu tác động do nắng nóng gây hại trên gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần biết và áp dụng các biện pháp chống nóng cho vật nuôi phù hợp.

Dưới đây xin giới thiệu với bà con chăn nuôi một số cách chống nắng, nóng cho vật nuôi trong mùa nắng nóng như sau:

Các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng:

–  Tiến hành vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thu gom phân và chất thải hàng ngày.

– Giảm mật độ vật nuôi, không nuôi nhốt quá nhiều vật nuôi trong cùng ô chuồng, đảm bảo mật độ nuôi nhốt đối với từng loại vật nuôi như sau: Trâu bò thịt: 5 – 6 m2/con; Dê: 1,8 – 2 m2/con; Đối với gà con: úm 50 – 60 con/m2; đối với gà 0,5 – 1 kg: nuôi nhốt mật độ 8 – 12 con/m2; đối với gà 2 – 3 kg: nuôi nhốt mật độ 3 – 5 con/m2

– Tắm chải cho gia súc ngày từ 1 – 2 lần.

– Đảm bảo đầy đủ nước uống sạch có bổ sung vitamin C cho gia súc, gia cầm.

– Tăng cường thức ăn xanh trong khẩu phần, bổ sung các loại vitamin và chất điện giải.

– Thay đổi thời gian cho ăn cho phù hợp, cho gia súc gia cầm ăn vào lúc trời mát để tăng khả năng thu nhận thức ăn.

– Không chăn thả gia súc, gia cầm khi trời nắng. Nếu chăn thả nên chăn thả khi trời mát vào các thời điểm từ 6 – 9 giờ sáng, buổi chiều từ 16h – 18h là tốt nhất.

Các biện pháp về  xây dựng chuồng trại và cải tạo chuồng trại

Chuồng trại được xây dựng đúng kỹ thuật, sử dụng vật liệu che nắng, cách nhiệt phù hợp sẽ giúp giảm tác động của nắng, nóng lên vật nuôi đáng kể, đồng thởi giảm chi phí trong chăn nuôi.

* Xây dựng chuồng trại:

– Về vị trí xây dựng: Ngoài việc chọn địa điểm nơi cao ráo, dễ thoát nước, dễ làm vệ sinh, thì nên chọn nơi có nhiều cây xanh che bóng mát.

– Về hướng chuồng:  Tốt nhất chọn hướng chuống hạn chế nắng chiều chiếu trực tiếp vào chuồng nuôi. Nên chọn hướng Đông Nam hoặc hướng Nam là tốt nhất,  tránh gió Đông Bắc và ánh nắng không chiếu trực tiếp vào chuồng nuôi. Trường hợp không bố trí được hướng chuồng thuận lợi cần có các biện pháp che chắn mưa, nắng phù hợp.

– Về vật liệu sử dụng xây dựng chuồng trại: Tuỳ điều kiện kinh tế và vật liệu sẵn có tại địa phương khi làm chuồng nuôi có thể sử dụng các loại lá cây như lá cọ, lá dừa, lá mía, rơm,… hoặc các loại vật liệu cách nhiệt như tôn lạnh đển lợp mái chuồng nuôi.

– Chiều cao từ sàn chuồng đến đỉnh mái: Tối thiểu đạt 2,7m để đảm bảo thông thoáng. Đối với chuồng trại cũ, thấp cần tiến hành cơi nới để tăng chiều cao chuồng nuôi trước mùa nắng nóng.

– Nền chuồng: Nếu sử dụng đệm lót sinh thái thì cần chú ý tăng diện tích phàn nền không sử dụng đêm sinh thái và được lót bằng gạch hoặc xi măng.

* Cải tạo chuồng trại

Mặc dù chuồng trại xây dựng đúng kỹ thuật, tuy nhiên khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao cần tiến hành các biện pháp bổ sung để đảm bảo nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp với vật nuôi trong mùa nắng nóng. Dưới đây là một số biện pháp chống nắng nóng bổ sung như sau:

– Trồng cây dây leo hoặc lưới chống nắng che phủ mái chuồng nuôi

+ Che mát bằng cây dây leo: Đây là giải pháp tự nhiên, thân thiện với môi trường và có hiệu quả giảm nhiệt đáng kể cho mái và chuồng nuôi. Có thể trồng các loại cây dây leo như sắn dây, gấc, thiên lý, mành mành,… để che phủ mái chuồng nuôi, vừa che mát, làm cảnh đồng thời có thể cho thêm sản phẩm như trái cây, củ hoặc hoa làm rau. Tuy nhiên, cần làm khung đỡ dạng lưới đan chắc khoẻ, cách mái một khoảng tối thiểu từ 20 cm trở lên để tránh cành lá tiếp xúc trực tiếp với mái gây hư hại mái chuồng hoặc gây khô héo thân lá cây khi tiếp xúc với mái tôn, fibro xi-măng.

+  Sử dụng lưới đen che nắng: Sử dụng lưới đen che nắng cho mái lợp bằng tôn hoặc fibro xi-măng bằng cách làm khung giàn, sau đó gắn lưới che lên khung giàn, khoảng cách từ mái chuồng nuôi đến lưới che trong khoảng từ 80 -150 cm. Ưu điểm che mát cho mái, làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi so với môi trường khoảng từ 3 – 50 C và ổn định nhiệt độ chuồng nuôi suốt thời gian trong ngày. Dễ dàng thi công và chi phí thấp, độ bền cao. Lưu ý không nên để khoảng cách từ mái đến lưới che quá lớn sẽ làm giảm khả năng che nắng, đồng thời dễ hư  hỏng do gió giật.

– Lắp đặt hệ thống làm mát mái chuồng và bên trong chuồng nuôi

+ Lắp đặt hệ thống làm mát bằng phun sương: Có thể lắp hệ thống phun nước làm mát mái và làm mát trong chuồng nuôi dạng phun sương. Cách này sẽ giúp giảm nhiệt tức thì cho mái, chuồng nuôi nhưng chi phí đầu tư cao,  tốn điện, nước đồng thời có thể gây hư hại mái chuồng, thiết bị chăn nuôi và thường tạo ra độ ẩm lớn trong chuồng nuôi nếu không có quạt đẩy đi kèm. Lắp đặt hệ thống làm mát hai chiều (quạt hút và quạt đẩy)

+ Lắp đặt thiết bị làm mát như quạt hút và quạt đẩy trong chuồng nuôi kết hợp dàn mát hoặc hệ thống phun sương (lưu ý không nên lắp quạt trần trong chuồng nuôi, trường hợp lắp quạt nên lắp quạt treo tường nhằm lùa không khí nóng ra ngoài theo phương nằm ngang). Thường áp dụng đối với dạng chuồng kín, ưu điểm ổn định nhiệt độ chuồng nuôi và có thể điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần tiến hành các biện pháp phòng bệnh, tiêm chủng cho vật nuôi, đặc biệt chú ý các bệnh thường phát sinh trong mùa nắng nóng cho từng loại vật nuôi.

Thanh Quang

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: