Một số phương pháp nghiên cứu về xói lở bờ sông Hương Thừa Thiên Huế

Như chúng ta đã biết, cùng với những lợi ích mà dòng sông đem lại, hoạt động của dòng sông cũng thường phá hoại và làm biến đổi môi trường tự nhiên, trong đó có môi trường địa chất. Quá trình xói lở, bồi lấp của sông càng phức tạp hơn khi có sự can thiệp trong hoạt động kinh tế xã hội của con người. Vì vậy, khai thác hợp lý dòng sông và bảo vệ môi trường địa chất là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết hiện nay.

Phương pháp cơ bản đánh giá thực trạng, nguyên nhân và dự báo xu thế xói lở bờ sông nói riêng và sự biến đổi môi trường địa chất nói chung là nghiên cứu, phân tích mối liên hệ tương hỗ giữa các yếu tố tự nhiên và kỹ thuật cũng như nghiên cứu sự tương tác giữa dòng chảy và lòng sông. Từ đó tính toán dự báo và đề xuất các biện pháp phòng chống, tránh, thích nghi hợp lý.

Trong nghiên cứu này, tác giả giới hạn phạm vi nghiên cứu là đoạn sông Hương từ Tuần đến phá Tam giang và tập trung vào nghiên cứu hoạt động xói lở dọc hai bờ sông và lòng sông, đánh giá sự tương tác giữa các yếu tố tác động của con người, bị biến đổi do kỹ thuật và yếu tố kỹ thuật theo lý thuyết hệ thống.

Hoạt động của dòng sông đều biến đổi theo thời gian và theo qui luật tự nhiên của dòng chảy, sự biến đổi này tích cực hay tiêu cực, nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tự nhiên và kỹ thuật. Trong đó, các yếu tố tự nhiên như: cấu trúc địa chất của thung lũng sông, đặc điểm địa hình địa mạo, chế độ khí tượng và thủy – hải văn. Các yếu tố kỹ thuật bao gồm các hoạt động – kinh tế công trình của con người ảnh hưởng đến lòng sông như: Đốt phá rừng đầu nguồn và canh tác vô tổ chức; xây dựng cầu cống – đập, kênh mương – làng mạc và các công trình xây dựng ven sông; Khai thác cát sạn; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và giao thông vận tải trên sông; các công trình chỉnh trị trên sông.

Hạ lưu sông Hương đoạn từ Tuần đến phá Tam Giang có cấu trúc địa chất khá phức tạp và không đồng nhất, do đó tương tác giữa các yếu tố tự nhiên và kỹ thuật ở mỗi đoạn sông khác nhau có đặc điểm khác nhau. Vì vậy, để đánh giá chính xác ảnh hưởng của các yếu tố nêu trên đến môi trường địa chất, việc phân chia đoạn sông nghiên cứu ra các kiểu cấu trúc môi trường địa chất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn.

Nhằm giải quyết nội dung nghiên cứu nêu trên, tác giả đã sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu.

Phương pháp khảo sát thực địa: Thống kê, thu thập, tổng hợp và xử lý các tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, các số liệu về địa chất và môi trường đã có trong khu vực nghiên cứu và ngoài thực địa. Phương pháp này sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu đánh giá hiện trạng xói lở và các yếu tố gây xói lở trong mối quan hệ với sự phát sinh tai biến địa chất. Phân tích lịch sử tự nhiên để thu thập tài liệu, khảo sát thực địa, đồng thời để nghiên cứu tính chất, cấu trúc và sự vận động của môi trường địa chất. 

Điều tra khảo sát, nghiên cứu thực địa để bổ sung hoặc phúc tra số liệu, lấy mẫu (đất, nước, không khí…) để phân tích, đánh giá và kết luận về hiện tượng xói lở bờ sông ở khu vực nghiên cứu.

Phương pháp phân tích, sử lý số liệu: Khi tiến hành thực địa, ngoài việc thu thập các tài liệu mô tả khảo sát, còn tiến hành xác định các yếu tố gây xói lở bằng các thiết bị nghiên cứu hiện trường đối với các mẫu cần nghiên cứu.

Phương pháp so sánh cặp, cho điểm và tính trọng số: Phương pháp đánh giá tác động môi trường và đánh giá hiện trạng môi trường là các phương pháp nghiên cứu đặc thù của địa chất môi trường tự nhiên nói chung và môi trường địa chất nói riêng. Đánh giá tác động môi trường là đánh giá các yếu tố tác động môi trường trong phạm vi lãnh thổ chịu sự tác động của hoạt động con người: xác định, phân tích dự báo những tác động có lợi, có hại do hoạt động con người gây ra bằng một loạt các phương pháp liệt kê số liệu về thông tin môi trường, danh mục các điều kiện môi trường, ma trận môi trường, bản đồ môi trường, sơ đồ mạng lưới, mô hình, phân tích chi phí lợi ích mở rộng,…Còn đánh giá chất lượng môi trường dựa vào tài liệu kiểm soát môi trường (quan trắc, đo đạc, thông tin) hoặc đánh giá nhanh hiện trạng môi trường bằng phương pháp đánh giá nhanh có sự tham gia của cộng đồng. Kết quả đánh giá tác động môi trường và đánh giá chất lượng hiện trạng môi trường làm cơ sở để lập các luận chứng xử lí môi trường và quy hoạch môi trường.                                                                                                                                       

Phương pháp bản đồ: Phương pháp lập bản đồ địa chất môi trường ở khu vực khai thác mỏ là phương pháp thể hiện các đặc điểm môi trường thành phần và môi trường tổng hợp được thể hiện qua các kết quả nghiên cứu và các thông tin về môi trường địa chất trên các bản đồ.

Phương pháp tích hợp thông tin trong không gian trong môi trường GIS, tích hợp các bản đồ yếu tố gây tổn thương môi trường thành phần thành bản đồ tổn thương môi trường do hoạt động kinh tế – xã hội của con người gây nên.

 

Bùi Thắng

 

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: