Một sự lan tỏa văn hóa

  • Nhật Minh
  • 21-01-2021
  • 62 lượt đọc
Xã hội

Thần kinh nhị thập cảnh là 20 cảnh đẹp nổi tiếng của kinh đô Huế xưa, được vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn- vua Thiệu Trị bình chọn và đã làm 20 bài thơ đề vịnh. Không chỉ thế, hoàng đế Thiệu Trị còn sai Nội Các vẽ 20 bức tranh minh họa cho 20 cảnh trên, khắc in trên tranh mộc bản và sau còn cho vẽ trên tranh gương (tranh kính), khắc trên bảng đồng để treo trong các cung điện tại Huế (tranh gương) hoặc đặt tại thắng cảnh (bảng đồng). Thần kinh nhị thập cảnh đã được triều Nguyễn in ấn xuất bản chung trong bộ sách Ngự đề đồ hội thi tập, một tác phẩm nổi tiếng của vua Thiệu Trị.

     Năm 1997, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế đã giới thiệu với bạn đọc công trình Thần kinh nhị thập cảnh- Thơ vua Thiệu Trị của nhóm tác giả Phan Thuận An, Phan Thanh Hải, Phạm Đức Thành Dũng, Nguyễn Phước Hải Trung, đây là công trình biên khảo, dịch thuật giới thiệu về 20 bài thơ của Hoàng đế Thiệu Trị và 20 thắng cảnh của vùng đất Thần kinh trong khoảng giữa thế kỷ XIX. Công trình này đã nhận được Giải Ba giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô năm 1998.

     Từ khi Thần kinh nhị thập cảnh- Thơ vua Thiệu Trị được công bố đến nay, công chúng đã biết đến nhiều hơn những cảnh đẹp nổi tiếng của kinh đô Huế xưa cũng như tài thơ của một vị thi nhân –hoàng đế của triều Nguyễn. Tuy nhiên, do phần lớn các thắng cảnh trong Thần kinh nhị thập cảnh đã bị phá hủy hoặc biến đổi do thời gian, chiến tranh và các biến động lịch sử, tự nhiên khác nên không phải ai cũng có thể tiếp cận và hiểu biết đầy đủ về các thắng cảnh này, kể cả người dân cố đô Huế.

     Trong nỗ lực để quảng bá văn hóa Huế đến với bạn bè, du khách quốc tế, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã hợp tác cùng Học hội thư pháp Truyền Thừa Đài Loan (Trung Quốc) do Giáo sư Phan Khánh Trung làm chủ tịch, nghiên cứu, thể hiện 20 bài thơ của Hoàng đế Thiệu Trị bằng nhiều thể loại thư pháp khác nhau và dự kiến tổ chức triển lãm tại Đài Bắc và Cố đô Huế trong năm 2021.

     Theo kế hoạch, cuộc triển lãm với tựa đề “Triển lãm thư pháp thơ hoàng đế Thiệu Trị về 20 thắng cảnh kinh đô Huế triều Nguyễn, Việt Nam” sẽ diễn ra từ ngày 1/3-30/3/2021 tại trung tâm hành chính quận Trung Sơn, thành phố Đài Bắc, lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào ngày 3/3/2021. Phía Học hội thư pháp Truyền Thừa cho biết, tại lễ khai mạc sẽ mời Đại diện chính phủ Việt Nam tại Đài Loan, đại diện Bộ Ngoại giao Đài Loan, Bộ Văn hóa Đài Loan, chính quyền thành phố Đài Bắc, chính quyền quận Trung Sơn cùng đông đảo giới thư pháp, các học giả nổi tiếng cùng công chúng Đài Loan và Việt Nam tham dự. Đây là cơ hội rất tốt để quảng bá văn hóa, di sản của Việt Nam đến với công chúng Đài Loan, để nhân dân Đài Loan hiểu hơn về Cố đô Huế và kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của thành phố này.

     Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm trên, 20 bài thơ vịnh Thần kinh nhị thập cảnh của vua Thiệu Trị đã được các hội viên của Học hội thư pháp Truyền thừa thể hiện bằng nhiều loại hình thư pháp khác nhau: Triện, lệ, hành, thảo, khải… thành khoảng 60 tác phẩm. Các tác phẩm thư pháp này đều lồng ghép cùng hình ảnh của thắng cảnh được đề vịnh (tranh mộc bản) hoặc hình ảnh mới, sinh động về cố đô Huế hiện nay.

     Sau đợt triển lãm tại Đài Bắc, Học hội Thư pháp Truyền Thừa sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm tại cố đô Huế, nếu điều kiện cho phép, sẽ tổ chức trong dịp Thành phố Huế tổ chức Festival Nghề truyền thống (từ 27/5- 2/6/2021). Sau đó các tác phẩm thư pháp trên sẽ được tặng lại cho tỉnh Thừa Thiên Huế để lưu trữ, sử dụng.

    Giáo sư Phan Khánh Trung là một nhà thư pháp nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc), ông cũng là người sáng lập và là chủ tịch của Hội Thư pháp Truyền Thừa Đài Loan. Giáo sư Phan Khánh Trung đã nhiều lần qua Việt Nam, giao lưu, giảng dạy về thư pháp tại Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam. Với Huế, ông đã từng đến tham quan và có một tình cảm đặc biệt đối với cảnh sắc, văn hóa và con người cố đô, và mong muốn có sự hợp tác để trao đổi, giao lưu văn hóa giữa hai bên. Việc Học hội thư pháp Truyền Thừa do ông sáng lập phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức “Triển lãm thư pháp thơ hoàng đế Thiệu Trị về 20 thắng cảnh kinh đô Huế triều Nguyễn, Việt Nam” là một hoạt động rất có ý nghĩa nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa giữa hai bên. Còn đối với cố đô Huế, đây là một cách để quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, di sản một cách hiệu quả./.

 







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM