Nghị quyết 21 Ban chấp hành TW Đảng (khoá III) và chủ trương giải phóng miền Nam (29/03/2012)

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Theo đó, quân Mỹ và quân chư hầu phải rút về nước, bộ đội chủ lực của ta được tồn tại ở miền Nam Việt Nam. Song đế quốc Mỹ vẫn âm mưu tiếp tục duy trì chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, lén lút tuồn vũ khí, gài cố vấn ở lại hỗ trợ, chỉ huy chính quyền và quân đội của chế độ Sài Gòn…Đế quốc Mỹ ra sức lấn chiếm vùng giải phóng, đẩy lực lượng ta ra sát biên giới, loại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị ở miền Nam nước ta. Đế quốc Mỹ còn xúc tiến các hoạt động ngoại giao xảo quyệt hòng ngăn cản sự phát triển sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Trước tình thế mới, tháng 7-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã họp Hội nghị lần thứ 21. Hội nghị đã ra Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Hội nghị đã phân tích thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Trải qua 18 năm đấu tranh kiên cường, đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nhân dân cả nước ta đã liên tiếp đánh bại 4 chiến lược của 4 đời tổng thống kế tiếp nhau xâm lược nước ta”. Hội nghị đã rút ra những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi, và bước đầu tổng kết những bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị còn nhận định: “Tình hình miền Nam có thể phát triển theo hai khả năng:

1) Do ta tích cực đấu tranh trên 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao buộc địch từng bước thực hiện Hiệp định Pa-ri.

2) Do địch ngoan cố gây chiến, ta lại phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go, quyết liệt để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn.

Hội nghị nhấn mạnh: Chúng ta hết sức tranh thủ khả năng thứ nhất và chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thứ hai.

Sau khi chỉ ra một số nhược điểm, khuyết điểm của ta từ sau Hiệp định Pa-ri, Hội nghị khẳng định: “Con đường cách mạng miền Nam Việt Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”.

Nhiệm vụ cấp bách của cách mạng miền Nam trong giai đoạn này là: “Tiếp tục thực hiện chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện một miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, phồn vinh, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà”.

Về phương châm và hình thức đấu tranh, Nghị quyết Hội nghị xác định: “Cách mạng miền Nam phải nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, nhưng phải căn cứ vào từng thời kỳ, tình hình cụ thể từng vùng, thậm chí tùy thuộc đấu tranh mà vận dụng hình thức và chiến thuật tiến công hoặc phòng ngự một cách linh hoạt, sắc bén, đồng thời giữ vững và phát triển lực lượng về mọi mặt của ta, làm suy yếu và tan rã lực lượng quân sự, chính trị của địch, làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch ngày càng thay đổi có lợi cho ta. Nhất định chúng ta phải mạnh cả về quân sự và chính trị, trên cả ba vùng chiến lược”.

Hội nghị cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ của miền Bắc một mặt phải tranh thủ những điều kiện thuận lợi hiện có, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, một mặt, “phải tiếp tục làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với cách mạng miền Nam và tích cực đấu tranh để Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được thi hành nghiêm chỉnh”.

Hội nghị còn xác định: Trong bất kỳ tình huống nào, phải nắm vững lực lượng vũ trang, củng cố, phát triển và tăng cường ba thứ quân thật mạnh, đi đôi với việc xây dựng lực lượng chính trị mạnh để bảo vệ thành quả cách mạng và đưa cách mạng tiếp tục tiến lên; ra sức giành dân và giành quyền làm chủ của nhân dân ở khắp nông thôn và thành thị; làm tốt công tác binh vận; đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở đô thị đòi hòa bình, dân chủ, dân sinh, đòi thi hành Hiệp định Pa-ri; ra sức củng cố vùng giải phóng; tăng cường công tác mặt trận và công tác Chính phủ cách mạng lâm thòi; kịp thời vạch trần âm mưu và hành động vi phạm Hiệp định Pa-ri của địch trước dư luận trong nước và quốc tế; nâng cao công tác tổ chức của Đảng lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị trước mắt…

Hội nghị BCHTƯ (khóa III) lần thứ 21 đã đề ra chủ trương, biện pháp cơ bản để mở ra con đường đưa cuộc cách mạng dân tộc dân chủ miền Nam tiến sang giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội nghị Quân ủy Trung ương, tháng 3-1974, đã cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 21 và đã để ra chủ trương kiên quyết phản công và tiến công địch, vận dụng linh hoạt phương châm và phương thức đấu tranh trên cả ba vùng chiến lược.

Nghị quyết 21 BCHTƯ Đảng và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương liền được các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các chiến trường, các mặt trận, cán bộ, đảng viên và nhân dân triệt để tổ chức thực hiện.

Đến cuối năm 1974, cách mạng hai miền đã có những bước phát triển thuận lợi. Ở miền Nam, quân và dân ta chủ động tiến công và phản công, đánh bại kế hoạch lấn chiếm của địch, buộc địch phải quay về giữ các đô thị, các vùng giao thông huyết mạch và địa bàn có ý nghĩa chiến lược trọng yếu. Trên miền Bắc, các quân đoàn, binh đoàn chủ lực lần lượt ra đời. Đường Trường Sơn – tuyến vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam được tiếp tục phát triển, áp sát các chiến trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…

Trên cơ sở của Nghị quyết 21 BCHTƯ (khóa III), và trước sự chuyển biến của tình hình, từ ngày 30-9 đến 8-10-1974, Bộ Chính trị đã họp để bàn về chủ trương giải phóng miền Nam. Và từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975, Bộ Chính trị tiếp tục họp để bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện kế hoạch hai năm 1975-1976, chúng ta cần phải tranh thủ thời cơ, nếu có thời cơ vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Chính nhờ có phương án thứ 2 này mà quân và dân ta đã chủ động tạo ra và chớp lấy thời cơ hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong năm 1975.

                                                                        

Nguyễn Dương 

Nguồn:  

Các bài viết khác: