Nghiên cứu giải pháp kinh tế, kỹ thuật phát triển cây hồ tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới
Hồ tiêu (Piper nigrum L.) là cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao. Hạt tiêu là một loại gia vị được yêu thích trên toàn thế giới. Hạt tiêu có vị cay, tính nóng nên là một loại thuốc cổ truyền quan trọng và được sử dụng để điều trị tiêu đờm, cảm lạnh, nôn mữa, ỉa chảy, hen xuyễn, khó thở, đờm tắc (Đỗ Tất Lợi, 2004; Ahmad và cs, 2011; Hussain và cs., 2011). Bên cạnh đó, tiêu còn có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng, xua đuổi sâu bọ (Đỗ Tất Lợi, 2004). Ngoài ra, tiêu còn dùng trong chế biến thực phẩm và nước hoa (Ahmad, 2011; Maju và cs., 2012).
Những năm gần đây, hiện tượng hồ tiêu chết hàng loạt những vùng trồng tiêu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ như Quảng Trị, Quảng Bình …nhưng chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu nào được nông dân áp dụng. Bên cạnh đó những năm qua cũng cho thấy giá tiêu rất bất ổn, người nông dân đang chạy theo giá tiêu, khi tiêu rớt giá bỏ mặc cây hồ tiêu không đầu tư. Nhưng khi hồ tiêu được giá thì người nông dân đầu tư quá nhiều làm cho cây hồ tiêu bội thực nên công tác chọn giống không rõ nguồn gốc và kỹ thuật nhân giống không đảm bảo, tình trạng dịch hại phát sinh. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam là nước đứng đầu trong xuất khẩu hồ tiêu và trong 2 – 3 năm trở lại đây hồ tiêu được giá, bà con nông dân bắt đầu khôi phục lại các vườn tiêu bị bệnh và trồng mới nhưng các biện pháp kỹ thuật áp dụng để hạn chế và ngăn ngừa bệnh chết nhanh chưa đảm bảo.
Bằng phương pháp nhân giống thông thường như: chiết, ghép, giâm cành hoặc trồng bằng hạt, người ta đã thay thế những cây tiêu chết trong vườn (Nguyễn Thị Kim Linh và cs., 2006) và gia tăng diện tích ở các vùng trồng tiêu. Tuy nhiên, các phương pháp này còn hạn chế như tốn nhiều thời gian (Hussain và cs., 2011), hệ số nhân giống thấp mà cây giống khi đem trồng vẫn mang theo mầm bệnh và làm lây lan bệnh virus từ cây này sang cây khác, từ vườn này sang vườn khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác (Nguyễn Thị Kim Linh và cs., 2006).
Để khắc phục những hạn chế trên, nuôi cấy mô và tế bào thực vật là một trong những phương pháp nhân giống vô tính cây tiêu có hiệu quả cao. Ngoài việc nhân giống nhanh, tạo ra được một số lượng lớn cây con đồng đều có sức sống tốt, sạch bệnh trong thời gian ngắn, phương pháp này còn cho phép giữ được những tính trạng quý của cây mẹ và chủ động cung cấp nguồn giống vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Vì vậy, nhân giống in vitro cây hồ tiêu (Piper nigrum L.) góp phần đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng giống hồ tiêu.
Các vấn đề còn tồn tại trong phát triển cây hồ tiêu ở vùng gò đồi Bắc Trung Bộ là: Các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây hồ tiêu chưa được áp dụng đúng mức. Nhất là việc áp dụng quản lý, phòng trừ bệnh hại cây trồng và trồng cây che phủ. Chưa xây dựng và phát triển được các kênh tiêu thụ, thương mại hồ tiêu ở vùng và có các liên kết trong sản xuất và kinh doanh.
Mục tiêu đề tài: Xác định được các giải pháp kinh tế – kỹ thuật để phát triển cây hồ tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung Bộ.
Kết quả nghiên cứu:
1. Mô hình trình diễn sản xuất giống hồ tiêu khoẻ bằng giâm hom có xử lý chế phẩm Pseudomonas: Chế phẩm sinh học có ảnh hưởng đến tỷ lệ hom sống đạt 95,34 trong khi ở công thức đối chứng đạt 83,33% sau giâm 90 ngày. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về sinh trưởng như chiều cao cành, số lá, rễ đều cao hơn so với đối chứng. Ươm hom giống hồ tiêu có xử lý chế phẩm Pseudomonas có hiệu quả kinh tế cao hơn so với đối chứng và hệ số VCR (value cost ratio) đạt đến 15,96.
2. Ảnh hưởng của cây lạc dại làm cây che phủ đất đến sinh trưởng, phát triển của cây hồ tiêu: Hom giống 3 đốt có nhiều ưu điểm hơn so với các hom giống 2 đốt và 4 đốt, cả về sinh trưởng, phát triển, khả năng che phủ và hệ vi sinh vật đất. Sử dụng cây lạc dại 3 đốt trồng để làm cây che phủ đất cho cây hồ tiêu có tác dụng giữa độ ẩm đất tốt hơn, hệ vi sinh vật đất cao hơn đối chứng. Sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây hồ tiêu ở mô hinh có sử dụng cây lạc dại làm cây che phủ cũng cao hơn so với đối chứng.
3. Biện pháp phòng trừ bệnh tuyến trùng trên cây hồ tiêu bằng phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma: Phân HCVS Bokashi-Trichoderma có ảnh hưởng đến số lượng nốt sưng trên rễ và mật số tuyến trùng thấp hơn so với đối chứng (Không bón phân HCVS). Bên cạnh đó, phân HCVS Bokashi-Trichoderma có ảnh hưởng đến có trọng lượng tươi, trọng lượng khô của 100 quả và năng suất lý thuyết và thực thu cao hơn so với công thức đối chứng.
4. Biện pháp phòng trừ bệnh chết nhanh Phytophthora capsici: Để phòng trừ bệnh Phytophthora trên cây tiêu, sử dụng thuốc Agrifos 400 với liều lượng, nồng độ 4mL thuốc + 4L nước/gốc để tưới gốc, kết hợp phun thuốc trên lá 4mL thuốc + 8 L nước/gốc 3 lần vào đầu mùa mưa, cách nhau 15 ngày mang lại hiệu quả phòng trừ cao nhất. Tiếp đến là sử dụng chế phẩm Pseudomonas với liều lượng 20g/2 L nước/ gốc, tưới 3 lần từ đầu mùa mưa, cách nhau 30 ngày cũng vẫn mang lại hiệu quả phòng trừ cao.
5. Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô trong nhân giống hồ tiêu sạch bệnh virus PYMoV (Pepper Yellow Mosaic Virus): Khử trùng mẫu bằng HgCl2 0,1% cho tỷ lệ mẫu sống đạt cao nhất là 19,58 %. Sau 5 tuần nuôi cấy, khả năng tạo callus từ đoạn thân là tốt nhất trên môi trường MS có bổ sung 3,0 mg/l BAP và 1,0 mg/l 2,4-D. Môi trường MS bổ sung 1 mg/l BAP cho khả năng tái sinh chồi tốt nhất đạt 2,33 chồi/đoạn thân tự nhiên sau 8 tuần nuôi cấy. Nhân chồi tốt nhất (5,17 chồi/mẫu) đạt được khi nuôi cấy trên môi trường MS bổ sung 2,5 mg/l BAP và 0,5 mg/l IBA. Sau 4 tuần nuôi cấy, môi trường ½ MS bổ sung 0,2 mg/l NAA cho tỷ lệ chồi tạo rễ đạt 91,67%, số rễ trung bình đạt 3,94 rễ/chồi. Kiểm tra bằng kỹ thuật PCR các chồi hồ tiêu in vitro cho thấy 2 dòng không bị nhiễm virus PYMoV.
6. Đánh giá hiệu quả kinh tế sản xuất hồ tiêu: Vĩnh Linh và Cam Lộ có sự khác biệt đánh kể về mức độ đầu tư, năng suất thu hoạch và giá bán sản phẩm. Mức NPV bình quân chu kỳ sản xuất tiêu đạt 56310,2 nghìn đồng/sào. Trong đó, hiệu quả sản xuất của nông hộ ở Vĩnh Linh lại cao hơn đáng kể so với các hộ ở Cam Lộ do có sự chênh lệch đáng kể về mức đầu tư, giá bán và sản lượng thu hoạch giữa hai điểm nghiên cứu.
Trong phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất, hai phương pháp hồi quy OLS và hồi quy phân vị chỉ cho ra kết quả tương đối tương đồng ở biến vùng nghiên cứu, hai phương pháp ước lượng.Tuy nhiên, ở các đầu vào phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí tài chính, ước lượng hồi qui phân vị đã chỉ ra được sự biến động về độ lớn và độ tin cậy của tham số ở các mức phân vị khác nhau so với ước lượng OLS. Trong hồi qui OLS, thuốc bảo vệ thực vật có ý nghĩa thống kê trong tác động tiêu cực đến năng suất tiêu; tuy nhiên trong hồi quy phân vị, nhận định này chỉ đúng ở các phân vị trung tâm (0.5) mà không đúng với các phân vị khác. Tham số ước lượng của biến phân hữu cơ lại thể hiện sự trái ngược về kết quả của hai phương pháp: Ước lượng OLS cho thấy không có sự ràng buộc giữa hạng mục đầu tư này với năng suất ở độ tin cậy 95%; tuy nhiên hồi quy phân vị lại chỉ ra rằng ở hầu hết các phân vị , trừ phân vị 90%, đầu tư phân hữu cơ giải thích được phần nào đó sự biến động của năng suất ở các mức độ tin cậy khác nhau mặc dù độ lớn của tham số tác động là tương đối nhỏ.
7. Phân tích chuỗi giá trị sản phẩm hồ tiêu ở tỉnh Quảng Trị: Hoạt động tiêu thụ hồ tiêu ở Quảng Trị hoàn toàn phụ thuộc vào lực lượng thu gom (98,4% sản lượng tiêu thụ qua các thu gom). Hoạt động sản xuất và hoạt động thị trường của mỗi tác nhân trong chuỗi cung sản phẩm hồ tiêu đều tạo thêm giá trị cho sản phẩm. Các tác nhân trong chuỗi đạt được mức lợi nhuận khác nhau. Tính trên tổng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, hộ nông dân lại đạt mức lợi nhuận thấp nhất 8,7 triệu đồng/năm, chỉ bẳng một nửa lợi nhuận của thu gom nhỏ (16,8 triệu đồng/năm) trong khi thu gom lớn lại nhận mức lợi nhuận đến 218,7 triệu đồng/năm.
8. Đánh giá mối liên kết giữa các hộ trồng tiêu và người thu mua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị: Mối liên kết giữa các hộ trồng tiêu và người thu mua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có bốn đặc điểm nổi bật: Thỏa thuận bằng miệng trong ngắn hạn; Giá cả đóng vai trò quan trọng trong mối liên kết; Hộ trồng tiêu thường buôn bán với nhiều người mua cùng lúc; và người thu mua chiếm ưu thế trong mối liên kết. So sánh với các đặc điểm lý thuyết của liên kết giữa người mua và người bán, mối liên kết này có mức độ trao đổi. Tất cả các yếu tố chất lượng liên kết đều ở mức độ rất thấp.Ngoài ra, nhóm hộ liên kết với người thu gom lớn có chất lượng cao hơn nhóm hộ liên kết với thu gom nhỏ. Nhóm hộ có người bán tiêu là nữ có chất lượng liên kết tốt hơn nhóm hộ có người bán tiêu là nam.
Kết luận: Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, chúng tôi đã đề xuất các giải giải pháp kinh tế – kỹ thuật trên cây hồ tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung bộ.
PGS.TS. Trương Thị Bích Phượng
Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM |