Nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma Gondii ở người và gia súc

Công trình: “Nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma Gondii ở người và gia súc” của PGS,TS Đinh Thị Bích Lân, Viện phó Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ Sinh học và các đồng tác giả vừa đoạt giải Nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học, công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2012, lĩnh vực Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Chia sẻ về thành công này, PGS,TS Đinh Thị Bích Lân nói: “Đây là kết quả, là sự chín muồi của những ý tưởng mà tôi đã ấp ủ từ cách đây 10 năm”.

Đòi hỏi cấp thiết

PGS. Lân cho biết, ở các nước phát triển, các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều loài vật nuôi có vai trò quan trọng trong dịch tễ của bệnh, trong đó đáng chú ý nhất là mèo và lợn. Ở nước ta, chăn nuôi lợn là một nghề truyền thống đang được khuyến khích phát triển và hiện chiếm một tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi; còn mèo là một loại vật nuôi phổ biến và rất gần gũi với con người. Vì vậy, nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng và lây bệnh do Toxoplasma gondii từ mèo, lợn sang người ở nước ta là rất lớn. Enzyme Link Immunosorbent Assay (ELISA) là một trong những phương pháp phát hiện kháng thể trong huyết thanh được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán nhiều bệnh trong đó có bệnh do Toxoplasma gondii. Tuy nhiên, việc thực hiện phản ứng tốn nhiều thời gian, công sức và bắt buộc phải có thiết bị nên chỉ có thể tiến hành trong phòng thí nghiệm. Để khắc phục những nhược điểm trên, một số nước đã nghiên cứu sản xuất các que chẩn đoán nhanh dựa trên nguyên lý của phương pháp sắc ký miễn dịch. Đây là một phương pháp chẩn đoán nhanh, ít tốn kém, có thể chẩn chính xác bệnh ở trong hoặc ngoài phòng thí nghiệm, ở vùng sâu vùng xa và thậm chí ở trong chuồng trại mà không cần sử dụng thiết bị đắt tiền và kỹ thuật viên trình độ cao. Ở Việt Nam hiện chưa có các nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh cho bệnh Toxoplasma gondii, vì vậy, sản xuất que chẩn đoán dùng cho các xét nghiệm nhanh đang là một đòi hỏi cấp thiết của ngành y và thú y. Đây cũng chính là lý do PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân và nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp Bộ trọng điểm “Nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii ở người và gia súc” từ năm 2008.

 

Mở ra khả năng mới trong sản xuất các KIT chẩn đoán và chế phẩm sinh học

Sau nhiều năm bỏ công sức nghiên cứu, PGS.Lân và các đồng sự của mình đã nghiên cứu thiết lập được quy trình sản xuất và sản xuất thành công que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii. Để ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài phục vụ sản xuất và đời sống ở tỉnh Thừa Thiên Huế, nhóm nghiên cứu đã sử dụng que chẩn đoán để nghiên cứu đánh giá tình hình nhiễm Toxoplasma gondii ở mèo và lợn trên địa bàn tỉnh thông qua việc kiểm tra kháng thể trong huyết thanh và kết quả cho thấy, que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii do nhóm nghiên cứu phát huy hiệu quả rất tốt, từ đó đưa ra các khuyến cáo cần thiết cho địa phương.

“Kết quả nghiên cứu của đề tài cho phép chúng ta có thể chủ động trong việc sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii thay thế hàng nhập ngoại giá thành cao, PGS.Lân nói. – Kết quả này một khi được áp dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống sẽ góp phần giảm chi phí cho việc chẩn đoán bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii do sản phẩm sản xuất ra có giá thành thấp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc sử dụng que chẩn đoán sẽ giúp chẩn đoán nhanh, chủ động trong việc phòng và trị bệnh cho người và gia súc, hạn chế ảnh hưởng của bệnh lên đàn gia súc và từ đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là đóng góp vào việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”.

Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, việc nghiên cứu sản xuất thành công que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao là kỹ thuật tạo dòng (gene cloning), kỹ thuật sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp (công nghệ protein) và nguyên lý của phương pháp sắc ký miễn dịch (Immunochromatographic test-ICT) đã khẳng định sự làm chủ về công nghệ của nhóm cán bộ nghiên cứu và mở ra khả năng mới nghiên cứu sản xuất ra các KIT chẩn đoán và chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

Đi đầu trong ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống

Với việc nghiên cứu thành công công trình này, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân và các đồng tác giả đã trở thành những người ở tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ sinh học – một công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến trong lĩnh vực khoa học sự sống – để phục vụ sản xuất và đời sống. PGS.Lân và các đồng tác giả cũng là những người đầu tiên ở Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất và sử dụng que chẩn đoán này để chẩn đoán nhanh bệnh do Toxoplasma gondii gây ra ở lợn và mèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các kết quả nghiên cứu trên địa bàn Thừa Thiên Huế của nhóm nghiên cứu đã được xuất bản (trên tạp chí khoa học Đại học Huế – số 66 năm 2009) là cơ sở thực tiễn về tình hình nhiễm bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii trên gia súc ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung để các nhà chuyên môn, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng có các chiến lược phù hợp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với ưu điểm có thể sử dụng các nguyên vật liệu, hóa chất sẵn có hoặc có thể mua được trên thị trường và dễ dàng sản xuất thành công sản phẩm que chẩn đoán có độ nhạy và tính đặc hiệu cao với giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu, kết quả nghiên cứu của đề tài – quy trình sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii – có thể được chuyển giao cho các doanh nghiệp chuyên ngành để sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii. “Với những ưu điểm của KIT, chúng tôi tin rằng chỉ trong tương lai gần, sẽ có những doanh nghiệp đầu tư để sản xuất loại KIT chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma gondii, PGS.Lân nói – Sau khi đã làm chủ được công nghệ sản xuất KIT chẩn đoán nhanh, chúng tôi rất mong muốn được nhà nước quan tâm đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất KIT để Việt Nam có thể sản xuất được KIT phục vụ cho  nhu cầu chẩn đoán bệnh, tiết kiệm kinh phí nhập KIT từ nước ngoài. Mặt khác, chúng tôi cũng mong có điều kiện để được tiếp tục nghiên cứu chế tạo thêm các loại KIT chẩn đoán nhanh các bệnh khác, đáp ứng yêu cầu kiểm soát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây từ động vật sang người, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”.

Để thực hiện mong muốn này, PGS.Đinh Thị Bích Lân và nhóm nghiên cứu của mình đang tiếp tục nghiên cứu KIT chẩn đoán, vacxin và chế phẩm sinh học phòng bệnh do Crytosporidium parvum gây ra ở bò lây sang người và phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn. Với nhà nữ khoa học này, được nghiên cứu theo ý nguyện của mình là một niềm hạnh phúc và tâm huyết tạo ra những thực phẩm an toàn, sạch bệnh cho xã hội cũng là một cách để đóng góp cho đất nước sau những năm tháng học tập từ nước ngoài trở về.

                           

Bệnh do Toxoplasma gondii gây ra là một bệnh ký sinh trùng lây nhiễm giữa nhiều loài động vật và người, làm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe cộng đồng. Một trong những hậu quả nghiêm trọng do Toxoplasma gondii gây ra ở người là gây sẩy thai, sinh con dị dạng, úng não. Toxoplasma gondii còn là nguyên nhân chính gây viêm giác mạc kéo dài, tái phát nhiều lần ở người. Do vậy, bệnh do Toxoplasma gondii gây ra đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm.

Công trình: “Nghiên cứu sản xuất que chẩn đoán nhanh bệnh ký sinh trùng Toxoplasma Gondii ở người và gia súc” do tác giả PGS,TS Đinh Thị Bích Lân (Viện TNMT&CNSH – Đại học Huế), PGS,TS Phùng Thăng Long (Trường đại học Nông Lâm – Đại học Huế) và các đồng tác giả: PGS,TS. Nguyễn Hoàng Lộc, ThS Nguyễn Quang Vinh, ThS Huỳnh Văn Chương (Viện TNMT&CNSH – Đại học Huế) và ThS Giang Thanh Nhã, ThS Nguyễn Đức Chung (Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế) thực hiện.

                                                 

                  Ngọc Hà

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: