Người trí thức trước vận hội mới

  • Husta.org
  • 25-07-2016
  • 550 lượt đọc
Diễn đàn trí thức

Quá trình quốc tế hóa và hội nhập quốc tế là xu thế khách quan, tất yếu, diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là trên lĩnh vực kinh tế. Quốc tế hóa thúc đẩy nhanh sự phát triển và xã hội hóa các lực lượng sản xuất, đưa lại sự tăng trưởng kinh tế cao. Quốc tế hóa và hội nhập quốc tế tạo sự truyền bá và chuyển giao những thành quả mới, những phát minh sáng tạo về khoa học và công nghệ, đưa kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất, tổ chức, quản lý…đến với các cộng đồng, quốc gia, dân tộc, tạo khả năng đi tắt, đón đầu cho những nước đang phát triển. Quốc tế hóa và quá trình hội nhập tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách nắm bắt tình hình và xu thế phát triển của thế giới, từ đó đề ra chiến lược phát triển phù hợp cho đất nước. Qúa trình này làm gia tăng động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường thế giới…

Bên cạnh những tác động trên lĩnh vực kinh tế, quốc tế hóa và hội nhập quốc tế còn tác động tích cực đến sự phát triển văn hóa, tạo cơ hội để mở rộng giao lưu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu thêm nền văn hóa của dân tộc.

Đội ngũ trí thức với tư cách là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội, luôn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử xã hội. Do vậy, nhận thức đúng quá trình quốc tế hóa và hội nhập quốc tế giúp trí thức khẳng định và phát huy tốt vai trò, vị trí của mình trong xã hội.

Từ tác động của quốc tế hóa và hội nhập quốc tế, lực lượng trí thức có thể tiếp thu, cập nhật tri thức nhân loại, cập nhật thông tin về tình hình thế giới, làm giàu thêm kho tàng tri thức của mình. Qua đó, nhận thức chính trị của trí thức được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thời cơ, quá trình quốc tế hóa và hội nhập quốc tế cũng đem đến tác động tiêu cực trong đời sống xã hội, thách thức sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Qúa trình quốc tế hóa và hội nhập quốc tế làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế vào thị trường nước ngoài, tăng sự cạnh tranh gay gắt, tăng nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường đối với các nước đang phát triển nếu không có một chiến lược và chính sách phát triển đúng đắn. Ngoài ra, quá trình này làm tăng nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, nhiễm lối sống chạy theo đồng tiền, lấy tiền làm thước đo các chuẩn mực, làm cho quan hệ giữa người với người trở nên vô cảm, góp phần làm băng họai đạo đức xã hội, đặc biệt là tác động đối với giới trẻ.

Quốc tế hóa và hội nhập quốc tế đang từng ngày đưa văn hóa, lối sống phương Tây vào nước ta. Lối sống phương Tây có mặt tích cực là cởi mở, năng động, tự lập, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, lối sống phương Tây cũng có mặt tiêu cực là sùng bái vật chất, cá nhân, vị kỷ, thực dụng, xa hoa, thác loạn, bạo lực…. Cùng với tâm lý sùng hàng ngoại, lối sống tự do kiểu phương Tây cũng đang xâm nhập khá mạnh vào đời sống người Việt Nam, đặc biệt là trong thanh niên và cả một bộ phận trong tầng lớp trí thức. Một bộ phận thanh niên có quan niệm khá thoáng trong quan hệ nam nữ. Từ đó dẫn đến những kiểu sinh họat tình dục bừa bãi, kiểu quan hệ “bầy đàn”, làm băng họai luân lý, xa lạ với truyền thống dân tộc. Gần đây, công an đã bóc gỡ nhiều đường dây bán dâm “nghìn đô” gồm những hoa khôi, người mẫu, sinh viên phục vụ cho các “đại gia”… Đó chính là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức, tha hóa nhân cách. Nghiêm trọng hơn, quá trình hội nhập quốc tế cũng tác động, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của một bộ phận trí thức, làm họ mất phương hướng, từ đó có những phát ngôn, hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trước thực trạng này, trong nhiều văn kiện của Đản đã nhận định: tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh dự mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp.

Chính lối sống thực dụng, vị kỷ đang dẫn đến thái độ bàng quan với công việc, vô cảm với cộng đồng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trí thức trẻ. Đây chính là một trong những nguy cơ lớn làm cản trở quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Quốc tế hóa và hội nhập quốc tế cũng làm gia tăng nguy cơ tham nhũng, lãng phí làm tha hóa phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc, làm cho nhân dân lo lắng, bất bình.

Dưới tác động của quá trình quốc tế hóa, hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường, nhiều lĩnh vực xã hội đã xuất hiện khuynh hướng “thương mại hóa” với những biểu hiện như dạy thêm, học thêm tràn lan, mua bằng, bán điểm, “đổi tình lấy điểm”, lạm thu, nhằm mục đích thu lợi cho cá nhân, làm môi trường giáo dục xuống cấp…

Như vậy, có thể thấy, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình quốc tế hóa và hội nhập quốc tế cũng chứa đựng những nguy cơ không thể xem thường. Người trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ phải nhận thức đúng quá trình này, một mặt phải đón nhận thời cơ, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại phục vụ cho phát triển quê hương, đất nước, mặt khác phải xây dựng bản lĩnh vững vàng để không bị cuốn theo những yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xét cho cùng, mọi sự vật, hiện tượng đều có tính hai mặt. Vấn đề là người quản lý phải xây dựng các chính sách tốt để khai thác, tận dụng mặt tốt, hạn chế mặt xấu.

ThS. Trần Giải







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM