Nếu Quý vị có điều gì cần tư vấn về khoa học công nghệ, xin vui lòng đặt câu hỏi tại đây. Vui lòng bấm vào câu hỏi để xem nội dung trả lời.
Hỏi: Tôi muốn trồng hoa cúc chậu để bán tết nhưng chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm trồng và chăm sóc như thế nào?. vậy mong diễn đàn chia sẽ(nguyen dinh vinh- Phu Xuan – Phu Vang)
nguyen dinh vinh- Phu Xuan – Phu Vang (dinhvinh@yahoo.com) – 13/08/2014


Đáp: Trồng hoa cúc chậu bán tết là một nghề đòi hỏi người trồng hoa cần có kiến thức về kỹ thuật và chăm sóc để hoa trổ đúng dịp tết, hoa đẹp. Người trồng hoa cần xác định thời điểm trồng, yêu cầu đất – chậu, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và thu hoạch. Cần chú ý một số vấn đề cụ thể như sau:

1. Xác định thời vụ trồng: Thời điểm xuống giống từ tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch, Tùy thuộc vào kích thước chậu, mật độ trồng, mức thâm canh và điều kiện thời tiết để xác định thời điểm xuống giống thích hợp, theo nguyên tắc chậu có kích thước lớn xuống giống sớm hơn để đảm bảo chiều cao cây và số bông trên chậu.

Chuẩn bị nhà che, mái che: Thời vụ trồng hoa cúc chậu trùng vào mùa mưa, rét ở Thừa Thiên Huế. Để chủ động điều khiển quá trình sinh tưởng, phát triển cây hoa, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế, nên trồng hoa cúc chậu trong điều kiện nhà có mái che, có thể dùng nhà lưới hiện đại, nhà lưới đơn giản hoặc nhà che tạm tuỳ theo điều kiện đầu tư nhưng phải đảm bảo che năng vào thời điểm mới xuống giống và che mưa trong quá trình sản xuất.

 2. Chuẩn bị hỗn hợp đất trồng và châu:

Yêu cầu hỗn hợp đất trồng: Tơi xốp, khả năng giữ nước và thoát nước tốt, sạch.

Tùy theo điều kiện, có thể chuẩn bị hỗn hợp đất trồng như sau: Là hỗn hợp gồm ½ đất phù sa có tỷ lệ cát 30-40%  +  ¼ phân chuồng + ¼  Trấu mục hoặc xơ dừa,  bổ sung 30-50 kg Phân hữu cơ vi sinh + 0.5-1.0 kg NPK 16-16-8 + 2-3 kg lân Nung chảy cho 1m3 hỗn hợp trên.

Cách tiến hành: Đất được xử lý bằng vôi bột, phơi khô, nhặt sạch cỏ, sàn loại bỏ đá sỏi, cành cây khô…; phân chuồng yêu cầu phải đảm bảo hoai mục, không nên phơi năng hoặc đốt trước lúc phối trộn; Trấu hoặc xơ dừa đảm bảo khô, mục. Tất cả các nguyên liệu trên được trộn đều, phối ẩm đảm bảo độ ẩm của hỗn hợp đất trồng từ 60-65%,  ủ khoảng một tháng và tiến hành cho hỗn hợp đất trồng trên vào chậu trước lúc xuống giống 1 tuần. Phun đều Ridomil (nồng độ 3g/lít) để xử lý nấm bệnh trước khi trồng.

3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

            Cây giống: Sử dụng cây cúc từ giâm cành, có chiều cao cây 5- 7cm, 5-7 lá, đường kính thân 0,2cm; dài rễ: 0,5-3cm; số rễ: >4cm, có màu trắng ngà, giống có độ đồng đều cao, sạch bệnh, đúng phẩm cấp giống. Giống hoa cúc được ưa chuộng ở Thừa Thiên Huế là các giống có hoa mùa vàng tươi như Cúc Pha lê, Vàng hè, cúc Đại đóa,..

             Kỹ thuật trồng: Tùy thuộc vào kích thước, kiểu dáng chậu khác nhau mà lựa chọn số cây để trồng trong chậu cho phù hợp, cây giống đảm bảo cách thành chậu 5cm, cây cách cây 6-8 cm. Ví dụ: Chậu có kích thước 25 x 15x 20cm ( chiều cao x đường kính đáy x đường kính miệng chậu) có thể trồng 7-10 cây/chậu.

            Tiến hành trồng: Cho hỗn hợp đất trồng đã xử lý nấm bệnh vào chậu cao cách miệng chậu 3-5cm theo hình mô rùa. Trồng các cây sao cho cây phân bố đều xung quanh chậu để tán cây đều, không trồng cây quá sát vào thành chậu. Nên trồng cây vào những ngày mát mẽ, tốt nhất tròng vào buổi chiều, Khi trồng xong lấy tay ấn chặt gốc. Dùng rơm mềm hoặc mùn rác che phủ gốc và dùng bình ô-doa hoặc vòi phun nhẹ tưới đẫm. Mùn rơm vừa có tác dụng giữ ẩm cho cây vừa có tác dụng hạn chế sự đóng váng lớp đất mặt, làm cho nước tưới có thể xuống rễ một cách dễ dàng. Những ngày đầu, tưới nước cần hết sức nhẹ nhàng tránh lay gốc, trôi cây. Không để các lá ở dưới dính vào đất hoặc bùn đất bắn lên các lá non làm bít các khí khổng, ảnh hưởng đến sự quang hợp, hô hấp và sự bốc hơi nước của bộ lá khi cây chưa hồi xanh trở lại. Xếp chậu cách chậu 10 -15cm theo luốn, theo giàn để thuận tiện trong qua trình chăm sóc.

             Điều tiết sinh trưởng cho hoa cúc ra hoa đúng dịp tết bằng ánh sáng: Cần chiếu sáng bổ sung liên tục theo phương pháp chiếu sáng gián đoạn một lần trong đêm bằng bóng đèn tròn, dây tóc là hiệu quả nhất, thời gian chiếu sáng 4h mỗi ngày từ 22h đến 2h sáng hôm sau, cứ 6 – 10 m2 đặt 1 bóng 75W, chiều cao bóng đèn từ 0,8- 1m so với ngọn cây đến thời điểm trước tết  từ 50-60 ngày. 

           Tưới nước: Khi mới trồng xong để cây dễ bén rễ hồi xanh nên tưới 2 lần/ngày. Sau đó tưới nước để duy trì ẩm độ đất 65-70% để cây sinh trưởng phát triển. Tránh tưới nước lên cây vào những thời điểm quá nắng nóng và quá lạnh (dưới 15oc).

           Kỹ thuật bón phân: Sau trồng 2 tuần thì tiến hành bón thúc cho cây. Sử dụng các loại phân bón qua rễ, bón qua lá hoặc kết hợp cả 2 loại phân này. Thường sử dụng phân bón NPK (20-20-15 + TE hoặc NPK 13-13-13+TE) với liều lượng 2kg phân/200lít nước cho 100m2 mặt chậu. Định kỳ 10-15 ngày bóni 1 lần. Ngoài ra có thể dung thêm chất kích thích sinh trưởng Atonik 1,8DD phun cho cây với liều lượng 10ml/bình 8 lít nước, 10 ngày phun một lần để bổ sung dinh dưỡng cho cây, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

Thời kỳ cúc trưởng thành sắp ra nụ hoa: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 701 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần. Khi cúc đã có nụ và dưỡng hoa khi đang nở: Pha 1-2 gam Đầu Trâu 901 trong 1 lít nước, phun định kỳ 7-10 ngày/lần.

          Lưu ý: Không bón phân lúc sáng sớm khi lá còn ướt sương, không bón vào buổi trưa nắng. Nên bón vào lúc 7 giờ đến 9 giờ sáng khi đã ráo sương, bón vào những ngày nắng nhẹ, mát mẽ, ấm ấp. Sau khi bón song cần tưới nước đẫm để cây có thể hấp thu phân bón nếu bón phân dạng rắn. Kịp thời rửa lá bằng nước sạch sau khi bón phân.

           Bấm ngọn, tỉa cành: Có thể tiến hành bấm ngọn 1 đến 2 lần đề đảm bảo yêu cầu số hoa trên chậu. Bấm ngọn 1 lần tiến hành sau khi trồng 15 – 20 ngày bấm ngọn để lại 3 – 4 cành hoa. Bấm ngọn lần 2 tiến hành sau lần 1 khoảng 15 ngày. Kết hợp thương xuyên bấm, tỉa cành, các nhánh không cần thiết.

            Ngắt nụ phụ: Chỉ để 01 hoa trên một cành chính, loại bỏ hoàn toàn nụ phụ, để lại nụ chính. Ngắt nụ phải kịp thời nhằm tránh cổ hoa bị cong, tập trung dinh dưỡng để nuôi hoa chính.

4. Phòng trừ sâu bệnh hại: Áp dụng biệp pháp phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp, thường xuyên theo dõi sâu bệnh và phòng trừ kịp thời. Đặc biệt cần chú ý phòng trừ sâu bệnh hại nụ hoa.

5. Thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hoa chậu

Một chậu cúc đẹp, chất lượng có giá cao phải cân đối, hoa kết tạo hình mâm xôi đều, hoa lớn tập trung đỉnh và nhỏ dần trong ra ngoài, hoa to, tươi và khoe sắc, bộ lá tươi, xanh mướt từ gốc đến ngọn, không sâu bệnh, không vết dư lượng hóa chất. Do vậy chậu hoa cần được chỉnh sửa, làm sạch, làm đẹp trước lúc chuẩn bị xuất bán.

Khi nụ hoa bắt đầu chuyển màu và hé nở thì có thể đem đi sử dụng. Nếu vận chuyển đi xa dùng dây buộc tán hoa vào để tránh ảnh hưởng đến chất lượng hoa. Xếp các chậu khít nhau để giảm va đập khi vận chuyển. Trong quá trình sử dụng, tùy thuộc vào thời tiết nhưng thông thường 3 ngày tưới nước 1 lần đủ ẩm. Chỉ tưới nước vào gốc cây, tránh tưới nước lên hoa để tăng tuổi thọ của hoa.

Đăng Chung – Hồ Thành

 

Các bài viết khác: