Một số vần đề của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong dự phòng lây nhiễm Covid-19 cho nhân viên y tế

  • PGS TS Trần Đình Bình
  • 06-09-2021
  • 68 lượt đọc
Phổ biến kiến thức KH&CN;

Bảo vệ nhân viên y tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, nếu nhân viên y tế mang mầm bệnh phục vụ bệnh nhân thì tăng nguy cơ lây bệnh cho bệnh nhân, lây nhiễm cho cộng đồng. Dù công việc của các nhân viên y tế hiện đang hết sức vất vả, nhưng chúng ta phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn. Nhiệm vụ giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm là vô cùng quan trọng, bởi vì chỉ có giám sát thường xuyên, liên tục cùng hướng dẫn, nhắc nhở sẽ giúp nhân viên y tế dự phòng hiệu quả trong tình huống áp lực công việc lớn như hiện nay.

     Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong nhân viên y tế cao hơn rất nhiều so với người dân trong cộng đồng. Trong khi cán bộ y tế chỉ chiếm 3% dân số toàn cầu, có tới khoảng 14% các ca nhiễm được báo cáo cho WHO là thuộc nhóm cán bộ y tế và khoảng 10% số nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19. Cho đến nay, tháng 8 năm 2021, sau hơn 18 dịch bệnh phát sinh, theo Công đoàn Y tế Việt Nam, toàn ngành đã có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, 3 người tử vong do COVID-19, đây là nguy cơ lớn cho ngành y tế nói riêng và cả cộng đồng. Vì thế, việc bảo vệ nhân viên y tế là mấu chốt trong việc đảm bảo cho hệ thống y tế chăm sóc, điều trị và phòng, chống dịch được vận hành trôi chảy. Việc thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn được xem là mắt xích quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống và điều trị COVID-19.

I. CÔNG TÁC KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN TRONG DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM COVID-19 CHO NHÂN VIÊN Y TẾ

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ tháng 3 năm 2020, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho nhân viên y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Mới đây nhất, Quyết định số  4158/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế Hướng dẫn Phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng như Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hướng dẫn bao gồm các nguyên tắc kiểm soát lây nhiễm chung và các biện pháp kiểm soát cụ thể như phân luồng tiếp nhận và sàng lọc người bệnh, xử lý dụng cụ y tế, dụng cụ ăn uống, đồ vải, xử lý thi hài…giúp bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm.

Trên cơ sở những văn bản của Bộ Y tế, các cơ sở y tế đã triển khai tất cả những hoạt động liên quan, trong đó vai trò của kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thực tế công tác phòng chống dịch đã đưa vị trí và vai trò của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn là cực kỳ quan trọng trong việc dự phòng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế tham gia trực tiếp vào công tác phân luồng, sàng lọc, truy vết, khám, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Các cơ sở y tế, các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 và đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn cần triển khai đầy đủ những hoạt động chủ yếu sau:

1.1. Trang bị kiến thức và phương tiện

– Kiến thức: tác nhân SARS-CoV-2, đường lây, gây bệnh, chẩn đoán xét nghiệm, dự phòng và điều trị…

– Kỹ năng: giao tiếp, giãn cách, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, thực hiện một số thủ thuật, kỹ thuật…

– Thực hành: mang và tháo bỏ phương tiện phòng hộ, xử lý vệ sinh môi trường, chất thải y tế, vận chuyển bệnh nhân…

– Phương tiện PHCN: đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định

– Môi trường làm việc: bố trí, sắp xếp các khu vực đệm, phân luồng, sàng lọc, khám, thời gian nhiễm, mức độ bệnh (thuộc tầng nào trong tháp 3 tầng hay 5 tầng)…

1.2. Tổ chức thực hiện

– Bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực đủ, phù hợp cho công tác tại mọi thời điểm liên quan đến người bệnh COVID-19 từ phân luồng tiếp nhận và sàng lọc người bệnh, chăm sóc và điều trị người bệnh, xử lý dụng cụ y tế, dụng cụ ăn uống, đồ vải, xử lý chất thải bệnh viện…

– Các quy trình: xây dựng và phổ biến các quy trình cụ thể về phân luồng, sàng lọc, khám, nhập viện, chuyển viện, chăm sóc, điều trị…theo cơ sở y tế của mình trên cơ sở các văn bản của cấp trên.

– Các thủ thuật: xây dựng quy trình và thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật phù hợp với nhiệm vụ thực tế của đơn vị trên cơ sở các văn bản của cấp trên.

1.3. Kiểm tra giám sát

– Các bảng kiểm: trên cơ sở các văn bản của cấp trên để xây dựng các bảng kiểm giám sát các hoạt động từ phân luồng, sàng lọc, khám, nhập viện, chuyển viện, chăm sóc, điều trị…để đánh giá nguy cơ lây nhiễm của nhân viên y tế nhằm có phương án xử lý phù hợp khi bị lây nhiễm.

– Nhân lực: bố trí đủ nhân lực hướng dẫn, giám sát khi thực hiện các quy trình…

– Chế tài: đề xuất với lãnh đạo đơn vị các chế tài xử lý khi nhân viên y tế vi phạm các quy định về phòng chống dịch.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM XỬ LÝ VỀ KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN ĐỂ DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM COVID-19CHO NHÂN VIÊN Y TẾ

Nhận thức sâu sắc rằng, nhân viên y tế không chỉ là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao mà khi đã nhiễm bệnh, họ còn có thể là nguồn phát tán bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh và sự lây truyền SARS-CoV-2 giữa người với người xảy ra thường xuyên qua các hoạt động tiếp xúc gần với người đã mắc COVID-19.

2.1. Về trang bị kiến thức và phương tiện

– Phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ và thực hành dự phòng lây nhiễm COVID-19 cho tất cả nhân viên y tế tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Bộ và các trường, các tổ chức y tế đã tổ chức tập huấn, hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến liên tục, nhiều lần về tất cả các nội dung trên. Tuy nhiên nhiều cán bộ y tế chủ quan, coi thường mà chưa chú ý tập trung vào tham gia. Đề nghị cần kiểm tra kiến thức, kỹ năng tối thiểu trước khi tham gia chống dịch cho đội ngũ này. Nhiều cơ sở y tế, nhiều đơn vị vì áp lực về thời gian, nhân lực mà có nơi, có lúc chưa làm tốt việc này.

– Phải trang bị đầy đủ và đúng chủng loại phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế tham gia chống dịch. Việc này cần làm theo đúng hướng dẫn của Bộ trong Quyết định 1616/QĐ-BYT, ngày 08 tháng 4 năm 2020 về việc Hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật, phân loại và lựa chọn bộ trang phục phòng, chống dịch COVID-19 và Quyết định 4159/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 về việc Hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19. Nếu chưa trang bị đủ và đúng chủng loại theo yêu cầu công tác thì chưa đưa cán bộ y tế vào vùng dịch hay tiếp xúc F0. Về cơ bản, việc trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân đảm bảo đủ, đúng yêu cầu khi thực hiện nhiệm vụ.

– Tổ chức bệnh viện hoặc khu thu dung điều trị F0 thì các cơ sở y tế đã tuân thủ về cơ bản các yêu cầu về tổ chức, bố trí, đảm bảo công tác theo Quyết định 4111/QĐ-BYT, ngày 26 tháng 8 năm 2021 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng…

2.2. Việc tổ chức thực hiện

– Bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực đủ, phù hợp cho công tác ở tất cả các khâu, không để quá thiếu nhân lực. Chỉ bố trí nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc và phục vụ người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 khi đã được đào tạo và thực hành thành thạo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Không bố trí các nhân viên y tế chưa được đào tạo về phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 hoặc chưa thông qua bài kiểm tra kiến thức, kỹ năng phòng ngừa lây nhiễm, không bố trí quá lớn tuổi, nhân viên y tế mắc các bệnh lý nền, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nhân viên y tế chưa được tiêm phòng đầy đủ vacxin phòng COVID-19 vào làm nhiệm vụ này. Đồng thời cần bố trí ca kíp làm việc phù hợp nhằm bảo đảm sức khỏe nhân viên y tế. Nhiều cơ sở y tế, nhiều đơn vị vì áp lực về thời gian, nhân lực mà có nơi, có lúc chưa làm tốt, đặc biệt là đào tạo và tập huấn cho nhân viên y tế.

– Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên, tại từng thời điểm mà xây dựng và phổ biến đầy đủ các quy trình cụ thể về phân luồng, sàng lọc, khám, nhập viện, chuyển viện, chăm sóc, điều trị…phù hợp theo cơ sở y tế của mình đồng thời phải phổ biến rõ ràng, tập huấn đầy đủ cho toàn thể nhân viên việc thực thi các quy định này. Nhiều cơ sở y tế, nhiều đơn vị vì áp lực về thời gian, nhân lực mà có nơi, có lúc chưa làm tốt, đặc biệt là dùng nguyên văn bản của Bộ, của địa phương áp dụng trực tiếp cho cơ sở của mình nên có khi không phù hợp…

– Tuỳ theo nhiệm vụ cụ thể của cơ sở y tế nhằm phục vụ thu dung quản lý, điều trị theo phân tầng bệnh nhân COVID-19 mà xây dựng đầy đủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn (kèm bảng kiểm) khi thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ thực tế của đơn vị trên cơ sở các văn bản của cấp trên. Nhiều cơ sở y tế, nhiều đơn vị vì áp lực về thời gian, nhân lực mà có nơi, có lúc chưa làm tốt, thường dùng nguyên văn bản cấp trên áp dụng trực tiếp cho đơn vị mình.

1.3. Việc kiểm tra giám sát

– Việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm nhân viên y tế phải được thực hiện hằng ngày, sau các ca làm việc bằng các bảng kiểm, các bảng kiểm được xây dựng để giám sát các hoạt động từ phân luồng, sàng lọc, khám, nhập viện, chuyển viện, chăm sóc, điều trị…để đánh giá nguy cơ lây nhiễm của nhân viên y tế nhằm có phương án xử lý phù hợp. Toàn thể nhân viên y tế tại cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 cần phải tuân thủ chặt chẽ, nhất quán các nguyên tắc thực hành để giảm nguy cơ lây nhiễm.

– Các cơ sở y tế cần bố trí đủ nhân lực hướng dẫn, giám sát khi thực hiện các quy trình…để đánh giá nguy cơ lây nhiễm của nhân viên y tế và kiến nghị phương án xử lý. Đồng thời đề xuất với lãnh đạo đơn vị các chế tài xử lý khi nhân viên y tế vi phạm các quy định về phòng chống dịch.

Hầu hết các cơ sở y tế, nhiều đơn vị vì áp lực về thời gian, nhân lực mà chỉ chú trọng bố trí cán bộ chuyên môn, chưa chú trọng vào công tác xây dựng các quy trình, các bảng kiểm, các văn bản hướng dẫn và tăng cường đội ngũ giám sát. Đây là một điểm yếu nghiêm trọng, đề nghị các cơ sở y tế cần cải thiện sớm yêu cầu này.

Bảo vệ nhân viên y tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong lúc này, nếu nhân viên y tế mang mầm bệnh phục vụ bệnh nhân thì tăng nguy cơ lây bệnh cho bệnh nhân, lây nhiễm cho cộng đồng. Mặc dù công việc của các nhân viên y tế hiện đang hết sức vất vả, nhưng chúng ta phải tuân thủ các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn. Vì vậy, nhiệm vụ giám sát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm là vô cùng quan trọng, bởi vì chỉ có giám sát thường xuyên, liên tục cùng hướng dẫn, nhắc nhở sẽ giúp nhân viên y tế dự phòng hiệu quả trong tình huống áp lực công việc lớn như hiện nay.

Trần Đình Bình

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y-Dược Huế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM