Nhận xét và phân tích về báo cáo ca bệnh 243

  • PGS.TS. Trần Đình Bình
  • 10-04-2020
  • 160 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Ngày 6 tháng 4 năm 2020, theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, đã có 245 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam. Đặc biệt trong đó có trường hợp bệnh nhân được cho là có thời gian mang virus hay ủ bệnh rất dài đến 23 ngày? Vậy chúng ta phải xem xét vấn đề này như thế nào? Theo báo cáo, đó là bệnh nhân nam, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, cư trú tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội.

      1. Lịch trình phức tạp và thời gian 23 ngày của bệnh nhân:

      Ngày 12 tháng 3 năm 2020, ông đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa Miễn dịch – Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ H.N.P là người trực tiếp khám cho bà N.T.H (SN 1979, vợ ông T và có tiền sử bệnh Lupus ban đỏ có hệ thống, suy thận 12 năm nay). Ông T đưa vợ đi khám bằng xe máy. Sau khi khám được bác sỹ kê đơn thuốc, mua thuốc và đưa vợ đi về vào lúc 12h ngày 12/3. và về trong ngày, ăn uống tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng bệnh viện. Từ đó đến nay chưa quay lại bệnh viện. 

      Trong hai ngày 12 – 13/3, bệnh nhân T. có đi ăn cưới con anh trai gần nhà, đi tiếp khách rất nhiều mâm cỗ. Đến trưa ngày ngày 15/3, ông T đi ăn giỗ tại nhà mẹ vợ (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh) và có tiếp xúc với nhiều người trong gia đình. Trong đó, có nhiều người cao tuổi (danh sách này đang được huyện Mê Linh điều tra thêm).

      Ngày 15-21/3, ông T. ở nhà, chỉ tiếp xúc với những người trong gia đình và 2 anh trai có nhà gần đó. Khi ra khỏi nhà, ông T. thường đeo khẩu trang vải.

      Ngày 21/3, ông T. đau mỏi người, ngấy sốt (không cặp nhiệt độ), nghĩ bị cảm cúm nên đã ra hiệu thuốc gần nhà (do chị N.T.H. bán) mua 1 vỉ thuốc cảm cúm về uống (không nhớ tên thuốc). Ngày hôm sau, ông T. thấy đỡ mỏi, không sốt.

      Ngày 22-26/3, và 3 – 4/4, ông T. có đi giao hoa tại chợ hoa Quảng Bá (quận Tây Hồ) vào buổi tối, khi đi có đeo khẩu trang thường xuyên và không có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Khi giao hoa, chợ đã đóng cửa và những người mua hoa thường mua ở trên đê nên không rõ bán hoa cho ai.

      “Ông T. đã tiếp xúc nhiều người trong gia đình để thu mua, gói hoa tại nhà trước khi giao bán tại chợ Quảng Bá. Sáng nay điều tra, xác định một số người ở huyện Đông Anh đến mua hoa tại nhà”, ông Cảm nói.

      Trong ngày 20 – 22/3, bệnh nhân có đến chơi tại một số nhà bạn bè trong cùng thôn và được lập danh sách đầy đủ.

      Ngày 30/3, ông T. được thông tin những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong các ngày 10-28/3 cần phải khai báo y tế, bệnh nhân đã chủ động gọi điện ra Trạm Y tế xã và qua đó lập danh sách được 25 người từng đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian trên (hiện tất cả đã được lấy mẫu bệnh phẩm gửi cho CDC Hà Nội). Do thời điểm khai báo đã qua 14 ngày, nên bệnh nhân đã được Trạm Y tế xã hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, không có biểu hiện triệu chứng. Ông có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và bạn kinh doanh. 

      Ngày 2/4, ông T. đi tảo mộ sau đó có ăn trưa cùng 4 người khác trong họ (danh sách được lập đầy đủ). Từ ngày 2-5/4, ông T. tiếp xúc với những người trong gia đình và nhà 2 anh trai; đi sửa xe máy nhà anh Q. (đối diện nhà); đi mua mỳ tôm và bả chuột tại nhà anh T., chị H. (cùng khu vực).

      Trưa 4/4, do cháu dâu có biểu hiện sẩy thai nên ông T. đưa cháu dâu, cháu trai đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên. Tại đây, ông tiếp xúc với một số bác sĩ và sau khi thăm khám, bác sĩ có đề nghị chuyển xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nghi thai chết lưu. Cùng ngày, ông cùng một số người nhà đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để thăm cháu dâu (5 người đi cùng đã được lập danh sách). Từ 4 – 5h chiều, bệnh nhân có tiếp xúc với 1 bác sĩ khám bệnh cho cháu dâu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh nhân có đeo khẩu trang. Ngày 4 tháng 4 năm 2020, ông được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

      Đến 17h ngày 5/4, ông T. cùng em trai (Q.D.T.) đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bằng xe máy. Tại đây, ông tiếp xúc với 1 bác sĩ lúc 20h30 (không nhớ tên). Trong thời gian tại bệnh viện, ông chủ yếu ngồi ở phòng chờ, đến 23h30 thì về nhà.

      Ngày 6 tháng 4 năm 2020 ông T. nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và vợ có kết quả âm tính. Bệnh nhân đã được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).

      2. Nhận xét và phân tích ca bệnh:

      Ca bệnh có thời gian mang mầm bệnh đến 23 ngày, có thể từ 12 tháng 3 năm 2020 (khi đưa vợ đi khám bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai) cho đến khi xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 4 tháng 4 năm 2020. Như vậy có cơ sở khoa học không?

      Theo nhiều nghiên cứu và khuyến cáo, thời gian ủ bệnh của COVID-19 là 14 ngày, nhiều khuyến cáo trong việc cách ly và theo dõi bệnh nhân trong vòng 14 ngày. Vậy có khả năng thời kỳ ủ bệnh của bệnh nhân này là 23 ngày hay không? Điều này có nguy hiểm cho cộng đồng vì nguy cơ lây nhiễm hay không?

      Thật sự để phân tích đúng trường hợp này, chúng ta phải trả lời được các câu hỏi sau:

  1. Từ ngày 12 tháng 3 đến 30 tháng 3, bệnh nhân đã đi những nơi nào? Có tiếp xúc và làm việc với ai không? Bênh nhân đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.
  2. Ngày 30 tháng 3 năm 2020, bệnh nhân đến khai báo ở trạm y tế và cách ly tại nhà ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội có tiếp xúc gần với ai không?
  3. Bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng cho đến thời điểm này, vậy nhiễm SARS-CoV-2 của bệnh nhân này có tính là lúc xét nghiệm dương tính hay không? Hay nếu xét nghiệm trước đó 1-2 tuần vẫn có thể dương tính với SARS-CoV-2?
  4. Bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng có nguy cơ lây nhiễm cho người khác cao không?…

      Nếu loại trừ hết tất cả yếu tố tiếp xúc cộng đồng có nguy cơ lây nhiễm trong thời gian 23 ngày đó thì chúng ta có thể nhận xét như sau:

      – Theo nguyên lý và khả năng gây bệnh của virus nói chung thì nhiễm trùng không triệu chứng (như bệnh nhân này) chiếm tỷ lệ khoảng trên 80% (đây là các nhiễm trùng thể ẩn, có nguy cơ là nguồn lây nhiễm đáng sợ cho cộng đồng vì không ai biết là nguồn lây).

      – Từ ngày 12 tháng 3 đến 30 tháng 3, bệnh nhân đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, rất có thể bệnh nhân đã lây nhiễm từ những nguồn này hay không?

      – Ngày 21/3 (9 ngày sau khi tiếp xúc ở Bệnh viện Bạch mai), ông T. đau mỏi người, ngấy sốt (không cặp nhiệt độ), nghĩ bị cảm cúm nên đã ra hiệu thuốc gần nhà mua 1 vỉ thuốc cảm cúm về uống, sau đó bệnh nhân trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường. Vậy đây có thể là thời điểm bệnh nhân phát bệnh, triệu chứng nhẹ, bệnh thể nhẹ, sau đó hồi phục và mang mầm bệnh? Trường hợp này xét nghiệm kháng thể sẽ có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vì bệnh nhân này mang mầm bệnh từ ngày 12/3. Nếu xét nghiệm kháng thể âm tính thì bệnh nhân mới nhiễm vào những ngày cuối tháng 3 hoặc đầu tháng tư từ một nguồn lây hoàn toàn chưa biết. Theo báo cáo của Ban chỉ đoạ Quốc gia về phòng chống COVID-19 thì kết quả xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 của bệnh nhân đã âm tính vào ngày 8/4. Vậy chắc chắn bệnh nhân đã lây nhiễm từ cộng đồng trong thời gian sau này. Việc kết luận này cực kỳ quan trọng vì 2 lý do:

      – Không thể có thời gian ủ bệnh COVID-19 dài 23 ngày như nhiều suy đoán trước đây.

      – Tìm kiếm và kiểm soát nguồn lây COVID-19 từ nguồn khác trong cộng đồng để kiểm soát chính xác các nguy cơ lây nhiễm của đối tượng F0 (chưa biết) cho bệnh nhân này và các đối tượng F2 từ bệnh nhân này cho những người khác.

      3. Kết luận:

      Việc xét nghiệm Realtime RT-PCR rộng rãi cho những đối tượng có tiếp xúc gần với nguồn lây (Bệnh viện Bạch Mai chẳng hạn) là rất cần thiết để loại trừ những đối tượng nhiễm virus thể ần (nhiễm trùng không triệu chứng).

      Cũng cần xét nghiệm kháng thể để phối hợp chẩn đoán xác định và suy đoán nguồn lây và thời gian lây nhiễm.

      Từ đó chúng ta thấy các chiến lược dự phòng hiệu quả nhiễm SARS-CoV-2 mà các quốc gia đang thực hiện là xét nghiệm rộng rãi để phát hiện sớm người mang virus, cách ly, theo dõi các đối tượng có yếu tố dịch tễ và lâm sàng, khoanh vùng cách ly hợp lý, điều trị tích cực các trường hợp lâm sàng bằng biện pháp hỗ trợ hô hấp, tăng sức đề kháng và thuốc kháng virus (có thể), thuốc kháng sinh để dự phòng bội nhiễm thì mới có thể ngăn chặn sự lây lan và hậu quả nặng nề của COVID-19.

PGS. TS. Trần Đình Bình                 

Khoa KSNK, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM