Những bài học truyền thống quý báu.từ hội nghị thành lập Đảng 3/2/1930 (31/01/2011)

Cuối tháng 3-1929, tại nhà số 5D Hàm Long (Hà Nội), chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước gồm 7 đảng viên, do Trần Văn Cung làm Bí thư, được thành lập.Ba tháng sau đó, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời ngày 17-6-1929, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội. Di sản quan trọng về mặt lý luận mà Đông Dương Cộng sản Đảng để lại là bản Tuyên ngôn. Tuyên ngôn phân tích sâu sắc chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, đồng thời, vạch ra những bước đi của cách mạng Việt Nam, được Quốc tế Cộng sản biết đến và đánh giá cao.

Sau khi Đông Dương Cộng sản ra đời (6-1929), tại Việt Nam còn xuất hiện hai tổ chức cộng sản nữa: An Nam Cộng sản Đảng (7-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9-1929). Mục đích hướng tới của ba tổ chức cộng sản này là giống nhau, nhưng lại khác nhau về phương pháp, cho nên đã dẫn đến chỗ mâu thuẫn và bài xích lẫn nhau.

Ngày 27-10-1929, Quốc tế Cộng sản gửi thư cho các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, yêu cầu hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đang ở Thái Lan. Từ Thái Lan, Người đến Hương Cảng (Trung Quốc) vào ngày 23-12-1929.

Hội nghị thành lập Đảng diễn ra trong căn phòng nhỏ hẹp của xóm thợ thuyền tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) từ ngày 3-2-1930. Dự Hội nghị có: Nguyễn Ái Quốc, bí danh Vương, đại diện Quốc tế Cộng sản, chủ trì; Nguyễn Đức Cảnh, bí danh là Trọng và Trịnh Đình Cửu, bí danh Chí, là những đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm, bí danh Việt và Nguyễn Thiệu, bí danh Nghĩa, là những đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng. Ngoài ra, còn có Lê Hồng Sơn tức Lê Văn Phan, tức Vũ Hồng Anh, bí danh Đỗ và Hồ Tùng Mậu, bí danh Lương, là những người trong chi bộ An Nam Cộng sản Đảng hoạt động tại Trung Quốc, tham dự một số buổi.

Hội nghị nhất trí thống nhất Đảng lại, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, và thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình hành động tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.

Nhân Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam,Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi nhân dân Việt Nam tham gia cách mạng.

Những văn kiện này là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, các Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về phong trào giải phóng dân tộc vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh đất nước.

Thành công của Hội nghị thành lập Đảng đã làm sáng tỏ thêm tầm cao tư tưởng và phương pháp lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta.

Ngày 24-2-1930, theo yêu cầu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời ra Quyết định chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuộc vận động thành lập Đảng được hoàn thành vào tháng 10-1930, khi Hội nghị Trung ương lần thứ nhất được tiến hành, thông qua Luận cương chính trị và bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức do Trần Phú làm Tổng Bí thư. Hội nghị còn quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với quá trình cách mạng nước ta, để lại cho chúng ta những bài học truyền thống quý báu mang tính thời đại.

Một là, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế bao giờ cũng là một sức mạnh to lớn để Đảng ta trưởng thành và giành thắng lợi. Hội nghị thành lập Đảng (3-2-1930) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã cắm một cái mốc lớn khởi đầu cho truyền thống đoàn kết trong Đảng ta. Sự thống nhất ý chí, hành động và tổ chức giữa những người cộng sản là yêu cầu bức xúc của cách mạng Việt Nam vào những năm 1929-1930. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là nhân tố quyết định để đoàn kết các tầng lớp nhân dân, huy động mọi lực lượng thắt chặt khối đại đoàn kết, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng giành thắng lợi cho đất nước.

Hai là, ngay từ đầu, Đảng đã xác định đúng mục tiêu của cách mạng. Đó là một thành công cực kỳ quan trọng của Hội nghị 3-2-1930. Mục tiêu của cách mạng được Hội nghị xác định là: “Làm cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa để đi tới xã hội cộng sản”, nghĩa là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng, ngay từ đầu, trong chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được giương cao. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, hợp lòng dân, hợp quy luật được nhân dân đồng tình, chấp nhận và tự nguyện thực hiện cho đến ngày cách mạng thành công.

Ba là, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trước vận mệnh của dân tộc, coi trọng gắn bó mật thiết với quần chúng.

Trong Hội nghị thành lập Đảng cũng như trong lịch sử hoạt động của Đảng ta, đặc điểm nổi bật là tính độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã xác đinh rõ: Lấy giai cấp công nhân và nông dân làm quân chủ lực, nòng cốt để tập hợp mọi lực lượng yêu nước, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, giàu nghèo, dân tộc, giai cấp, già trẻ… hễ là người yêu nước đều có thể đứng chung vào một trận tuyến do liên minh công nhân, nông dân, trí thức làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vì mục tiêu giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh. Đảng ta luôn luôn thể hiện vai trò đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động cả nước, thường xuyên gắn bó mật thiết với lợi ích của nhân dân.

Những bài học truyền thống quý báu từ Hội nghị thành lập Đảng 3-2-1930 đã phát huy sức sống mạnh mẽ trong các phong trào đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ, đã đưa Đảng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, dẫn tới thắng lợi trọn vẹn thống nhất đất nước và hiện nay đang tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.                    
 


Nguyễn Xuyến
Người cập nhật:  

Các bài viết khác: