Những bước đi đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội

  • Husta.org
  • 15-01-2009
  • 550 lượt đọc

Được thành lập tháng 4/2008, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) trực thuộc Liên hiệp hội Thừa Thiên – Huế, đã và đang củng cố tổ chức, đẩy mạnh hoạt động.

 

Củng cố cơ cấu tổ chức, tạo mối quan hệ

CSRD đã xây dựng cơ cấu tổ chức gồm có: Ban Điều hành (1 giám đốc và 1 phó giám đốc), văn phòng (kế toán, cán bộ hành chính nhân sự), bộ phận nghiên cứu (cán bộ điều phối, cán bộ nghiên cứu, cán bộ tư vấn, đào tạo, tình nguyện viên). Đến nay, CSRD đã ổn định nhân sự, trang bị các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Bước đầu CSRD đã xây dựng được mối quan hệ với UBND tỉnh, UBND các huyện (Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền,…), một số sở, ban, ngành như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Ngoại vụ, Sở Tài nguyên Môi trường, PA 35, các trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, các tổ chức trong và ngoài nước như Chương trình phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế, Dự án Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền, tổ chức SNV Hà Lan, Quỹ Nhân đạo Nauy, tổ chức Rosa Luxemburg, Both End, Trung tâm Bảo tồn tài nguyên biển, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn tài nguyên nước, Trung tâm Dịch vụ phát triển Nông thôn Hà Nội,…

Với sự giúp đỡ của Trung tâm Viễn thông Thừa Thiên Huế, CSRD đã và đang hoàn thiện website: www.csrd.huecity.vn nhằm quảng bá hoạt động cũng như xây dựng hình ảnh cho Trung tâm và là trao đổi những thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của trung tâm.

Triển khai các hoạt động

CSRD đã gặt hái được kết quả từ công tác tập huấn trong lĩnh vực phát triển. 5 khóa tập huấn về đánh giá nhu cầu đào tạo, thống kê ứng dụng trong kinh tế – xã hội, phát triển chuỗi giá trị cho 128 học viên (114 học viên được cấp chứng chỉ) đến từ các cơ quan phòng ban của các huyện, các làng nghề, các cơ sở sản xuất trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được CSRD phối hợp với Chương trình Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế và Dự Án Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền tổ chức thành công.

Đánh giá nhu cầu đào tạo là khóa tập huấn kết hợp với thu thập điều tra giúp cho các học viên tiếp cận và nắm bắt các công cụ và phương pháp xác định nhu cầu đào tạo dựa trên khung năng lực thực hiện và ứng dụng lý thuyết khoảng cách để tìm ra các nhu cầu về đào tạo của các cá nhân, tổ chức. Từ đó lập được một kế hoạch hoạt phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng những yêu cầu mà công việc đòi hỏi.

Thống kê ứng dụng trong kinh tế – xã hội là khóa học giúp các học viên đến từ nhiều đơn vị tiếp cận với các phương pháp điều tra nghiên cứu và phân tích xử lý số liệu. Đặc biệt phần mềm phân tích và xử lí số liệu Stata8 được đưa ra hướng dẫn xử dụng. Những tiện ích mà phần mềm này đem lại là giảm gánh nặng trong công tác phân tích số liệu thống kê và đưa ra các kết quả thống kê chính xác, nhằm giúp phản ánh các vấn đề trong phạm vi nghiên cứu một cách thực tế  hơn.   Ngoài ra những kỹ năng, kiến thức về quy trình nghiên cứu điều tra cũng được khóa học chú trọng nhằm giúp học viên hiểu và áp dụng quy trình này một cách khoa học và có hệ thống.

Phát triển chuỗi giá trị là khóa học giúp cho người nghèo,các đơn vị sản xuất kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước nhìn lại một cách tổng thể các chuỗi liên tục trong hệ thống cung và cầu của sản xuất kinh doanh cũng như các mối quan hệ qua lại của các chuỗi đó. Thông qua lớp tập huấn, các học viên đến từ các đơn vị sản xuất kinh doanh có cơ hội đánh giá lại tình hình hoạt động của mình và nhận ra mình đang ở vị trí nào trong chuỗi giá trị đó. Từ đó họ có thể biết được mình cần cái gì từ ai và mình có thể giúp gì cho ai nhằm phát triển chung cho toàn bộ hệ thống chuỗi giá trị. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng  nắm được toàn bộ hệ thống các chuỗi trong phạm vi quản lý nhằm có kế hoạch quản trị chuỗi giá trị phù hợp hơn.

Khi lựa chọn thực hiện các chương trình tập huấn trên, CSRD luôn chú trọng tính ứng dụng và hiệu quả xóa đói giảm nghèo mà các chương trình này đem lại. Đồng thời, Trung tâm đã kết hợp nắm bắt các thông tin về địa phương để đề xuất các vấn đề phát triển, các hoạt động thuộc lĩnh vực mà Trung tâm có thể thực hiện được để gửi cho các tổ chức quan tâm, có thể tài trợ kinh phí hoạt động.

Bên cạnh công tác tập huấn, trong thời gian qua, CSRD đã hoàn thành một hợp đồng với tổ chức SNV Hà Lan về Đánh giá quá trình lồng ghép các nguyên tắc Trao quyền trong các chương trình của SNV tại Việt Nam.

CSRD đã tích cực xây dựng đề xuất dự án và gửi đến các tổ chức hoạt động cùng lĩnh vực. Tính đến đầu quý IV/2008, CSRD nhận được phản hồi từ 3 tổ chức: Both End Hà Lan, Quỹ Rosa Luxemburg và Quỹ viện trợ nhân đạo Nauy NPA. Both End Hà Lan đã quyết định chọn CSRD làm đối tác để thực hiện dự án Thích ứng biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Hương (là một hợp phần nhỏ của dự án lớn dành cho 7 lưu vực sông lớn trên thế giới gọi là ADAPT project) do Chính phủ Hà Lan tài trợ, thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2009, kinh phí 50.000 Euro. Quỹ Rosa Luxemburg đã tìm hiểu, thẩm định và đã cơ bản đồng ý tài trợ cho dự án Phát triển cộng đồng và cải thiện sinh kế cho ngư dân xã Quảng Phước và Quản Lợi, huyện Quảng Điền, thời gian thực hiện trong hai năm 2009 -2010 với kinh phí 36.000 Euro. Quỹ viện trợ nhân đạo Nauy NPA đã kết hợp với CSRD hoàn thành đề xuất dự án Nghiên cứu khảo sát địa bàn nhiễm bom mìn và xây dựng kế hoạch rà phá bom mìn tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa thiên Huế.

 

 

Nguyễn Văn Quế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM