Những điều nên biết về men đậu nành Natto Kinase

  • Nguyễn Doãn Quan
  • 04-02-2016
  • 574 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Từ vài thập kỷ qua, thực phẩm chức năng ra đời và phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới cũng như xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Đây là những thực phẩm đã qua chế biến bổ sung các thành phần có lợi, loại bỏ các thành phần có hại, cung cấp các dinh dưỡng cơ bản, phòng chống bệnh tật, hỗ trợ điều trị, tăng cường sức khỏe. Đậu nành, một thực phẩm truyền thống được sử dụng hơn 1000 năm tại các nước châu Á, là nguyên liệu bổ dưỡng cho rất nhiều thức ăn phổ biến: đậu phụ, chao, sữa. Natto, một loại thực phẩm lên men nổi tiếng tại Nhật Bản cũng là chế phẩm từ đậu nành.

Nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu về sự bí ẩn của Natto là tiến sĩ K.Yabe, một chuyên gia về vi sinh học công bố những kết quả tìm tòi của ông về sự lên men của Natto vào năm 1894, ghi lại rằng “Natto, một loại pho-mai thực vật” để giới thiệu với các nước phương Tây vốn rất quen thuộc với các loại phô-mai từ sữa bò hay sữa dê. Trước Abe, chưa có một ai tìm hiểu nguyên nhân tại sao Natto có thể lên men từ rơm rạ bọc quanh. Với kiến thức về vi sinh vật, TS Abe cho rằng đậu nành nấu chín chắc chắn được lên men bằng một loại vi sinh vật “nào đó” và với phương pháp trích ly, Abe đã tìm thấy 4 loại vi khuẩn (ba loại thuộc họ Micrococci và một loại Bacillus) đã giúp cho đậu nành lên men dễ dàng (ông ta đã phát hiện Bacillus subtilis là loại men giúp cho đậu nành nấu chín lên men nhưng không xác định đó là một loại enzym có trong rơm rạ bọc quanh Natto).

 

Natto: đậu nành lên men và vi khuẩn Bacillus subtilis natto quan sát dưới kính hiển vi.

Trong quá trình lên men đậu nành, chiết xuất Nattokinase lần đầu tiên được phát hiện năm 1980 bởi giáo sư Sumi Hiroyuki có tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt cho hệ tim mạch: hạ huyết áp, tan cục máu đông, giảm độ cứng thành mạch…đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới.

Natto, được làm từ đậu nành đã đun sôi và lên men bởi trực khuẩn gram dương có tên Bacillus subtilis natto ở môi trường 40ºC trong vòng 14-18 tiếng đồng hồ cho đến khi những hạt đậu được phủ bởi một lớp nhầy, dính như dây đàn, có mùi mốc nồng đặc trưng. Có nhiều loại thực phẩm truyền thống tương tự tại các nước phương Đông như dochi (Trung Quốc), tempeh (Indonesia), chungkook-jang (Hàn Quốc), thua-nao (Thái Lan), tao-si (Philippin)…Có 3 loại Natto ở Nhật Bản: itohiki-natto, yukiwai-natto và hama-natto. Itohiki-natto là loại Natto phổ biến và được sản xuất nhiều nhất. Danh từ “Natto” là để chỉ Itohiki-natto. Ngày nay, Natto luôn sẵn có tại Nhật Bản và được bán thường xuyên tại các chợ địa phương cũng như các siêu thị với nhiều loại sản phẩm phong phú như trộn với lúa mỳ, miso, cải bắp hay trứng…Natto được xem là một thành phần có lợi cho sức khỏe khi ăn vào, đặc biệt là cho hệ tim mạch.

Tác dụng điều trị của Nattokinase

– Tác dụng tiêu sợi huyết: Nattokinase có thể tiêu fibrin bằng hai con đường trực tiếp và gián tiếp. Hoạt tính phân cắt liên kết chéo giữa các đơn phân trong đại phân tử fibrin của Nattokinase mạnh gấp 4-6 lần plasmin. Nattokinase được hấp thu nguyên dạng qua ruột non có thể phân cắt trực tiếp fibrinogen trong huyết tương. Nattokinase còn gián tiếp làm thoái hóa fibrin thông qua ảnh hưởng làm tăng chất hoạt hóa plasminogen mô ( t-PA) và làm tăng chuyển prourokinase thành urokinase. Nattokinase không trực tiếp kích thích sản xuất chất hoạt hóa plasminogen mô. Thay vào đó nó làm giảm hoạt tính của chất ức chế hoạt hóa plasminogen 1 (PAI-1). Quan trọng hơn, Nattokinase không ảnh hưởng đến quá trình hình thành fibrin từ fibrinogen nên không ngăn cản sự tạo thành cục máu đông trong quá trình liền vết thương.

– Tác dụng lên huyết áp: Huyết áp chịu ảnh hưởng bởi cung lượng tim, tính chất của mạch máu và độ nhầy của máu. Sức đề kháng của mạch máu ngoại biên là yếu tố chính của huyết áp động mạch, nó chịu ảnh hưởng bởi độ dính hồng cầu và nồng độ protein huyết tương. Độ dính của hồng cầu là do quá trình gắn đặc hiệu và không đặc hiệu của fibrinogen lên màng hồng cầu. Sự gia tăng của huyết áp có liên quan với độ nhớt của huyết tương và độ dính của hồng cầu, được quyết định bởi sự gia tăng của fibronectin và fibrinogen trong huyết tương và khả năng thay đổi hình dạng của hồng cầu [36]. Pais và cs đã chứng minh Nattokinase có khả năng làm giảm độ nhớt của máu và độ dính của hồng cầu trong một nghiên cứu in vitro. Nattokinase được hấp thu nguyên dạng qua thành ruột non có khả năng ly giải fibrinogen theo hai con đường trực tiếp và gián tiếp, qua đó làm giảm nồng độ fibrinogen huyết tương, làm giảm độ nhớt của máu và độ dính của hồng cầu.

Huyết áp chịu sự chi phối của hệ thống renin-angiotensin. Trong đó angiotensin II tác động trực tiếp lên cơ trơn thành mạch, hệ giao cảm và tuyến thượng thận làm nâng huyết áp lên và nó được gọi là một yếu tố co mạch. Angiotensin II được tạo ra từ angiotensinogen trong hệ thống renin-angiotensin đòi hỏi phải có các enzyme đặc hiệu đó là renin và men chuyển angiotensin converting enzyme (ACE). Renin chuyển angiotensinogen thành angiotensin I và ACE chuyển angiotensin I thành angiotensin II. Các peptide nhỏ có khả năng ức chế hoạt tính của renin hay ACE được phân lập từ thực phẩm. Tri-peptide Val-Ala-Pro phân lập từ đậu nành tương ứng với chuỗi Val84-Ala85-Pro86 của Nattokinase có tác dụng ức chế ACE.

Nattokinase ức chế sự dày nội mạc mạch máu nên làm giảm sức cản ngoại biên, do đó góp phần làm giảm huyết áp. Nattokinase làm giảm khả năng kết dính giữa các tế bào máu, do đó tăng khả năng thay đổi hình dạng của hồng cầu nên làm hạ huyết áp [76].

– Tác dụng chống viêm: C-Reactive Protein (CRP) được tổng hợp chủ yếu tại gan dưới tác dụng kích thích của các cytokin tiền viêm như IL-1, IL-6, TNF-α khi cơ thể đang có hiện tượng viêm. CRP là protein ở pha cấp của viêm được tạo bởi 5 chuỗi polypeptid (pentraxin), trọng lượng phân tử là 120000 dalton. Ngày nay, qua nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định VXĐM là một bệnh do viêm. Có rất nhiều nghiên cứu đã đi sâu vào tìm hiểu vai trò của viêm đặc biệt là vai trò của CRP trong bệnh lý tim mạch đã chứng minh rằng CRP không chỉ đơn giản là một protein đáp ứng của quá trình viêm mà còn có tác động lên các giai đoạn của quá trình xơ vữa, là nguồn gốc của các bệnh lý mạch máu.

Nghiên cứu được thực hiện ở bệnh viện Center for Cardiovascular Disease and Prevention chỉ ra rằng THA có thể là một bệnh lý viêm. Tình trạng viêm làm tăng huyết áp bằng cách thay đổi cấu trúc nội mạc mạch máu. Ngoài ra còn có sự liên kết mạnh giữa nồng độ CRP trong huyết tương và nguy cơ tăng huyết áp trong tương lai . Pfutzner A và cộng sự cũng chỉ ra sự gia tăng nồng độ CRP là một nguy cơ cho bệnh lý tim mạch. Watler Jeske và cộng sự, trong một báo cáo không được công bố rộng rãi năm 2011, đã theo dõi nồng độ CRP trên 18 bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tim mạch trước và sau khi dùng liều duy nhất 2000 FU Nattokinase 15 phút, 2 giờ, 4 giờ, 8 giờ, 12 giờ và 24 giờ. Kết quả là nồng độ CRP lưu hành trong máu đã giảm xuống, nồng độ cực tiểu đạt được sau 12 giờ.

– Tác dụng lên mỡ máu: Đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng lên chuyển hóa lipid máu của các thành phần protein và isoplavone có trong đậu nành. Các nghiên cứu tuy còn giới hạn về quy mô và dữ kiện lâm sàng nhưng cũng đã phần nào cho thấy tác dụng tốt của các thành phần này lên lipid máu. Chưa có nhiều nghiên cứu đề cập đến tác dụng làm hạ lipid máu của nattokinase ở con người. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi của Der-Jim Wu và cộng sự đã báo cáo rằng Nattokinase dùng với liều 4000FU/ngày kéo dài trong 8 tuần có tác dụng làm hạ LDL-Cholesterol từ 3-5%, khác biệt so với placebo là không có ý nghĩa thống kê. Đồng thời Nattokinase không ảnh hưởng đến triglyceride và các loại cholesterol khác .

– Tác dụng lên đường máu: đến nay chưa có nhiều báo cáo nói về ảnh hưởng của Nattokinase lên Glucose máu TM đói. Nghiên cứu của Masahito Hitosugi và cộng sự (2014) tiến hành trên 20 đối tượng với Nattokinase 2500 FU/ngày theo dõi trong 4 tuần thấy glucose máu không có sự khác biệt trước và sau can thiệp. Fujita và cs chỉ ra rằng Touchi, một loại thực phẩm được làm từ đậu nành lên men khá phổ biến ở Trung Quốc, tương tự như Natto ở Nhật Bản, có khả năng làm giảm glucose máu bằng cách ức chế men α-glucosidase. Nghiên cứu trên chuột thí nghiệm và trên người cho thấy sản phẩm tinh chế từ Touchi làm giảm đường huyết chỉ với liều duy nhất . Có thể Nattokinase cũng làm hạ glucose máu qua cơ chế này

Nghiên cứu trong nước về Nattoenzyme

– Nghiên cứu tác dụng của Natto trên 64 bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính hoặc bán cấp tại Bệnh viện 108 cho thấy có tác dụng cải thiện hoạt động chức năng sau giai đoạn điều trị tại bệnh viện theo các thang điểm đánh giá của Viện Sức Khỏe , Thần kinh và Đột quỵ Hoa Kỳ(NIH-NINDS), thang điểm phục hồi chức năng (Barthel), thang điểm tâm thần tối thiểu (MMSE) tương đương so với dùng thuốc Aspirin. Sản phẩm Nattospes khi sử dụng chưa thấy tác dụng phụ không mong muốn (ban dị ứng, đi lỏng, chảy máu tiêu hóa …).

– Nghiên cứu tác dụng Natto trên 75 bệnh nhân được chẩn đoán là NMN sau giai đoạn cấp tại bệnh viện Bạch Mai trong vòng 12 tháng. Kết quả trên cận lâm sàng, nhóm điều trị có chỉ số APTT tăng 30.6%, INR tăng 25%, Fibrinogen giảm 22.9% so với trước điều trị và so với nhóm chứng ở mức có ý nghĩa thống kê (p < 0.05). Trên lâm sàng và trong dự phòng tái phát Nattospes có tác dụng tương đương với Aspirin. Sản phẩm có rất ít tác dụng phụ so với Aspirin khi dùng thuốc trong thời gian dài.

– Tại Huế chúng tôi nghiên cứu trên 80 đối tượng được chọn từ những người đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế trong các đợt kiểm tra sức khoẻ, có độ tuổi từ 18 đến 70 tuổi nằm trong diện tiền tăng huyết áp và tăng huyết áp độ 1 chưa từng điều trị trước đó. Các đối tượng được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: nhóm placebo (40 đối tượng và nhóm bệnh (40 đối tượng) sử dụng Nattokinase NSK-SD (Natural Super Kinase-Sprayed Dried) 750FU x 3 viên/ngày (liều 2000 FU/ngày) chia làm 2 lần: sáng 1 viên, chiều 2 viên, liên tục trong 08 tuần. Hiệu quả của Nattokinase lên huyết áp. Giá trị HATT giảm lần lượt ở các thời điểm 2 tuần, 4 tuần, 6 tuần, 8 tuần . Nattokinase làm giảm cả 2 giá trị HATT và HATTr khác biệt có ý nghĩa so với nhóm chứng (p < 0.05). Ngoài ra Nattokinase làm vận tốc sóng mạch (PWV) giảm, huyết áp mạch giảm có ý nghĩa so với nhóm chứng. Ngoài ra Nattokinase còn làm cholesterol toàn phần và LDL-C giảm..

Kết luận

Nattokinase, thực phẩm lên men của đậu nành, có tác dụng tốt cho sức khỏe và điều trị hỗ trợ một số bệnh lý tim mạch như tai biến tắc mạch, tăng huyết áp. Cần có nghiên cứu sâu rộng với nhiều trung tâm và đánh giá toàn diện để có áp dụng rộng rãi trong bào chế và điều trị tại tỉnh nhà./.

GS.TS. Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM